Lam Anh -
 
Việc chống gian lận hóa đơn bằng cách sử dụng hóa đơn điện tử với hộ kinh doanh thông qua Nghị định 119 vừa ban hành mới đây. Trong đó áp dụng hóa đơn điện tử (HDDT) đối với hộ kinh doanh trong 5 lĩnh vực thường xuyên sử dụng từ 10 lao động và có doanh thu từ 3 tỉ đồng trở lên

Theo Bộ Tài chính, ước tính, cả nước hiện có khoảng 110.000 hộ, cá nhân kinh doanh và 260.000 doanh nghiệp (DN) có doanh thu/năm trên 1 tỷ đồng. Đại diện Bộ Tài chính cho biết, thực tế các doanh nghiệp trong các lĩnh vực điện, viễn thông, hàng không, ngân hàng, bảo hiểm… đã thực hiện giao dịch điện tử với khách hàng.

Thống kê của Tổng cục Thuế cũng cho thấy, trong năm 2017, Tập đoàn Điện lực đã sử dụng 289 triệu HĐĐT; Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) khoảng 96 triệu hoá đơn/năm; Tập đoàn viễn thông Quân đội (Viettel) và 63 chi nhánh tỉnh, thành phố đã sử dụng trung bình 3,5 triệu số hóa đơn/tháng, tương đương với 42 triệu số/năm. Số lượng HĐĐT của Tổng công ty hàng không Việt Nam là 2 triệu hóa đơn/năm.

HDDT

Ảnh minh họa 

Việc triển khai HĐĐT và thí điểm áp dụng HĐĐT có mã xác thực của cơ quan thuế đã góp phần giảm thời gian, chi phí cho DN, hạn chế các hành vi gian lận về hoá đơn.

Tuy nhiên, thực tế phần lớn hộ kinh doanh thường không có hóa đơn chứng từ mua bán, được tự kê khai đóng thuế nên khó tránh khỏi thất thu thuế. Theo quy định, đối với hộ kinh doanh, hiện có 3 khoản thuế và lệ phí phải nộp chủ yếu là: Lệ phí Môn bài, thuế giá trị gia tăng (VAT), và thuế thu nhập cá nhân. Vậy làm thế nào để công khai, minh bạch trong quản lý thuế đối với hộ kinh doanh?

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, về bản chất hộ kinh doanh và DN vừa và nhỏ là một, nhưng chính sách hiện nay lại phân biệt và nhiều trường hợp hộ kinh doanh bị loại ra khỏi chính sách khiến họ bị hạn chế nhiều so với DN. Cụ thể, về điều kiện kinh doanh, hộ kinh doanh cá thể chỉ được đăng ký tại một địa điểm, hoạt động kinh doanh trong phạm vi quận, huyện, không mở chi nhánh, văn phòng đại diện…Chưa kể, một số ngành nghề quy định phải là DN.

Tuy nhiên so với DN, hộ kinh doanh cá thể lại có những lợi thế nhất định. Chẳng hạn hồ sơ, trình tự, thủ tục thành lập, lệ phí thành lập chỉ bằng 50% lệ phí thành lập DN. Hộ kinh doanh chỉ có 6 loại sổ sách kế toán so với vài chục loại của DN vừa và nhỏ. Họ chỉ cần đóng thuế môn bài, nộp kê khai hoặc thuế khoán, không phải đóng VAT, thu nhập cá nhân hoặc thu nhập DN... Vậy đây phải chăng chính là nguyên nhân khiến các hộ kinh doanh e ngại khi chuyển đổi mô hình hoạt động lên thành DN?

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO, nguyên nhân quan trọng khiến các hộ kinh doanh không muốn chuyển lên DN đó là khi hoạt động dưới hình thức hộ kinh doanh, họ có thể né thuế, trốn thuế. Tuy nhiên vẫn còn nhiều nguyên nhân khác như các hộ kinh doanh khi chuyển lên DN, họ phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính, do đó chi phi của họ sẽ phát sinh nhiều hơn.

Trước thông tin các ngân hàng thương mại sẽ phải cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng cho cơ quan thuế, giới bán hàng khuyên nhau nên chia nhiều tài khoản nhận tiền, đổi nội dung chuyển khoản mua hàng, để tránh bị cơ quan thuế và ngân hàng phát hiện, nhằm né thuế. Trên các trang bán hàng qua mạng xã hội, liên tiếp xuất hiện các thông tin kêu gọi như sau "Từ 5/12 Ngân hàng cung cấp thông tin cho cơ quan thuế. Mong khách hàng có thanh toán chuyển khoản cho em thì:

+ Không cần ghi tên thanh toán hàng gì

+ Không nhắc đến tên hàng hóa

+ Chỉ cần ghi tên và chụp màn hình gửi sang cho em"

Rất nhiều chủ shop bán hàng đã yêu cầu khách hàng không nhắc gì đến việc mua,bán. Thậm chí, trước khi chuyển khoản, người bán cũng dặn dò khách thật kỹ. Có cửa hàng còn yêu cầu khách chuyển khoản chỉ ghi mỗi số điện thoại của khách. "Ghi mỗi số điện thoại thì mình vẫn nhận ra khách, mà ngân hàng và cơ quan thuế lại không biết là giao dịch mua, bán", một chủ cửa hàng tâm sự.

Trả lời về các chiêu thức "né thuế" ở trên của không ít chủ shop bán hàng online, bà Nguyễn Thị Lan Anh - Vụ trưởng Vụ quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân - Tổng cục Thuế cho biết: Ngành thuế đã phối hợp với ngân hàng để ngân hàng cung cấp các giao dịch đáng ngờ. Một người giao dịch chuyển khoản một vài lần mỗi ngày thì được coi là bình thường. Nhưng khi giao dịch tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn lần mỗi ngày, trong 1 thời gian dài, hoặc số lượng tiền giao dịch lớn, thì sẽ được coi là giao dịch "đáng ngờ". Từ đó xác định rủi ro đối với hộ cá nhân kinh doanh thì cơ quan thuế sẽ tiến hành xây dựng kế hoạch rà soát, yêu cầu người nộp thuế kê khai, nộp thuế theo quy định.

Trong trường hợp, người bán hàng sử dụng việc dịch vụ bán hàng và vận chuyển của các đơn vị trung gian, thì thì dự thảo có quy định các đơn vị này có nghĩa vụ cung cấp thông tin bán hàng của chủ shop. Từ đó, cơ quan thuế dễ dàng tiếp cận với doanh thu thực của các hộ kinh doanh để thu thuế. " Nếu họ cố tình không kê khai thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật", bà Lan Anh nhấn mạnh.

Đối với các cá nhân có thu nhập từ việc bán dịch vụ, sản phẩm nội dung thông tin số từ các nền tảng như: Google, Facebook, Youtube…cơ quan thuế cũng sẽ phối hợp với các tổ chức tín dụng để có cơ sỡ dữ liệu về nguồn thu nhập phát sinh của các cá nhân này. Bà Lan Anh cho rằng một người kinh doanh qua thương mại điện tử sẽ không thể ẩn danh quá lâu, cơ quan thuế sẽ tìm ra các "dấu vết" dựa số lần thanh toán, mức tiền thanh toán, cứ lặp đi lặp lại nhiều lần. Thay vì đợi đến lúc bị cơ quan thuế yêu cầu truy thu, thì ngành thuế khuyến cáo cho các cá nhân kinh doanh qua thương mại điện tử nên kê khai và nộp thuế đầy đủ, bởi đây vừa là quyền và cũng là nghĩa vụ của mỗi công dân.

                                                                      

Bạn nghĩ sao?