Minh Trang (Theo AFP, AP) - 11:50 - 08/05/2020
 
Liên hợp quốc (LHQ) ngày 7/5 đã đưa ra đề xuất mới về việc huy động thêm 4,7 tỷ USD để "bảo vệ hàng triệu người và ngăn chặn sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19” cho các quốc gia dễ bị tổn thương.
000anh4...................

 

Giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới, ông David Beasley đã kêu gọi các cá nhân và doanh nghiệp giàu có nhất thế giới tiên phong trong kế hoạch này. Số tiền dự kiến huy động nói trên nằm trong kế hoạch cập nhật mang tên “Kế hoạch ứng phó nhân đạo toàn cầu COVID-19”, vốn đã từng được LHQ khởi xướng với việc kêu gọi đóng góp 2 tỷ USD vào ngày 25/3, nâng tổng số tiền cần huy động lên 6,7 tỷ USD. Cho tới nay, LHQ đã huy động được một nửa số tiền kêu gọi ban đầu.

Toàn bộ 6,7 tỷ USD dự kiến sẽ trang trải chi phí cho các kế hoạch ứng phó nhân đạo liên quan tới đại dịch COVID-19 đến tháng 12/2020 và dành ưu tiên cho khoảng 20 quốc gia, bao gồm một số quốc gia đang có xung đột như Afghanistan (Áp-ga-ni-xtan) và Syria (Xi-ri). Kế hoạch cập nhật mới được đưa ra với việc có thêm chín quốc gia được thêm vào danh sách ưu tiên gồm Bénin (Bê-nanh), Djibouti (Gi-bu-ti), Liberia (Li-bê-ri-a), Mozambique (Mô-dăm-bích), Pakistan (Pa-ki-xtan), Philippines (Phi-líp-pin), Sierra Leone (Xi-ê-ra Lê-ôn), Togo (Tô-gô) và Zimbabwe (Dim Ba-buê).

Theo LHQ, quỹ này sẽ được sử dụng để mua thiết bị y tế phục vụ hoạt động kiểm tra và điều trị cho người bệnh, cung cấp các trạm rửa tay công cộng, khởi động các chiến dịch truyền thông và thiết lập các cầu hàng không vận chuyển hàng nhân đạo đến châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latinh.

Ngoài ra, số tiền trên cũng nhằm mục đích phát triển các chương trình mới để chống lại tình trạng mất an ninh lương thực đang gia tăng do khủng hoảng kinh tế gây ra bởi đại dịch COVID-19.

LHQ ước tính chi phí cho việc bảo vệ 10% người dân dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước các tác động xấu nhất của cuộc khủng hoảng COVID-19 là khoảng 90 tỷ USD. Con số này có vẻ như rất lớn, nhưng nó chỉ tương đương với 1% tổng giá trị các gói kích thích kinh tế mà các nước giàu nhất thế giới đã tung ra để cứu nền kinh tế.

Theo ước tính của LHQ, đại dịch COVID-19 dự kiến sẽ đạt đỉnh ở các nước nghèo nhất thế giới trong 3-6 tháng tới./.

Bạn nghĩ sao?