Duy Tiên - 20:55 - 06/05/2021
 
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 3 tháng đầu năm 2021, vẫn còn 31 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch đầu tư công. Đặc biệt, đối với giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương, chỉ duy nhất Bộ Giao thông vận tải giải ngân.

Công văn 2243/BKHĐT-TH của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) gửi các bộ, ngành, địa phương về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc giao và giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021 nêu rõ, kết quả giải ngân vốn ĐTC 3 tháng đầu năm 2021 khá tích cực, đạt 13,17% kế hoạch Thủ tướng giao, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2020 với mức tăng 13,09%.

unnamed

Nhiều bộ, ngành, địa phương vẫn chưa giải ngân kế hoạch, nhất là vốn nước ngoài. Ảnh minh họa 

Tuy nhiên, nhiều bộ, ngành, địa phương vẫn chưa giải ngân kế hoạch, nhất là vốn nước ngoài. Lý giải hiện tượng trên, Bộ KH&ĐT cho biết, đây là thời điểm các bộ, ngành, địa phương tập trung hoàn thiện hồ sơ thanh toán, giải ngân vốn ĐTC năm 2020 và làm thủ tục kéo dài kế hoạch vốn sang năm 2021. Hơn nữa, tháng 2/2021 trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và dịch Covid-19 bùng phát ở một số địa phương cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công tại các dự án, công trường.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là "chìa khóa" cho tăng trưởng năm 2021, không chỉ giúp kích cầu kinh tế mà còn giúp tiêu thụ nguyên, vật liệu và giải quyết việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, với tiến độ giải ngân quý I chỉ đạt 13,7%, để đạt được mục tiêu giải ngân cả năm, nhiệm vụ của các quý còn lại rất nặng nề, đòi hỏi sự quyết tâm lớn của các cấp, ngành trong triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công.

Nhận thức được tầm quan trọng của giải ngân đầu tư công đối với tăng trưởng kinh tế - xã hội, Quốc hội khóa XIV đã giao Bộ KH&ĐT khẩn trương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tổng kết, đánh giá công tác giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian qua; xác định rõ những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp đồng bộ, khả thi, hiệu quả để khắc phục, phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất, đảm bảo mục tiêu, chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công theo đúng quy định của pháp luật.

Thực hiện yêu cầu của Chính phủ, Công văn 2243/BKHĐT-TH của Bộ KH&ĐT mới đây đã yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương báo cáo chi tiết tiến độ giải ngân của các dự án đầu tư công thông qua 4 nội dung.

Bạn nghĩ sao?