Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2020 của Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) đơn vị này có doanh thu và lợi nhuận giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Báo cáo tài chính Vinasun ghi nhận doanh thu thuần hơn 260 tỷ đồng, giảm hơn 40% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp trong giai đoạn này chỉ đạt 2%, trong khi năm ngoái hơn 21%. Đây là nguyên nhân chính khiến công ty báo lỗ sau thuế hơn 25 tỷ đồng, dù hàng loạt khoản chi phí như bán hàng, tài chính, quản lý doanh nghiệp đều được cắt giảm mạnh.
Theo lý giải của ban lãnh đạo Vinasun, ảnh hưởng kéo dài của dịch bệnh đã khiến doanh thu và lợi nhuận cùng lao dốc. Trong kỳ, các chi phí của Vinasun cũng đồng loạt giảm mạnh như chi phí quản lý tài chính giảm 30%, chi phí bán hàng giảm 41% và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 45% so với cùng thời điểm năm 2019.
Bốn quý liên tiếp kinh doanh dưới giá vốn khiến luỹ kế lỗ cả năm vượt trên 210 tỷ đồng, qua đó đánh dấu năm đầu tiên từ khi thành lập công ty không có lãi. Doanh thu cả năm giảm xấp xỉ 50%, chỉ đạt 1.000 tỷ đồng. Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong số này là doanh thu vận tải hành khách bằng taxi, trong khi vận tải theo hợp đồng và các dịch vụ khác chỉ đóng góp khoảng 14%.
Trước đó, ban lãnh đạo Vinasun đã đánh giá 2020 là năm khó khăn nhất từ khi thành lập. Năm 2020, Vinasun dự kiến đạt doanh thu 1.180 tỉ đồng, giảm 41% so với thực tế năm 2019 và là năm giảm thứ 4 liên tiếp; lỗ sau thuế cả năm 115 tỉ đồng. Như vậy, với thực tế kết quả bên trên, Vinasun mới thực hiện được 85% mục tiêu doanh thu năm và lỗ vượt dự toán 83% so với kế hoạch.
Tính đến ngày 31/12/2020, tổng tài sản của Vinasun là hơn 2.058 tỷ đồng, giảm 22% so với đầu năm. Ngược lại, các khoản phải thu ngắn hạn tăng 10% lên hơn 172 tỷ đồng.
Cuối quý IV/2020, nợ phải trả của Vinasun là 574 tỷ đồng, giảm 39% so với con số hồi đầu năm. Trong đó dư nợ vay ngắn hạn gần 263 tỷ đồng, giảm 41% và dư nợ vay dài hạn gần 312 tỷ đồng, giảm 36%.
Với tình hình dịch bệnh Covid – 19, Công ty Vinasun xem mục tiêu doanh thu 1.180 tỷ đồng và lỗ sau thuế 115 tỷ đồng vẫn "tương đối lạc quan". Bởi trong bối cảnh hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường, nhưng ngành taxi và riêng công ty sẽ tăng trưởng chậm vì ngành du lịch đang phục hồi, các địa bàn truyền thống như sân bay, khách sạn còn vắng khách.
Năm kinh doanh sụt giảm 2020 đã khiến Vinasun giảm lượng lớn lao động. Số lượng nhân viên tính đến ngày 31/12/2020 là 4.398 người, trong khi đầu năm ghi nhận 5.790 nhân viên, tức là trong năm qua doanh nghiệp đã cắt giảm 1.392 việc làm. Kết thúc phiên giao dịch ngày 20/1, cổ phiếu VNS của Vinasun đang được giao dịch quanh mức 10.600 đồng/cp.
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- Chứng khoán An Bình lên tiếng trước thông tin xử phạt hành chính của UBCK
- Cổ phiếu Vinamilk hấp dẫn khối ngoại nhờ cổ tức cao
- Đối chiếu 5 nguyên tắc đầu tư của Warren Buffett vào cổ phiếu VNM
- Tuần qua, loạt cổ phiếu "họ" GEX liên quan ông Tuấn "mượt" liên tục lao dốc
- Hủy quyết định xử phạt 1,5 tỷ đồng đối với ông Trịnh Văn Quyết
- Lo ngại về chính sách của Fed đẩy chứng khoán Mỹ lao dốc phiên 10/2