14:47 - 07/04/2022
 
Theo bộ Tài chính cho biết, đến hết Quý 1/2022, tỷ lệ giải ngân mới chỉ đạt trên 11%, vẫn còn 29 đơn vị chưa giải ngân đồng nào, hiện còn hơn 51.000 tỷ đồng vốn đầu tư công chưa phân bổ.
4757_Untitled

Hết Quý 1, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công mới chỉ đạt trên 11%. 

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến cuối tháng 3, tổng số vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước đã phân bổ là 507.003 tỷ đồng, đạt 97,86% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao (518.105,895 tỷ đồng). Trong đó, các địa phương giao tăng so với số kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao là 39.912 tỷ đồng. Nếu không tính số kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương các địa phương giao tăng thì tổng số vốn đã phân bổ là 467.090 tỷ đồng, đạt 90,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Như vậy, tổng số vốn chưa phân bổ chi tiết là 51.015 tỷ đồng, chiếm 9,85% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Cụ thể, các bộ, cơ quan Trung ương chưa phân bổ 15.239 tỷ đồng (chiếm 13,78% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao); các địa phương chưa phân bổ 35.776 tỷ đồng (chiếm 8,78% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

Đến hết tháng 3, mới có 4 Bộ và 20 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 20%. Một số Bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao như: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (47,24%), Thái Bình (33,9%), Ngân hàng nhà nước Việt Nam (32,09%), Bộ Xây dựng (29,14%), Lai Châu (28,8%)…

Có 46/51 Bộ và 29/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức bình quân chung của cả nước (11,03%), đáng chú ý, có 29 Bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn.

Bộ Tài chính cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chưa phân bố hết kế hoạch vốn ngân sách. Cụ thể, đối với nguồn vốn ngân sách Trung ương, có 19/51 bộ, cơ quan Trung ương và 20/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Nguyên nhân là do các đơn vị chưa phân bổ chi tiết kế hoạch vốn dự kiến bố trí cho các dự án khởi công mới chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư hoặc chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Đối với nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương, có 37/63 địa phương giao kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương tăng so với Thủ tướng Chính phủ giao từ nguồn thu sử dụng đất, nguồn tăng thu, nguồn xổ số kiến thiết của địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn 17/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương. Nguyên nhân là do một số địa phương mới giao kế hoạch đợt 1, một số dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư và nguồn bội chi sẽ được phân bổ sau.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính đang tiếp tục đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp tại Công điện 126/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 8/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 và công văn số 1684/VPCP-KTTH ngày 17/3/2022 của Văn phòng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.

Về việc phân bổ vốn, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất phương án xử lý phù hợp theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư công đối với những trường hợp chưa hoàn thành phân bổ, giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương năm 2022 theo các quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Trường hợp các bộ, ngành, địa phương không có nhu cầu sử dụng, chưa phân bổ hết kế hoạch vốn năm 2022, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền cắt giảm kế hoạch vốn năm 2022 để điều chỉnh, bổ sung cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có nhu cầu và có khả năng giải ngân cao./.

Theo Tầm nhìn

Bạn nghĩ sao?