Thiếu sót của Chứng khoán An Bình
Ngày 16/9/2022 vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã công bố quyết định xử phạt hành chính đối với Chứng khoán An Bình (ABS) và Chứng khoán Everest vì có sai phạm trong việc chào bán trái phiếu của các công ty con thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh.
Theo đó, ABS bị phạt 250 triệu đồng vì đã không đảm bảo được các thông tin trong hồ sơ chào bán hoặc phát hành trái phiếu riêng lẻ chính xác và có thể kiểm chứng được.
Cụ thể, công ty chứng khoán này là tổ chức tư vấn cho Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ khách sạn Soleil (công ty con của Tập đoàn Tân Hoàng Minh) thực hiện đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ mã trái phiếu SOLCH2123001 với giá trị 800 tỉ đồng.
Tuy nhiên, tại nghị quyết số 1606/2021 về phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ đang lưu trữ lại chưa thể hiện đầy đủ thông tin về trái phiếu dự kiến phát hành.
Bên cạnh đó, bản công bố thông tin của Soleil ghi nội dung: "Công ty chưa thực hiện phát hành trái phiếu và cũng không tồn đọng khoản nợ đến hạn nào chưa được thanh toán tại thời điểm chào bán trái phiếu". Trong khi trên thực tế vào đầu năm 2020 công ty này lại có dư nợ trái phiếu hơn 699 tỉ đồng.
Ngoài ra, phía ABS còn bị phạt tiền 60 triệu đồng vì báo cáo không đúng thời hạn nhiều tài liệu như: Báo cáo số lượng nhà đầu tư sở hữu trái phiếu doanh nghiệp trên từng tổ chức lưu ký; Báo cáo tình hình thanh toán gốc/lãi trái phiếu trong kỳ; Báo cáo số lượng tổ chức phát hành đăng ký trái phiếu và khối lượng trái phiếu đăng ký, lưu ký trong kỳ; Báo cáo tình hình giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
ABS luôn làm việc trên tinh thần cầu thị, tiếp thu
Liên quan đến các vấn đề này, đại diện Công ty Cổ phần chứng khoán An Bình cho biết ABS cam kết các thông tin đã được nêu đầy đủ trên bản công bố thông tin của Trái phiếu chào bán và đảm bảo nhà đầu tư được cung cấp đủ thông tin. Tuy nhiên, đơn vị này đã sơ suất trong quá trình làm hồ sơ (scan thiếu trang, chỉ scan 1 mặt thay vì scan 2 mặt) dẫn đến nội dung đính kèm của Nghị quyết số 1606/2021/NQ-SL trong hồ sơ lưu của ABS chưa đầy đủ thông tin. Dù vậy, các thông tin cần thiết cũng như phương án phát hành đã được thể hiện tại các tài liệu khác của hồ sơ mà nhà đầu tư đều có thể tiếp cận.
Về việc đảm bảo các thông tin trong hồ sơ chào bán hoặc phát hành trái phiếu riêng lẻ chính xác, có thể kiểm chứng được tại Thông tư số 122/2020/TT-BTC ngày 31/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ công bố thông tin và báo cáo theo quy định của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP có quy định mẫu Bản công bố thông tin (CBTT) theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo phải bao gồm nội dung chi tiết về điều kiện, điều khoản của trái phiếu (điểm 4 mục III).
Tuy nhiên, tại mục III bản CBTT của SOLEIL dẫn chiếu “Các điều khoản và điều kiện đầy đủ của trái phiếu được quy định trong phụ lục I của hợp đồng đại diện người sở hữu trái phiếu”. Đây là lỗi sơ suất của ABS vì đã chưa thực hiện đúng mẫu theo quy định, nhưng có dẫn chiếu đến tài liệu thể hiện đầy đủ các nội dung thông tin cần thiết mà nhà đầu tư có thể tiếp cận.
Ngoài ra, điểm 4 mục II bản CBTT nêu: Từ khi thành lập đến nay công ty chưa thực hiện phát hành trái phiếu và cũng không tồn đọng khoản nợ đến hạn nào chưa được thanh toán tại thời điểm chào bán Trái phiếu”. Tuy nhiên, tại Mục V.10 Thuyết minh báo cáo tài chính năm 2020 của SOLEIL. “Vay và nợ thuê tài chính” thể hiện giá trị “trái phiếu”, số dư đầu năm là 699,066 tỷ đồng, trong năm có biến động tăng 933,333 tỷ đồng và biến động giảm 700 tỷ đồng; số dư cuối năm bằng 0.
ABS cho biết thông tin “Từ khi thành lập đến nay công ty chưa thực hiện phát hành trái phiếu” là chưa chính xác do sơ suất. Tuy nhiên, tại thời điểm phát hành, do dư nợ Trái phiếu thời điểm cuối năm trên Báo cáo tài chính của Tổ chức phát hành bằng 0 nên công bố thông tin không tồn đọng khoản nợ đến hạn nào chưa được thanh toán tại thời điểm chào bán là đúng với thực tế. Việc này không ảnh hưởng trọng yếu đến điều kiện phát hành trái phiếu.
Về việc báo cáo không đúng thời hạn, ABS cho biết thực tế đã thực hiện báo cáo định kỳ tình hình tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu đầy đủ các thông tin theo quy định.
Tuy nhiên, với báo cáo định kỳ tình hình chào bán trái phiếu, đăng ký lưu ký trái phiếu, ABS đã gửi báo cáo bị chậm 1 ngày ( đối với báo cáo năm 2021) và chậm 10 ngày ( đối với báo cáo quý 4/2021). Đây là lỗi sơ suất trong việc gửi và nộp báo cáo định kỳ trên hệ thống báo cáo với Sở GDCK và theo đường chuyển phát công văn. ABS chỉ bị chậm duy nhất 2 báo cáo định kỳ này, các kỳ báo cáo khác ABS luôn gửi báo cáo đầy đủ đúng quy định.
Cũng theo đại diện ABS, trên tinh thần cầu thị, tiếp thu, tuân thủ và thượng tôn pháp luật, Công ty Cổ phần chứng khoán An Bình cam kết luôn nỗ lực thực hiện đúng và đủ các quy định của pháp luật, không có bất kì hành vi gian dối, làm ảnh hưởng đến lợi ích của khách hàng và uy tín của công ty.
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- Cổ phiếu Vinamilk hấp dẫn khối ngoại nhờ cổ tức cao
- Đối chiếu 5 nguyên tắc đầu tư của Warren Buffett vào cổ phiếu VNM
- Tuần qua, loạt cổ phiếu "họ" GEX liên quan ông Tuấn "mượt" liên tục lao dốc
- Hủy quyết định xử phạt 1,5 tỷ đồng đối với ông Trịnh Văn Quyết
- Lo ngại về chính sách của Fed đẩy chứng khoán Mỹ lao dốc phiên 10/2
- HOSE nỗ lực trở thành Sở giao dịch chứng khoán mang đẳng cấp quốc tế