PV -
 
LG Hải Phòng là nhà máy lớn nhất trong số các nhà máy điện thoại thông minh của LG Electronics, với sản lượng 10 triệu điện thoại thông minh một năm.

Theo Business Korea, LG Electronics đã bắt đầu rút khỏi mảng kinh doanh điện thoại thông minh. Công ty này đang tiến hành các bước đóng cửa các nhà máy sản xuất tại Hải Phòng (Việt Nam), Taubaten (Brazil) và một nhà máy tại Trung Quốc.

LG

LG Electronics rút khỏi mảng kinh doanh điện thoại thông minh

Với quyết định từ bỏ mảng kinh doanh điện thoại thông minh, LG đã có nhiều biện pháp để tận dụng các nhà máy nhưng không tìm được bước đột phá. Trong ba nhà máy bị đón cửa, nhà máy Hải Phòng, là nhà máy lớn nhất trong số các nhà máy điện thoại thông minh của LG Electronics. Ban đầu, công ty này dự kiến sẽ tìm được người mua. LG Hải Phòng đã sản xuất khoảng 10 triệu điện thoại thông minh hàng năm, khoảng một nửa sản lượng điện thoại thông minh của LG.

Tuy nhiên, rất khó để LG Electronics tìm được người mua nhà máy LG tại Hải Phòng do các nhà sản xuất điện thoại thông minh Việt Nam cũng có dây chuyền sản xuất. Và giá mà LG đưa ra là quá cao, 100 tỷ won, tương đương 2.000 tỷ đồng. Do đó, công ty chỉ đang xem xét bán địa điểm nhà máy.

Tương tự đối với nhà máy Brazil và Trung Quốc, hai nhà máy sản xuất tổng cộng khoảng 8-9 triệu điện thoại thông minh mỗi năm. LG Electronics được cho là sẽ gặp khó khăn trong việc bán dây chuyền sản xuất ngay từ đầu.

lg 2

Một số sản phẩm điện thoại thông minh của LG

Tại Brazil, hồi cuối tháng 2, sau khi có tin đồn về việc bán nhà máy Taubate, các giám đốc điều hành và nhân viên của nhà máy đã tiến hành đình công kể từ ngày 26/3 do lo ngại về công việc của họ.

Trước đó, cuối tháng 2/2021, truyền thông Hàn Quốc đã đưa tin, hãng LG Electronics có thể đóng cửa mảng kinh doanh điện thoại di động của mình thay vì bán đi cho đối tác làm ăn. Các cuộc đàm phán của LG với công ty Volkswagen AG của Đức và Vingroup của Việt Nam về việc bán mảng kinh doanh smartphone đã thất bại.

Trả lời Bloomberg vào tháng 1, Giám đốc điều hành của LG Electronics cho biết, tất cả hoạt động của LG không tạo ra lợi nhuận đều đã được xem xét đưa ra bàn đàm phán. Trước đó, Reuters dẫn lời người phát ngôn LG cho rằng, mảng kinh doanh điện thoại truyền thống của LG đã thua lỗ trong khoảng 5 năm liên tiếp. Cụ thể, lợi nhuận của LG liên tục sụt giảm từ quý II/2015, tính đến cuối năm 2020 mảng kinh doanh điện thoại của LG đã lỗ luỹ kế lên tới 5.000 tỷ won ( tương đương 4,5 tỷ USD).

LG từng xếp thứ ba trên thị trường smartphone toàn cầu trong quý đầu tiên năm 2013, nhưng từ đó cho đến nay LG thậm chí còn không có tên trong top 7 các nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới, theo thống kê bởi Strategy Analytics.

Tuy thất thoát trong mảng smartphone nhưng doanh thu từ việc cho thuê của LG đạt 591,1 tỷ won (xấp xỉ 524 triệu USD) trong năm 2020, tăng 34% so với năm trước đó. LG hiện cung cấp dịch vụ cho thuê 8 sản phẩm thiết bị gia dụng gồm máy lọc nước, máy rửa bát, máy sấy, máy lọc không khí và ghế massage.

Tại Việt Nam, LG hiện sở hữu 3 nhà máy gồm LG Electronics Vietnam Haiphong, LG Innotek Vietnam Haiphong và LG Display Vietnam Haiphong, tất cả đều được đặt tại Khu công nghiệp Tràng Duệ, Hải Phòng.

LG Electronics Vietnam Haiphong có quy mô 40 ha, tổng vốn đầu tư 1,5 tỉ USD. Nhà máy này sản xuất các thiết bị điện tử như TV, điều hòa, máy hút bụi, máy giặt, tủ lạnh… điện thoại di động chỉ là một mảng sản xuất nhỏ.

Bắt đầu hoạt động từ năm 2017, nhà máy LG Innotek Vietnam Haiphong có tổng vốn đầu tư 550 triệu USD, chuyên sản xuất Camera Module. Trong 9 tháng đầu năm 2020, LG Electronics Vietnam Haiphong ghi nhận doanh thu đạt 4.124 tỉ won (khoảng 3,71 tỉ USD), báo lãi ròng 167,8 tỉ won, tăng trưởng lần lượt 46,5% và 30% so với cùng kỳ năm 2019.

Bạn nghĩ sao?