12:04 - 12/04/2022
 
Quan điểm trái chiều giữa các chính phủ Châu Âu khiến việc áp dụng lệnh cấm hoàn toàn dầu mỏ từ Nga khó thực hiện trong thời gian ngắn.

Sau quyết định ngừng nhập khẩu than từ Nga, Liên minh châu Âu (EU) đang lên kế hoạch thực hiện một mục tiêu mới tham vọng hơn: cắt hoàn toàn nguồn cung dầu mỏ từ Nga. Tuy nhiên, cuộc thảo luận giữa các quốc gia Châu Âu về lệnh trừng phạt sắp tới nhằm vào Nga khó đi đến sự thống nhất vì quan điểm đối lập giữa các quốc gia thành viên.

Đức, nền kinh tế lớn nhất Châu Âu, phản đối mạnh mẽ lệnh trừng phạt nhằm vào dầu mỏ và khí đốt Nga. Chính phủ Đức không muốn mạo hiểm nền công nghiệp của mình bằng các lệnh trừng phạt đối với Nga, mặc dù hành động này vấp phải nhiều chỉ trích từ cộng đồng quốc tế. Đức cũng quả quyết muốn lùi thời gian áp dụng lệnh cấm nhập khẩu than hoàn toàn từ Nga đến cuối năm nay.

Kế hoạch của Châu Âu cũng gặp khó khăn khi vòng đầu tiên của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp hiện đang diễn ra. Kế hoạch cấm vận năng lượng chi tiết sẽ không được đưa ra cho đến vòng bầu cử cuối cùng kết thúc vào ngày 24/04 sắp tới. Tổng tống Pháp Emmanuel Macron bày tỏ sự ủng hộ đối với kế hoạch cấm vận, nhưng Bộ trưởng Tài chính nước này cho biết cần đến 1 tuần để đạt được thỏa thuận trong EU về cách thức tiến hành.

2422_Oil-refinery-800x450

Châu Âu khó đạt được sự thống nhất trong lệnh cấm vận hoàn toàn dầu mỏ từ Nga/ Ảnh: EURACTIV.com 

Thủ tướng mới tái đắc cử của Hungary, Viktor Orban, đã nhiều lần cho biết chính phủ của ông phản đối các biện pháp trừng phạt làm tổn hại đến an ninh năng lượng quốc gia. Áo cũng thể hiện thái độ miễn cưỡng khi áp đặt các biện pháp trừng phạt năng lượng cứng rắn hơn.

Vào thứ Sáu, trong cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ở Kyiv, Đại diện Cấp cao Liên minh châu Âu về Chính sách Đối ngoại và An ninh, Josep Borrell, nói rằng ông sẽ đưa các lệnh cấm vận dầu mỏ trở thành ưu tiên hàng đầu trong cuộc gặp với các bộ trưởng EU ở Luxembourg vào thứ Hai.

“Các lệnh cấm vận phương Tây áp dụng… đã gây ra nhiều tổn thất đối với kinh tế Nga, nhưng cần có nhiều biện pháp hơn nữa.”, Ông Borrell phát biểu.

EU đã cam kết đẩy mạnh sản xuất năng lượng tái tạo để loại bỏ dần việc nhập khẩu năng lượng từ Nga. Bên cạnh đó, EU cũng đã liên hệ với các nhà sản xuất dầu mỏ ở Trung Đông và Châu Á. Bộ trưởng Kinh tế Đức, Robert Habeck, đã đến Qatar và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất vào cuối tháng 03 để đảm bảo các nguồn cung khí đốt mới đã sẵn sàng.

Mỹ cũng đã hứa sẽ tăng cường cung cấp khí đốt tự nhiên hóa (LNG) lỏng cho Châu Âu, với mục tiêu xuất khẩu 50 tỷ mét khối LNG hàng năm đến “lục địa già”, bù đắp cho khoảng 1/3 lượng khí đốt thiếu hụt từ nguồn cung của Nga./.

Theo Tầm nhìn

Nga

Bạn nghĩ sao?