Tổng thống Biden kêu gọi xây dựng một kỷ nguyên mới của hợp tác và đối ngoại thay cho chiến tranh, sau nhiều căng thẳng gần đây với cả đồng minh lẫn đối thủ.
1003_a

 Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York ngày 21/9. Ảnh: AFP.

Trong nỗ lực xóa tan hoài nghi ngày càng tăng trong các đồng minh về cam kết của Mỹ, Tổng thống Joe Biden đã tận dụng bài phát biểu đầu tiên ông tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 21/9 để kêu gọi "không ngừng" thúc đẩy ngoại giao trong vấn đề biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19 và giảm bớt ảnh hưởng của các đối thủ như Nga hay Trung Quốc.

Bài phát biểu đầu tiên của Tổng thống Mỹ Joe Biden trước các lãnh đạo thế giới nhấn mạnh sự kiện “khép lại chương lịch sử 20 năm chiến tranh, mở ra kỷ nguyên ngoại giao chuyên sâu bằng cách tập hợp các đồng minh, đối tác và thể chế để đối phó với những thách thức lớn của thời đại chúng ta”, theo CNN.

Tuy nhiên, ông Biden sẽ phải đối diện với căng thẳng từ Trung Quốc, mâu thuẫn nghiêm trọng với Pháp và sự chỉ trích của nhiều quốc gia thành viên LHQ sau những bất đồng vì Israel, cuộc rút quân trong hỗn loạn khỏi Afghanistan, và thoả thuận tàu ngầm với Úc khiến cả đối thủ lẫn đồng minh ngỡ ngàng.

Nhà Trắng coi bài phát biểu của Tổng thống Biden trước Đại hội đồng LHQ là cơ hội để Mỹ lấy lại vai trò dẫn dắt toàn cầu và thuyết phục các quốc gia thành viên LHQ rằng “Mỹ đã trở lại”, như ông Biden hứa khi bắt đầu nhiệm kỳ.

Sau bài phát biểu sẽ là một tuần gặp gỡ song phương, một hội nghị thượng đỉnh về COVID-19 do Mỹ chủ trì ngày 22/9 nhằm huy động thêm tiền cho hoạt động phân phối vắc-xin toàn cầu, một cuộc gặp với các lãnh đạo “Bộ tứ” cũng trong ngày 22/9, và một cuộc họp của Hội đồng bảo an LHQ về an ninh khí hậu vào 23/9.

“Đây là một tuần quan trọng và mang lại nhiều kết quả đối với Tổng thống Biden và vai trò lãnh đạo của ông trên trường quốc tế”, một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ nói. Biden đề cập rất ít tới những diễn biến rối ren liên quan tới Mỹ gần đây, trong đó có cuộc rút lui hỗn loạn khỏi Afghanistan sau khi Taliban chiếm quyền kiểm soát nước này.

Ông cũng không nhắc tới bất đồng mới nảy sinh với Pháp, một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở châu Âu, liên quan đến thỏa thuận đóng tàu ngầm hạt nhân của Australia.

Australia tuần trước hủy hợp đồng mua 12 tàu ngầm trị giá 40 tỷ USD từng ký với Pháp để chuyển sang đóng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân nhờ công nghệ được Mỹ và Anh chuyển giao, nằm trong thỏa thuận liên minh ba bên mang tên AUKUS.

Hai cuộc khủng hoảng ngoại giao này đã khiến không ít đối tác đặt câu hỏi về cam kết của Biden trong việc trao quyền cho những liên minh truyền thống. Một số thậm chí còn cáo buộc ông đang tiếp tục theo đuổi chính sách "nước Mỹ trên hết" từ người tiền nhiệm Donald Trump, chỉ là với ngôn ngữ nhẹ nhàng, thuyết phục hơn.

Biden không nhắc đến "Trung Quốc" một lần nào trong bài phát biểu, song bóng dáng Trung Quốc vẫn ẩn hiện khi ông đề cập đến vấn đề người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

"Mỹ sẽ không chỉ cạnh tranh mà còn cạnh tranh mạnh mẽ và dẫn dắt bằng các giá trị và sức mạnh của chúng tôi", Biden nói. "Chúng tôi sẽ ủng hộ các đồng minh và bạn bè, đồng thời chống lại những nỗ lực của các nước mạnh hơn nhằm thống trị các nước yếu hơn thông qua hành vi thay đổi lãnh thổ bằng vũ lực, tác động kinh tế..., bóc lột hoặc truyền bá thông tin sai lệch", Biden cho hay.

Song Tổng thống Mỹ cũng lưu ý rằng Washington "không tìm kiếm một cuộc Chiến tranh Lạnh mới hay một thế giới bị chia cắt thành các khối riêng rẽ".

"Thông điệp bao quát của Biden là cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc sẽ không làm suy yếu cam kết của Mỹ trong việc hợp tác với các quốc gia khác nhằm giải quyết các mối đe dọa hiện hữu chung như biến đổi khí hậu hay đại dịch", Thomas Wright, chuyên gia về trật tự và chiến lược quốc tế tại Viện Brookings, đánh giá.

Các trợ lý cấp cao của Biden lâu nay vẫn bác bỏ những nhận định cho rằng Mỹ và Trung Quốc đang chia thế giới thành những phe đối nghịch, dẫn dắt các đồng minh chống lại ảnh hưởng của nhau, giống như Mỹ và Liên Xô từng làm. Theo họ, mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh hiện nay, không giống như với Moskva thời kỳ Chiến tranh Lạnh, bởi hai nước phụ thuộc lẫn nhau rất sâu sắc về kinh tế và vẫn tồn tại nhiều lĩnh vực có lợi ích chung, từ chống biến đổi khí hậu đến kiềm chế chương trình vũ khí hạt nhân Triều Tiên.

Nhưng ở hậu trường, một số quan chức đã thừa nhận về tình thế đối địch này. Thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân Mỹ, Anh, Australia rõ ràng là một nỗ lực nhằm thiết lập lại thế cân bằng sức mạnh hải quân ở Thái Bình Dương, đối trọng với Trung Quốc. Mỹ cũng đang cố gắng ngăn chặn Bắc Kinh tiếp cận các công nghệ phức tạp và hệ thống thông tin liên lạc của phương Tây.

Thách thức đặt ra với Tổng thống Biden là tìm ra cách giải quyết các mối đe dọa chung trong thời đại cạnh tranh quyền lực và chủ nghĩa dân tộc trỗi dậy hiện nay. "Ông ấy sẽ cố gắng hợp tác với Trung Quốc nhưng cũng cần một kế hoạch dự phòng nếu điều đó không thành hiện thực. Bài phát biểu hôm nay là bước đầu tiên của hướng đi này", Wright bình luận.

Bài phát biểu của Tổng thống Biden được đưa ra chỉ vài tuần sau khi Mỹ rút hết quân khỏi Afghanistan, động thái mà các thành viên EU cho rằng Washington đã thực hiện vội vã vì lý do chính trị trong nước, phớt lờ tình cảnh của những người Afghanistan bị bỏ lại đối mặt với Taliban.

Qua bài phát biểu, Biden đã tìm cách mô tả kế hoạch rút quân của Mỹ theo chiều hướng tích cực hơn.

"Chúng tôi đã chấm dứt 20 năm xung đột tại Afghanistan và với việc khép lại thời kỳ chiến tranh kéo dài này, chúng tôi sẽ mở ra một kỷ nguyên mới của ngoại giao không ngừng nghỉ, sử dụng sức mạnh của các gói viện trợ phát triển để tìm ra những cách thức mới giúp nâng đỡ tất cả mọi người trên toàn cầu, đổi mới và bảo vệ dân chủ", ông nói.

Biden khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục bảo vệ chính mình và đồng minh, trong đó có nỗ lực tăng cường các hoạt động chống khủng bố, nhưng sẽ coi vũ lực như "giải pháp cuối cùng" nhằm tránh một lần nữa rơi vào các cuộc chiến dai dẳng như ở Afghanistan hay Iraq.

"Sức mạnh quân sự Mỹ là công cụ cuối cùng của chúng tôi, không phải phương án đầu tiên", Biden nhấn mạnh. "Nó không nên trở thành câu trả lời cho mọi vấn đề mà chúng ta gặp phải trên khắp thế giới. Thật vậy, ngày nay, nhiều mối quan tâm lớn của chúng ta không thể được giải quyết bằng vũ lực".

"Bom đạn không thể chống lại Covid-19", Tổng thống Mỹ dẫn chứng, minh họa cho tuyên bố của mình.

Theo Tầm nhìn

Bạn nghĩ sao?