Ngày 4/1, tại Lễ đánh công đánh cồng khai trương phiên giao dịch đầu năm 2021 tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã giao 6 nhiệm vụ cho ngành chứng khoán trong năm 2021 để ngành chứng khoán tiếp tục vượt khó đạt được những thành công mới, góp phần đạt được các mục tiêu của Chính phủ đề ra.
“Kể từ quý 2/2020, cùng với khả năng kiểm soát dịch bệnh thành công, thị trường chứng khoán Việt Nam đã phục hồi ngoạn mục trên 60% so với mức đáy và tăng trưởng hơn 9% so với cuối năm 2019. Theo đó, thị trường Việt Nam được ghi nhận là thị trường có mức tăng trưởng mạnh nhất thế giới,” Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh tại Lễ đánh cồng khai trương phiên giao dịch đầu năm 2021 ngày 4/1, tại Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội.
Năm qua, cả nước đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Ngay sau khi đại dịch xảy ra, thị trường chứng khoán Việt Nam đã sụt giảm rất nhanh và mạnh (từ cuối tháng 1/2020). Trước tác động của COVID-19, Bộ Tài chính đã triển khai nhiều giải pháp ổn định và phát triển thị trường chứng khoán, như cắt giảm các khoản phí cho các nhà đầu tư chứng khoán và tạo thêm sức hút tham gia vào thị trường, nhờ đó đã duy trì sự phát triển cũng như quy mô của thị trường.
Nhờ các giải pháp trên, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu ở thời điểm này đã đạt 85% GDP đồng thời quy mô dư nợ thị trường trái phiếu đạt 45% GDP (mục tiêu đề ra tương ứng là 70% GDP và 30% GDP). Điều này cho thấy thị trường chứng khoán đang dần trở thành kênh huy động và phân bổ vốn trung và dài hạn có hiệu quả cho các doanh nghiệp và nền kinh tế.
Đánh giá về xu hướng thị trường trong năm 2021, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng tin tưởng với sự ổn định của kinh tế vĩ mô, Luật Chứng khoán được ban hành và những giải pháp thiết thực ở trên, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có một năm tiếp tục phát triển cả về quy mô và chất lượng, khẳng định là kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế.
“Bước sang năm 2021 - năm được đánh giá sẽ là dấu ấn quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội, bên cạnh đó, Đại hội Đảng lần thứ 13 được tổ chức sẽ tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Theo đó, thị trường chứng khoán nói riêng sẽ có những tác động bởi các quyết sách kinh tế quan trọng của Đảng và Nhà nước,” Bộ trưởng nói.
Thời gian qua, việc sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, đặc biệt là Luật Chứng khoán chính thức có hiệu lực sẽ tạo nền tảng pháp lý mới nâng tầm thị trường, thúc đẩy tính minh bạch và hiệu quả của các thành viên tham gia. Theo đó, các điều kiện mới về phát hành cổ phiếu, trái phiếu theo hướng chặt chẽ hơn, hướng doanh nghiệp đến việc huy động vốn hiệu quả và thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ phát triển bền vững.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị liên quan tập trung thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ trọng tâm của ngành chứng khoán năm 2021. Bao gồm, việc hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách cho thị trường chứng khoán thông qua việc trình Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn Luật chứng khoán sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua. Bên cạnh đó, các cấp ngành đẩy nhanh việc cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm theo định hướng đến năm 2025. Đặc biệt, sắp xếp lại bộ máy Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh và cơ cấu lại các thị trường cổ phiếu, trái phiếu và phái sinh, tiếp tục tái cơ cấu hệ thống các định chế trung gian.
Bộ trưởng chỉ rõ sáu nhóm nhiệm vụ ngành cần thực hiện trong năm 2021.
Thứ nhất là hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách cho thị trường chứng khoán thông qua việc trình Chính phủ ban hành các Nghị định, ban hành theo thẩm quyền các Thông tư hướng dẫn Luật chứng khoán mới.
Thứ hai là đẩy nhanh cơ cấu lại thị trường chứng khoán theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, cùng với việc hoàn thiện bộ máy Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và các sở giao dịch chứng khoán…
Thứ ba là đảm bảo an toàn ổn định hệ thống giao dịch, cùng với đó khẩn trương triển khai thực hiện gói thầu 4 - đảm bảo thị trường hoạt động liên tục và ổn định.
Thứ tư là tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động đấu giá cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước và các giải pháp thúc đẩy quy mô cũng như thanh khoản thị trường, đưa thêm các sản phẩm mới vào giao dịch trong năm 2021.
Thứ năm là tăng cường giám sát, nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát thị trường chứng khoán và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật của thị trường nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư và hoạt động lành mạnh của doanh nghiệp.
Cuối cùng, Bộ trưởng chỉ đạo ngành thực hiện xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán giai đoạn 2021-2030 để định hình mục tiêu, giải pháp về lộ trình phát triển thị trường chứng khoán, thị trường vốn về dài hạn.
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- Chứng khoán An Bình lên tiếng trước thông tin xử phạt hành chính của UBCK
- Cổ phiếu Vinamilk hấp dẫn khối ngoại nhờ cổ tức cao
- Đối chiếu 5 nguyên tắc đầu tư của Warren Buffett vào cổ phiếu VNM
- Tuần qua, loạt cổ phiếu "họ" GEX liên quan ông Tuấn "mượt" liên tục lao dốc
- Hủy quyết định xử phạt 1,5 tỷ đồng đối với ông Trịnh Văn Quyết
- Lo ngại về chính sách của Fed đẩy chứng khoán Mỹ lao dốc phiên 10/2