Linh Nguyễn - 08:30 - 29/04/2021
 
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố Báo cáo Chương trình cải cách môi trường kinh doanh Việt Nam: Góc nhìn từ doanh nghiệp (báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 02 năm 2020 và Nghị quyết 35 năm 2016 của Chính phủ).

Báo cáo cho thấy, thời gian qua các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, tốc độ cải thiện dường như chậm lại và sẽ có thêm nhiều thách thức trong thời gian tới.

Môi trường kinh doanh an toàn, bình đẳng hơn

Cải thiện môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp là một trong những trọng tâm chính sách của Chính phủ. Liên tục trong bảy năm qua, mỗi năm Chính phủ đã ban hành một Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (Nghị quyết 19/NQ-CP các năm 2014, 2015, 2016, 2017, 2018 và Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2019 và 2020).

Anh 3

Hội thảo công bố báo cáo Chương trình cải cách môi trường kinh doanh Việt Nam

Loạt nghị quyết này tập trung vào những nội dung rất quan trọng như cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, cắt giảm kiểm tra chuyên ngành hàng hoá, đơn giản hoá thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước... Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP năm 2016 đặt ra những nguyên tắc và mục tiêu quan trọng cho việc phát triển các doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam trong giai đoạn 5 năm 2016-2020.

Việt Nam đã chứng kiến 3 làn sóng cải cách thủ tục hành chính trong 5 năm qua. Cụ thể, năm 2016 là việc xoá bỏ hàng nghìn “giấy phép con”, thông tư của các Bộ, ngành.

Đợt sóng cải cách thứ 2 là năm 2018, thực hiện cắt giảm, đơn giản hoá 50 - 60% điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Bước sang năm 2020 có Nghị quyết yêu cầu cắt giảm 20% các quy định liên quan đến kinh doanh, kèm theo đó là mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả năm 2020, thúc đẩy thực hiện Chính phủ điện tử hướng tới xây dựng Chính phủ số.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phân tích, trong quá trình thực hiện cải cách, Chính phủ có hai thước đo quan trọng để đánh giá mức độ hiệu quả. Thứ nhất, lần đầu tiên đã căn cứ theo các chuẩn mực quốc tế, đánh giá của Ngân hàng Thế giới để làm mục tiêu, chuẩn mực phát triển cải cách môi trường kinh doanh trong nước.

Thứ hai là thước đo về sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, sự đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp về cải cách của Chính phủ, tiếng nói của kinh tế tư nhân đã được coi trọng. Chính hai thước đo này đã trở thành động lực và cũng là áp lực để cải cách.

Anh 2

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Đặc biệt, Chủ tịch VCCI cho rằng đã có “2 tăng, 4 giảm” trong môi trường kinh doanh 5 năm vừa qua.

Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp tin tưởng sẵn sàng khởi kiện ra tòa án khi có tranh chấp thương mại đã tăng từ năm 2016 đến nay, cho thấy niềm tin của doanh nghiệp vào các thiết chế bảo vệ doanh nghiệp đã tăng. Tỷ lệ doanh nghiệp có phản hồi tích cực khi làm thủ tục hành chính, cán bộ nhà nước hướng dẫn thủ tục đầy đủ đã tăng liên tục trong những năm gần đây.

Cùng với đó, tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng chính quyền ưu ái cho doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI đã giảm liên tục trong nhiều năm. Tỷ lệ doanh nghiệp bị trộm cắp hay phải trả tiền cho các nhóm côn đồ giảm. Tỷ lệ doanh nghiệp phải trả các chi phí không chính thức và quy mô mức chi trả giảm. Bên cạnh đó, tỷ lệ các doanh nghiệp phải tiếp nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra trùng lặp cũng đã giảm.

Theo đó, môi trường kinh doanh đã trở nên an toàn hơn, bình đẳng hơn giữa các thành phần kinh tế, thủ tục hành chính đã được cải thiện, tạo điều kiện lớn cho doanh nghiệp.

Tốc độ cải thiện đang chững lại

Năm 2020 được ghi nhận là năm có nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Tuy nhiên, các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp vẫn tiếp tục được thực hiện nhưng tốc độ cải thiện dường như chậm lại so với các năm trước. Xu hướng thay đổi của các lĩnh vực tương đối trái ngược: các lĩnh vực có được xếp hạng thấp là phá sản doanh nghiệp và bảo vệ nhà đầu tư năm 2020 đã tăng tương ứng 3,9 điểm và 4,6 điểm so với năm 2019. Trong khi hai chỉ số được xếp hạng cao là thành lập doanh nghiệp và tiếp cận điện năng đã giảm tương ứng 0,8 điểm và 5,9 điểm so với năm 2019.

Đáng chú ý, cùng liên quan đến tài chính doanh nghiệp, trong khi tiếp cận tín dụng năm 2020 được cảm nhận khó khăn hơn so với năm 2019, thì thủ tục thuế lại trở nên dễ dàng hơn nhiều.

Thủ tục hành chính thuế, lĩnh vực bảo hiểm xã hội, thủ tục về đầu tư - xây dựng đã có sự cải thiện liên tục nhờ sự vào cuộc của các cấp thực thi. Song những cải thiện này đang chậm hơn kỳ vọng của doanh nghiệp, thậm chí không theo kịp nhu cầu sử dụng dịch vụ trực tuyến gia tăng mạnh trong năm 2020.

Các doanh nghiệp đang thấy những quy định, văn bản với nội dung “dễ cho cơ quan quản lý, khó cho doanh nghiệp”; tính minh bạch trong chính sách thuế giảm đi, các khoản chi phí không chính thức trong lĩnh vực xây dựng tăng lên; tiếp cận vốn tín dụng trong năm 2020 gặp khó dù Chính phủ có khá nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

Đặc biệt, lĩnh vực đăng ký bất động sản và quản lý đất đai dù được ghi nhận là đã cải thiện khá tốt trong năm 2018-2019, nhưng lại khó hơn trong năm 2020. Trong phần này, các doanh nghiệp nói thời gian giải quyết hồ sơ lâu hơn quy định, yêu cầu minh bạch thông tin về quản lý đất đai được đề ra nhiều năm, nhưng không có cải thiện trên thực tế.

Với các địa phương, VCCI cho biết các chỉ số đánh giá môi trường kinh doanh vẫn thể hiện sự tích cực hơn so với ở năm 2019, nhưng tốc độ cải thiện đã chậm lại. Theo đó, việc thực hiện một số biện pháp, nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết 02/NQ-CP đang chậm tiến độ. Rất nhiều các đầu mục công việc lý ra phải hoàn thành nhưng đến đầu năm 2021 mới chỉ trong giai đoạn xây dựng dự thảo hoặc triển khai lấy ý kiến, theo bản báo cáo của VCCI.

Môi trường kinh doanh tại Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều thách thức lớn

Cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh và phát triển doanh nghiệp có thể được xem là một trong những điểm sáng chính sách trong 5 năm qua tại Việt Nam. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ đã coi đây là một trong những hoạt động trọng tâm, ưu tiên của các bộ, ban, ngành và thường xuyên có chỉ đạo, đôn đốc để các cơ quan cùng chung tay thực hiện.

Tuy nhiên những lo ngại của doanh nghiệp cho thấy, cải thiện môi trường kinh doanh trong những năm tới sẽ còn khó khăn hơn rất nhiều. Bởi lẽ, từ thể chế kém lên thể chế trung bình thì dễ, nhưng để bước từ thể chế trung bình lên thể chế tốt thì khó khăn hơn rất nhiều.

Anh 1

Cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh và phát triển doanh nghiệp sẽ đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới

Ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương cho biết: "Trước đây, chúng ta cải cách chỉ làm trong phạm vi một Bộ. Ví dụ như Thủ tướng hay Chính phủ yêu cầu một Bộ sửa một Thông tư hay Nghị định thì nó chỉ nằm trong phạm vi tham mưu một Bộ, dễ dàng làm trong thời gian ngắn. Nhưng sắp tới có những vấn đề liên quan đến rất nhiều Bộ ngành, ví dụ quản lý chuyên ngành, quản lý chất lượng. Một sản phẩm theo chuỗi nó có thể liên quan tất cả các Bộ".

Chủ tịch VCCI – ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế trong việc cải cách môi trường kinh doanh. Đơn cử như với việc cải cách tư pháp, tỷ lệ thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự lại giảm. Về công khai minh bạch, tuy đã minh bạch được quy định thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh nhưng kế hoạch báo cáo của cơ quan nhà nước để doanh nghiệp tiếp cận thì trở nên khó khăn hơn. Ngày càng nhiều doanh nghiệp phản ánh tình trạng thông tin công bố chung chung, không có ý nghĩa nhiều để doanh nghiệp sử dụng.

Về cạnh tranh bình đẳng, đã giảm sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng sự bất bình đẳng với doanh nghiệp “sân sau” là đáng lo ngại.

Đối với gia nhập thị trường, tuy đã giảm các điều kiện gia nhập thị trường trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhưng đối với các lĩnh vực yêu cầu đầu tư lớn, thu hồi vốn kéo dài, có rủi ro… vẫn có nhiều bất cập trong việc thu hút vốn đầu tư.

Về Chính phủ điện tử, tuy nhiều dịch vụ đã được đưa lên, nhưng để các dịch vụ này thân thiện với người dân, dễ làm, không xảy ra lỗi vẫn là một điều khó khăn và cần phải quan tâm trong thời gian tới.

Giờ chính là lúc cần có sự chung tay góp sức của tất cả các doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp, các cơ quan, từng cán bộ trong bộ máy nhà nước, không chỉ bằng công sức mà còn phải cả trí tuệ để có thể tiếp tục đưa môi trường kinh doanh của Việt Nam tiến lên. Đây không chỉ là thách thức đối với Chính phủ, mà còn là thách thức đối với cả các doanh nghiệp, hiệp hội, các chuyên gia để đưa ra được các giải pháp hiệu quả về lâu dài. 

Bạn nghĩ sao?