12:05 - 12/04/2022
 
Ấn Độ đã bác bỏ đề nghị của các công ty giải khát lớn toàn cầu và trong nước về việc miễn một số loại ống hút khỏi lệnh cấm có hiệu lực vào ngày 01 tháng 07. Điều này làm dấy lên lo ngại về sự gián đoạn đối với ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ đô la.

Lệnh cấm đối với ống hút được gói kèm với nước trái cây và các sản phẩm từ sữa, hai mặt hàng đạt doanh thu 790 triệu USD hàng năm, là một phần trong nỗ lực của chính phủ Ấn Độ nhằm loại bỏ rác thải nhựa sử dụng một lần gây ô nhiễm môi trường.

Praveen Aggarwal, giám đốc điều hành của một nhóm hoạt động trong lĩnh vực tái chế vỏ hộp nước giải khát (AARC) cho biết: “Chúng tôi lo lắng lệnh cấm này sẽ khiến người tiêu dùng và các nhãn hàng gặp phải khó khăn rất lớn, vì nó có hiệu lực vào thời điểm mà nhu cầu tiêu thụ các loại nước uống giải khát tăng.”

1714_plastic-straws-helen-lockhart-two-oceans_5f69954d21580

Chính phủ bác bỏ đề nghị miễn trừ ống hút khỏi lệnh cấm/ Ảnh: India Times 

Trong nhiều tháng, các liên minh khác của AARC, bao gồm PepsiCo, Coca-Cola và các công ty sữa, đã tiến hành các chương trình vận động để ống hút được miễn trừ khỏi lệnh cấm, với lí do không tìm được sản phẩm thay thế.

Bình luận của Aggarwal được đưa ra sau khi Bộ Môi trường Ấn Độ từ chối đề nghị của nhóm. Trong một bản ghi nhớ ngày 06 tháng 04, ông nói rằng ngành công nghiệp giải khát "nên bắt tay vào tìm kiếm các giải pháp thay thế", sau khi được thông báo về lệnh cấm ống hút trước đó một năm.

AARC nhiều lần kêu gọi Chính phủ Ấn Độ miễn lệnh cấm ống hút, với lí do các quốc gia như Úc, Trung Quốc và Malaysia vẫn cho phép sử dụng sản phẩm này.

Chitra Mukherjee, một chuyên gia quản lý rác thải ở thủ đô New Delhi, cho rằng tất cả các loại ống hút nhựa đều phải bị cấm, vì chúng được xếp vào danh sách 10 loại rác thải ra biển phổ biến hàng đầu.

Chính phủ Ấn Độ tin rằng những chiếc ống hút là một "sản phẩm ít tiện ích", dẫn đến việc xả rác diễn ra thường xuyên hơn. Ống hút nhựa nên được thay thế bằng ống hút giấy hoặc túi đựng có vòi.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại rằng lệnh cấm có thể gây nên sự gián đoạn nguồn cung nước trái cây và đồ uống, đồng thời làm tăng giá thành sản phẩm và ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh nếu chuyển sang các biện pháp thay thế ống hút nhựa.

Aggarwal cho biết ngành công nghiệp giải khát sẽ cần ít nhất 15 đến 18 tháng để xây dựng giải pháp chuỗi cung ứng với các loại ống hút khác.

Theo Tầm nhìn

Bạn nghĩ sao?