Sơn Hải -
 
Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã suy yếu trong quý III/2021 do chịu nhiều tác động từ thị trường bất động sản sụt giảm đặc biệt là khủng hoảng năng lượng, thiếu điện.

Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) vừa công bố GDP quý III tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức tăng 7,9% của quý II. Đồng thời, con số này cũng thấp hơn mức tăng trung bình 5% từ cuộc khảo sát các chuyên gia kinh tế của Bloomberg.

Những quy định chặt chẽ hơn của Bắc Kinh với thị trường bất động sản đã hạn chế hoạt động xây dựng và siết chặt nguồn tài chính cho lĩnh vực này. Cùng với đó, cuộc khủng hoảng nợ ngày càng trầm trọng tại Tập đoàn Evergrande đang lan sang các nhà phát triển khác và góp phần khiến doanh số bất động sản sụt giảm.

Và trên hết, tình trạng thiếu điện trầm trọng trong tháng 9 đã buộc các nhà máy phải cắt giảm sản lượng hoặc đóng cửa hoàn toàn. Các biện pháp nghiêm ngặt để ngăn chặn sự bùng phát dịch Covid-19 tiếp tục đè nặng lên chi tiêu của người tiêu dùng đã ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc quý này.

Helen Qiao, nhà kinh tế trưởng Trung Quốc đại lục tại Bank of America, dự đoán tăng trưởng trong quý IV của Trung Quốc có khả năng giảm còn 3% đến 4% khi tình trạng thiếu điện tác động khá nghiêm trọng đến phía nguồn cung trong khi nhu cầu cũng yếu. Sau thông tin GDP tăng chậm lại, chỉ số CSI 300 của chứng khoán Trung Quốc sáng nay đã mất 1,2%.

NBS cho biết trong một tuyên bố rằng sự phục hồi kinh tế "vẫn chưa vững chắc" và vẫn còn mất cân bằng, dù Trung Quốc sẽ bảo đảm có thể đạt được các mục tiêu hàng năm. Nhiều tổ chức tài chính vừa qua đã hạ mức tăng trưởng cả năm của Trung Quốc do thiếu điện.

Trong tháng 9, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc tăng 3,1% so với một năm trước, nhưng vẫn thấp hơn ước tính 3,8% trước đó. Doanh số bán lẻ tăng 4,4%, cao hơn dự báo 3,5%. Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 4,9% tính đến cuối tháng trước.

Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm, nhưng thực tế không thể phủ nhận là tăng trưởng đã giảm nhanh chóng trong quý III và không phù hợp với tỷ lệ thất nghiệp, theo nhận định của Raymond Yeung, kinh tế trưởng Trung Quốc đại lục tại Australia & New Zealand Banking Group. Ông đánh giá triển vọng tăng trưởng vẫn dễ bị tổn thương do tình trạng thiếu điện và thị trường bất động sản bị siết lại.

20211018140618-kt1

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại vì thiếu điện (Ảnh minh họa)

Trung Quốc yêu cầu các mỏ than tăng sản lượng khai thác nhằm giải quyết tình trạng thiếu điện diện rộng do nỗ lực cắt giảm khí thải. Cục Quản lý Năng lượng Nội Mông, tỉnh khai thác than đá lớn thứ hai Trung Quốc, yêu cầu 72 mỏ than trong tỉnh tăng sản lượng lên tổng cộng 98,4 triệu tấn. Lệnh này được đưa ra ngày 7/10 và ngay lập tức có hiệu lực, truyền thông Trung Quốc đưa tin.

Theo dữ liệu gần đây của chính phủ Trung Quốc, 98,4 triệu tấn than tương đương 30% tổng sản lượng than đá khai thác hàng tháng của nước này. Lệnh tăng khai thác than đá được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đang đối mặt đợt khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng. 20 tỉnh thành Trung Quốc những tuần qua phải đối mặt với tình trạng thiếu điện trầm trọng, buộc giới chức phải cắt điện luân phiên trong giờ cao điểm và một số nhà máy phải dừng sản xuất. Điều này khiến sản lượng công nghiệp của Trung Quốc hồi tháng 9 giảm mạnh, ảnh hưởng tới triển vọng phục hồi của nền kinh tế.

Lệnh tăng sản lượng khai thác than của giới chức Nội Mông được đưa ra vài ngày sau khi cơ quan kế hoạch kinh tế hàng đầu của Trung Quốc yêu cầu ba tỉnh khai thác than nhiều nhất là Nội Mông, Sơn Tây và Thiểm Tây cung cấp 145 triệu tấn than trong quý 4, nhằm ngăn gián đoạn sinh kế của dân chúng.

khung-hoang-dien-trung-quoc-tang-khai-thac-than-da-941-6082069

 Công nhân Trung Quốc đứng trên đống than chờ bốc lên xe tải tại một mỏ khai thác ở tỉnh Hắc Long Giang tháng 10/2015. Ảnh: Reuters.

Yêu cầu tăng sản lượng than để đối phó tình trạng thiếu điện cho thấy thách thức mà Trung Quốc đối mặt khi cố gắng cân bằng nhu cầu tiêu thụ điện và tham vọng trung hòa carbon, thông qua giảm lượng khí thải hoặc loại bỏ CO2 khỏi bầu khí quyển. Than là nguồn năng lượng chính của Trung Quốc, được sử dụng để sưởi ấm, sản xuất điện và luyện thép. Trong năm 2020, than cung cấp gần 60% tổng năng lượng và là nguồn thải carbon chính của Trung Quốc.

Tình trạng thiếu điện nghiêm trọng ở quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới không chỉ gây ảnh hưởng riêng đến tăng trưởng của chính đất nước này. Tác động trực tiếp của nó đến chuỗi cung ứng có thể làm tê liệt nền kinh tế toàn cầu vốn đang vật lộn để vượt lên cú sốc đại dịch COVID-19. Thời điểm này được cho là không thể tồi tệ hơn, khi ngành công nghiệp vận tải biển đang phải đối mặt với việc các nguồn cung cấp trì hoãn giao hàng quần áo và đồ chơi cho những ngày lễ cuối năm. Nó cũng diễn ra ngay khi Trung Quốc bắt đầu mùa thu hoạch, làm dấy lên lo ngại nông sản sẽ đội giá.

"Nếu tình trạng thiếu điện và cắt giảm sản lượng tiếp diễn, chúng có thể trở thành một nhân tố gây rắc rối cho nguồn cung toàn cầu, đặc biệt nếu chúng ảnh hưởng đến việc sản xuất các sản phẩm xuất khẩu", ông Louis Kuijs, nhà kinh tế cấp cao về châu Á tại Oxford Economics, cho biết.

Các nhà kinh tế đã cảnh báo về nguy cơ tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc. Theo Citigroup, các nhà xuất khẩu và sản xuất hàng hóa đặc biệt có nguy cơ cao trước một nền kinh tế Trung Quốc đang suy yếu. Một số vùng lãnh thổ lân cận như Đài Loan và Hàn Quốc rất dễ bị tác động. Những nhà xuất khẩu kim loại như Australia và Chile và các đối tác thương mại chính như Đức cũng sẽ chịu ảnh hưởng phần nào. Đối với người tiêu dùng, câu hỏi đặt ra là liệu các nhà sản xuất có thể chịu đựng chi phí cao hơn hay sẽ áp lên giá thành sản phẩm.

Nhà kinh tế học Craig Botham, Giám đốc kinh tế Trung Quốc của tổ chức tư vấn kinh tế Pantheon Macroeconomics nhận xét điều này giống như một cú sốc lạm phát đình trệ đối với ngành sản xuất, không chỉ với Trung Quốc mà còn với thế giới. "Việc tăng giá hiện nay xảy ra trên diện khá rộng - hệ quả của việc Trung Quốc tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu", ông Botham nói.

Bắc Kinh đang tìm kiếm nguồn cung cấp điện năng để ổn định lại tình hình. Tác động đến nền kinh tế toàn cầu sẽ phụ thuộc vào việc nỗ lực đó mang lại kết quả nhanh như thế nào. Nhiều nhà máy Trung Quốc đã giảm sản lượng cho kỳ nghỉ "Tuần lễ Vàng" trong tuần này và các nhà kinh tế đang theo dõi chặt chẽ liệu tình trạng thiếu điện có quay trở lại khi chúng tăng hoạt động trở lại hay không. Trên thực tế, một số ngành công nghiệp đang chịu sức ép nặng nề của cuộc khủng hoảng năng lượng và tổn thất này có thể nhanh chóng lan sang những lĩnh vực khác.

Theo Tầm nhìn 

Bạn nghĩ sao?