Trần Hải - 08:12 - 08/10/2020
 
Ngày 22/9, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam (KTNN) tổ chức Hội thảo khoa học “Nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công và vai trò của Kiểm toán Nhà nước” nhằm phổ biến trao đổi kinh nghiệm giữa các chuyên gia, nhà quản lý về lĩnh vực này.

Phó Tổng KTNN Đoàn Xuân Tiên nêu rõ, công cuộc đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế đã mang lại nhiều thành tựu về tăng trưởng kinh tế cho Việt Nam. Trong quá trình này, việc huy động và sử dụng vốn đầu tư công có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo nền tảng vật chất kỹ thuật cho đất nước, kiến tạo hạ tầng kinh tế - xã hội, là “đòn bẩy” đối với một số ngành và vùng trọng điểm...

1

Ông Đoàn Xuân Tiên, Phó Tổng KTNN phát biểu (Nguồn Internet) 

Đầu tư công có vai trò trong việc điều tiết các chỉ số kinh tế vĩ mô như bội chi ngân sách nhà nước (NSNN), nợ công, nợ Chính phủ, nợ quốc gia, góp phần ổn định và làm giảm khoảng cách giàu nghèo, giảm bất bình đẳng, bất công trong xã hội.  Ở Việt Nam, đầu tư công chiếm một tỷ trọng lớn trong tổng đầu tư và đóng góp đáng kể vào tăng trưởng tổng mức đầu tư cũng như tăng trưởng kinh tế. Do đầu tư công chiếm tỷ trọng lớn nên bất kỳ sự thay đổi về tốc độ tăng trưởng đầu tư công đều ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng tổng mức đầu tư. Từ đầu năm 2020 đến nay, kinh tế thế giới nói chung và nước ta nói riêng chịu tác động rất nặng nề của đại dịch COVID-19. Đảng, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã tích cực chỉ đạo vừa phòng, chống dịch, vừa tập trung phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2020. Mặc dù Chính phủ và các cấp, ngành, địa phương đã quyết liệt chỉ đạo song tỷ lệ giải ngân cho đến nay vẫn thấp so với yêu cầu.

2

Toàn cảnh Hội thảo 

“Điều này, gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả, hiệu lực của các dự án đầu tư công”, Phó Tổng KTNN nhấn mạnh.

Theo Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính), tổng số vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước đã giải ngân 7 tháng là 173.040 tỷ đồng đạt 40,98% và ước đến 31/8 là 22.774,1 tỷ đồng đạt 47,08% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm.

Ngoài ra, đến ngày 20/8/2020 còn khoảng 18.902 tỷ đồng (bằng 3,96% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao) chưa được Bộ, ngành, địa phương phân bổ, trong đó bộ, ngành là 8.130 tỷ đồng và địa phương là 10.772 tỷ đồng.

Tại Hội thảo một số địa phương và đơn vị đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đánh giá về thực trang giải ngân vốn đầu tư công dưới góc nhìn của KTNN….

Kết quả kiểm toán các dự án đầu tư công cho thấy còn nhiều bất cập và kẽ hở về cơ chế, chính sách trong quản lý đầu tư công, đặc biệt là trong các dự án dưới các hình thức mới như các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Trong khi đó, công tác quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước chưa được thực hiện thường xuyên, đầy đủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh kết quả đã đạt được, công tác kiểm toán các dự án đầu tư công trong thời gian qua còn một số hạn chế, bất cập làm ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán như: Quy mô và tần suất kiểm toán của KTNN còn nhỏ so với yêu cầu kiểm tra, kiểm soát các đối tượng sử dụng tài chính công, tài sản công, nhất là lĩnh vực kiểm toán đầu tư xây dựng; Công tác kiểm toán hoạt động và kiểm toán chuyên đề chuyên sâu còn hạn chế, nên chưa có điều kiện đi sâu, giải đáp thích đáng các vấn đề về hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, nhất là hiện tượng tham nhũng, thất thoát, lãng phí trong đầu tư dự án.

Để giải quyết tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, ông Hoàng Phú Thọ đề xuất, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp, cụ thể: Tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về quản lý đầu tư, tháo gỡ kịp thời các rào cản khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân và nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công. Đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành và phối hợp thực hiện đầu tư công; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý đầu tư công.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng tập trung thảo luận về thực trạng, giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và vai trò của KTNN trong việc nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Bắc Ninh... Đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm của các địa phương và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam trong việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; giải pháp nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn TP.HCM, Bình Dương, Tây Ninh, Long An và vai trò của KTNN...

Tổng Kiểm toán nhà nước khẳng định, KTNN không chỉ có vai trò là một trong những công cụ hưu hiệu của Đảng và Nhà nước trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả, làm minh bạch nền tài chính công, tài sản công, mà còn có vai trò là cơ quan tư vấn. “KTNN luôn sẵn sàng tham gia hỗ trợ các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc kiểm toán ngay từ trong quá trình chuẩn bị thực hiện dự án. Bởi, nhiều vi phạm có thể nảy sinh ngay từ quá trình chuẩn bị dự án, việc phát hiện sớm vi phạm sẽ giúp cho việc triển khai thực hiện dự án sau này được thuận lợi.

Phát biểu bế mạc, thay mặt Lãnh đạo KTNN, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên cảm ơn, đánh giá cao các bài tham luận, các ý kiến của các đại biểu tham dự đồng thời khẳng định: Các ý kiến trao đổi, thảo luận tại hội thảo sẽ được Lãnh đạo KTNN nghiên cứu, tiếp thu tối đa để xây dựng các giải pháp khoa học, hữu hiệu, sáng tạo trong hoạt động kiểm toán, góp phần làm minh bạch nền tài chính quốc gia, đáp ứng tốt hơn những kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Nhân dân.

 
Bạn nghĩ sao?