12:05 - 12/04/2022
 
Trong bối cảnh thị trường xuất hiện những tin đồn tiêu cực liên quan đến ông Nguyễn Văn Tuấn (Tuấn \'mượt\'), tuần qua, một số cổ phiếu "họ" GEX liên quan đến ông Tuấn “mượt” giảm giá gần 20%.
3233_Untitled

Tuần qua, loạt cổ phiếu "họ" GEX liên quan ông Tuấn "mượt" liên tục lao dốc. 

Chốt phiên giao dịch cuối tuần, mã GEX của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đứng mức 34.050 đồng/cổ phiếu, giảm 6,97%, tương đương mỗi cổ phiếu “bốc hơi” 2.550 đồng.

Với hơn 851 triệu cổ phiếu đang lưu hành, vốn hóa thị trường của GELEX bị “thổi bay” hơn 2.100 tỷ đồng. Đây là phiên lao dốc thứ 4 liên tiếp của GEX, khiến giá mỗi cổ phiếu giảm 16,5% tương đương 6.800 đồng/cổ phiếu.

Tương tự, cổ phiếu VGC của Tổng Công ty Viglacera giảm sàn 6,9% về 53.900 đồng, “bay” 4.000 đồng/cổ phiếu. Trong 4 ngày giao dịch gần nhất, cổ phiếu mã VGC đều giảm, với 2 phiên “nằm sàn”.

Mã IDC của Tổng Công ty IDICO cũng “nằm sàn” với mức giảm xấp xỉ 10%, khiến mỗi cổ phiếu bị rơi mất 7.200 đồng. Với 300 triệu cổ phiếu đang lưu hành, chỉ tính riêng phiên cuối tuần, vốn hóa thị trường IDICO bị “cuốn trôi” hơn 2.100 tỷ đồng.

Mã VIX của Công ty cổ phần Chứng khoán VIX giảm 6,85% rơi về 20.400 đồng, tương đương mất 1.500 đồng mỗi cổ phiếu. Trước đó, mã VIX cũng trải qua 3 ngày “đỏ lửa”, giảm hơn 10%, từ 24.400 đồng/cổ phiếu về 21.900 đồng/cổ phiếu.

Hai mã MHC của Công ty cổ phần MHC và PLX của Công ty cổ phần Đầu tư Khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn cũng giảm lần lượt 6,7% và 13,1%.

Quan sát diễn biến thị trường, có thể thấy cổ phiếu “họ” GELEX bắt đầu bị xả mạnh từ đầu tuần này khi những thông tin “thao túng thị trường” và “lừa đảo” bùng nổ. Tính chung trong cả tuần, cổ phiếu GEX giảm 13,4%, VGC giảm 15,6%, IDC giảm 19,5%, VIX giảm 11,3%, MHC giảm 8,6% và PXL giảm 19,3%.

Điểm chung là các cổ phiếu này đều nằm trong mạng lưới sở hữu chồng chéo của GELEX, doanh nghiệp liên quan Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Tuấn. Trước đó, nhóm cổ phiếu “họ” GEX từng khiến thị trường chú ý khi tăng kịch trần hồi tháng 11/2021.

Việc các cổ phiếu “họ” GEX giảm sâu khiến khối tài sản trên sàn chứng khoán của ông Tuấn giảm sâu, khoảng hơn 1.100 tỷ đồng.

GELEX phát hành trái phiếu kiểu "vừa đá bóng vừa thổi còi" ?

Ông Nguyễn Văn Tuấn - vốn được biết đến là "ông trùm" M&A – sinh năm 1984 tại Hà Nam.

Ông Tuấn hiện giữ nhiều chức vụ quan trọng tại nhiều doanh nghiệp lớn như: Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dây cáp Điện Việt Nam (Cadivi, mã CVA), Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn GELEX (GELEX, mã GEX), Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Viglacera (Vigalacera, mã VGC), Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thiết bị điện GELEX (Gelex Electric, mã GEE), Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hạ tầng GELEX…

GELEX cũng chính là tập đoàn thâu tóm khách sạn Melia Hà Nội, một khách sạn 5 sao nằm ở trung tâm Hà Nội. Tuy nhiên, tập đoàn này và cá nhân ông Tuấn chỉ được dư luận chú ý sau vụ nước sông Đà bị nhiễm dầu thải vào năm 2019. Công ty TNHH MTV Năng lượng GELEX nắm giữ lượng lớn cổ phần tại Công ty nước sạch Sông Đà.

Hệ sinh thái các doanh nghiệp liên quan đến GELEX khá đa dạng, bao gồm chứng khoán, bất động sản, thiết bị điện, kinh doanh nước sạch...

Chốt phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index giảm 20,35 điểm xuống 1.482 điểm. Toàn sàn có 92 mã tăng, 370 mã giảm và 38 mã đứng giá.

HNX-Index giảm 9,59 điểm xuống 432,02 điểm. Toàn sàn có 57 mã tăng, 177 mã giảm và 48 mã đứng giá.

UPCoM-Index giảm 1,97 điểm xuống 113,84 điểm.

Thanh khoản thị trường giảm mạnh so với phiên trước, tổng giá trị khớp lệnh đạt 26.224 tỷ đồng, giảm 9,5%, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE giảm 11% xuống 22.477 tỷ đồng.

Trước đó, vào ngày 21/12/2021, GELEX đã công bố nghị quyết của Hội đồng quản trị về việc phát hành hai gói trái phiếu riêng lẻ năm 2021 với tổng giá trị 1.500 tỷ đồng. Và đến ngày 23/12/2021, GELEX đã phát hành xong 1.000 tỷ đồng trái phiếu với kỳ hạn 3 năm, được đáo hạn vào ngày vào ngày 23/12/2024. Tuy nhiên các thông tin khác về loại trái phiếu, lãi suất, trái chủ, đơn vị thu xếp cho thương vụ... đều không được công bố. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền với lãi suất cố định áp dụng cho toàn bộ kỳ hạn tối đa 9%/năm.

Sau đó đến ngày 17/1/2022, GELEX tiếp tục báo cáo kết quả đợt chào bán 5.000 trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản đảm bảo với mệnh giá 100 triệu đồng/ trái phiếu và kỳ hạn 3 năm. Theo thông tin công bố, tài sản đảm bảo của cả 2 đợt phát hành trái phiếu của GELEX là cổ phiếu thuộc quyền sở hữu của GELEX ở những đơn vị thành viên.

Theo báo cáo, có 1 nhà đầu tư tổ chức trong nước (tổ chức tín dụng) đã chi 500 tỷ đồng để mua 5.000 trái phiếu GELEX.

Lượng trái phiếu này được trả lãi suất 8,5%/năm trong một năm đầu và lãi suất cho thời gian còn lại bằng tổng của 3,8%/ năm cộng với lãi suất tham chiếu của kỳ điều chỉnh lãi suất (không cao hơn 9%/năm).

Điều đáng lưu ý là tổ chức tư vấn và đại lý phát hành trái phiếu, đại lý lưu ký trái phiếu lại là Công ty cổ phần Chứng khoán VIX (Mã VIX), VIX lại chính là đơn vị thành viên của GELEX, khiến nhiều hoài nghi về việc GELEX “chời trò” vừa “đá bóng” vừa “thổi còi”?

Theo Tầm nhìn

Bạn nghĩ sao?