Phạm Sơn -
 
Đại bàng không bao giờ làm tổ trên đầm lầy. Cơ hội không đến với những kẻ há miệng chờ sung. Do vậy, muốn đón được “đại bàng” phải xây dựng được môi trường đầu tư hấp dẫn và lành mạnh, tránh tình trạng bát nháo, tiếp nhận cả những nhà đâu tư “độc hại” như hiện nay.
anh 1

Ông Phạm Ngọc Hùng, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển

Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Bên cạnh những cơ hội, triển vọng to lớn, EVFTA cũng tạo ra nhiều thách thức không nhỏ với những doanh nghiệp Việt Nam. Vậy chúng ta phải làm gì để tận dụng được những cơ hội mà EVFTA mang lại?

Chúng tôi đã trao đổi với ông Phạm Ngọc Hùng, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển về nội dung này.

PV: Theo ông, EVFTA tạo ra những tác động thế nào với kinh tế Việt Nam?

Trước hết, phải khẳng định Việt Nam ký kết được hiệp định EVFTA là thuận lợi vô cùng lớn cho Việt Nam để phát triển. Thứ nhất là Việt Nam có được thị trường rất lớn với gần 750 triệu người và bao gồm nhiều nền kinh tế lớn. Thứ hai, đây là cơ hội rất tốt để Việt Nam tiếp cận với công nghệ cao cần thiết để phát triển của đất nước lên tầm cao mới, hòa nhập được với thế giới.

anh 2

EVFTA được đánh giá sẽ đem lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam cũng như châu Âu

Đồng thời, việc tiếp cận với thị trường khắt khe như Liên minh Châu Âu là cũng cơ hội để Việt Nam thay đổi công nghệ, tư duy sản xuất theo hướng chuyên nghiệp để phù hợp với yêu cầu thị trường, tăng thêm giá trị của hàm lượng chất xám trong các sản phẩm của chúng ta.

Tuy nhiên, EVFTA cũng đem đến rất nhiều thách thức. Về mặt xuất khẩu, đây là thị trường rất khó tính, yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm, các điều kiện truy xuất nguồn gốc, tỷ lệ nội địa hóa, tác động môi trường, các yêu cầu về đảm bảo đời sống người lao động cũng như yêu cầu về minh bạch và công bằng trong chính sách của chính phủ. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải có sự thay đổi lớn trong tư duy, phương thức sản xuất.

Tiếp theo, EVFTA được thực thi giúp người dân có nhiều lựa chọn với các sản phẩm chất lượng cao, giá cả phù hợp. Các công ty, đơn vị kinh tế của Việt Nam cũng được tiếp cận với các thiết bị, máy móc, công nghệ cao để nâng cao năng lực sản xuất với giá cả hợp lý. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để Việt Nam thu hút dòng vốn đầu tư chất lượng những nhà đầu tư nước ngoài.

anh 3

Để vào được thị trường châu Âu, hàng hóa của Việt Nam sẽ phải đáp ứng được nhiều tiêu chuẩn khắt khe.

Tuy nhiên, điều này sẽ tạo ra sự cạnh tranh gay gắt ngay trong thị trường nội địa. Nếu chúng ta không có những sự thay đổi phù hợp và kịp thời, “cái chết” của hàng loạt doanh nghiệp, ngành nghề hiện nay là điều khó tránh khỏi.

Về vấn đề đầu tư, muốn tiếp nhận được những dự án đầu tư có chất lượng cao cần có những chính sách công bằng, minh bạch và ổn định của chính phủ. Đồng thời, Việt Nam cũng phải giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường, cải thiện đời sống của người lao động, phải nâng cao trình độ, tư duy của người lao động.  

PV: Ông có thể phân tích rõ hơn về những nguy cơ, thách thức trên?

Hiện nay, sản phẩm hàng hóa Việt Nam phụ thuộc quá lớn về nguyên phụ liệu nhập khẩu từ nước ngoài, rất khó đáp ứng tiêu chuẩn về nội địa hóa theo tiêu chuẩn của Liên minh Châu Âu. Điều này gây nhiều khó khăn đối với vấn đề xuất khẩu.

Đồng thời, việc chuyển đổi tử sản xuất theo kiểu “ngẫu hứng” hiện nay sang cách sản xuất theo quy trình rõ ràng, quy chuẩn về truy xuất nguồn gốc hết sức quan trọng. Đây là sự thay đổi rất lớn, đòi hỏi có những kế hoạch, hoạt động thật cụ thể trang bị cho người sản xuất những kiến thức về những yêu cầu của thị trường quốc tế nói chung và Liên minh Châu Âu nói riêng, các quy trình sản xuất nghiêm ngặt và minh bạch.

Đặc biệt với sản phẩm nông nghiệp, chúng ta phải tạo ra những vùng nguyên liệu tập trung đáp ứng được nhu cầu về số lượng, chất lượng và các yêu cầu khác của nhà nhập khẩu. Chúng ta cũng phải lựa chọn phát triển những sản phẩm có thế mạnh như các loại hoa quả, nông sản đặc trưng của vùng nhiệt đới mà châu Âu không sản xuất được thay vì sản xuất theo cảm tính.

anh 4

Mô hình xuất khẩu vải thiều vào thị trường Nhật là ví dụ nên tham khảo nếu muốn tận dụng các cơ hội từ EVFTA.

Một vấn đề quan trọng khác là phải thay đổi cách đóng gói bao bì sản phẩm, đa dạng quy cách đóng gói. Ví dụ như với mặt hàng gạo cần đóng gói gạo theo nhiều khối lượng khác nhau, kể cả chỉ từ 100g/gói vừa đủ cho một bữa ăn để khách hàng có nhiều lựa chọn. Trên bao bì cũng  phải có thành phẩn sản phẩm, hướng dẫn sử dụng bởi đây là những sản phẩm chưa quen thuộc với người tiêu dùng châu Âu.

Một ví dụ khác là ngành sản phẩm dệt may, da giày. Hiện nay, chúng ta chủ yếu sản xuất theo mẫu của nhà nhập khẩu dẫn đến giá trị của chất xám không cao, vẫn dừng lại ở mức độ gia công. Do vậy, cần chủ động tăng cường năng lực thiết kế, tạo ra nhiều mẫu mã đa dạng, nâng cao lợi nhuận cho các doanh nghiệp Việt trong chuỗi cung ứng.

Về vấn đề đầu tư, để thu hút được nguồn đầu tư từ Liên minh Châu Âu, Nhà nước cần có sự thay đổi, nâng cao tính minh bạch, công bằng trong chính sách và đảm bảo tính ổn định lâu dài. Đặc biệt là phải tạo ra một môi trường không ô nhiễm, nâng cao chất lượng nguồn lao động. Một điểm quan trọng khác là chúng ta phải có sự cân nhắc trong lựa chọn nhà đầu tư, thực sự đón được “đại bàng” đến làm tổ. Đại bàng không bao giờ làm tổ trên đầm lầy. Cơ hội không đến với những kẻ há miệng chờ sung. Do vậy, muốn đón được “đại bàng” phải xây dựng được môi trường đầu tư hấp dẫn và lành mạnh, tránh tình trạng bát nháo, tiếp nhận cả những nhà đâu tư “độc hại” như hiện nay.

Nhà nước cũng cần có biện pháp cứng rắn khắc phục tình trạng làm ăn gian dối, sang mác mà điểm hình là những vụ việc gỗ dán, thép Trung Quốc núp bóng doanh nghiệp Việt gần đây.

Đồng thời, chúng ta cần phải chủ động phát triển nguồn cung linh phụ kiện, sản phẩm phụ trợ đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp trong nước cũng như nhà đầu tư nước ngoài. Theo tôi, đây là những việc cần có các kế hoạch, hành động cụ thể và phải làm ngay.

PV: Xin cảm ơn ông đã trả lời phóng vấn.

Bạn nghĩ sao?