Gỡ được những nút thắt về thể chế này sẽ hạn chế được tình trạng “quyền lợi thì vơ vào, trách nhiệm thì đùn đẩy, thoái thác”, làm tăng hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công.
Khâu này níu chân khâu kia
Theo kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách năm 2020, ngân sách địa phương chiếm đến hơn 80%, trong khi ngân sách trung ương chỉ chiếm chưa tới 20%. Dù số vốn quản lý được phân cấp như trên, song về quy trình quản lý và thủ tục hành chính thì không rạch ròi như vậy. Thực tế cho thấy, vai trò của địa phương đối với các dự án đầu tư do trung ương quản lý là rất lớn, như vai trò trong việc giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư. Ngược lại, vai trò của các bộ, ngành trung ương đối với các dự án đầu tư của địa phương cũng không hề nhỏ, như cho ý kiến về chủ trương đầu tư, đánh giá tính khả thi dự án, đề xuất bố trí vốn… Mối quan hệ giữa các cơ quan quản lý và giữa chính quyền các cấp đối với một dự án đầu tư công hiện nay rất phức tạp, chồng chéo, không rõ ràng, dẫn đến khâu này níu chân khâu kia.
Từ kết quả kiểm toán của Kiểm toán nhà nước, ông Dương Quang Chính, Chánh Thanh tra Kiểm toán nhà nước, cho biết, hiện nay việc thẩm định, phê duyệt, giao kế hoạch, thực hiện các thủ tục giải ngân dựa trên đề xuất từ địa phương, bộ ngành lên, nhưng nhiều kế hoạch hàng năm được chỉ ra là thiếu thực tiễn vì có giao vốn cũng không thể thực hiện để giải ngân. Có trường hợp giao vốn cho các dự án lớn như xây dựng cao tốc, đường sắt, cầu đường nhưng lại không đánh giá đúng và đủ năng lực thực hiện của các nhà thầu, khả năng và tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ sử dụng vốn, dẫn đến vốn giao lớn nhưng không đủ khả năng thực thi. Ngược lại, khi không xác định chính xác nhu cầu vốn ngay từ đầu năm dẫn đến khi công trình hoàn thành, quyết toán không có nguồn để thanh toán.
" Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay có 9 bộ, cơ quan trung ương và 9 địa phương đề nghị chuyển trả lại kế hoạch vốn đầu tư công với tổng số vốn là 6.338 tỷ đồng; bên cạnh đó có 7 bộ, cơ quan trung ương và 31 địa phương xin bổ sung với tổng số vốn là 13.509 tỷ đồng.
Mặt khác, nhiều quy định trong Luật Đầu tư công cũng được đánh giá là chưa rõ ràng, đồng bộ. Cụ thể, cho đến nay, Luật Đầu tư công 2019 được ban hành và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020, những quy định của luật đã rất chi tiết trong công tác lập kế hoạch, chỉ ra và nhấn mạnh những quy định cấm tại Điều 16 để phòng tránh thất thoát vốn đầu tư công, phòng ngừa tham nhũng. Tuy nhiên, trách nhiệm được giao cho các cơ quan, đơn vị liên quan làm sao sử dụng vốn đầu tư theo kế hoạch, các chế tài liên quan đến việc lập kế hoạch, sử dụng vốn không sát với thực tiễn thì còn rất mơ hồ. Do đó, từ gốc là Luật Đầu tư công 2019, cần có các quy định cụ thể để định hướng sự tương tác, liên kết giữa các văn bản pháp luật liên quan gồm Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu… nhằm đảm bảo đồng bộ, các quy định sát với thực tiễn.
Bên cạnh đó, các quy định chuyển tiếp trong Luật Đầu tư công cũng cần sớm được sửa đổi. Theo đó, Luật Đầu tư công 2019 có quy định chuyển tiếp: “Đối với kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019 và năm 2020, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương được phép thực hiện và giải ngân theo quy định của Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 28/2018/QH14 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành”. Trong khi việc giao kế hoạch vốn theo Điều 59, Luật Đầu tư công 2014 còn nhiều bất cập, việc Luật Đầu tư công 2019 lại tiếp tục cho phép quy định này có hiệu lực có thể sẽ làm chậm quá trình giải ngân vốn đầu tư công.
Nút thắt trong giải phóng mặt bằng
Theo các chuyên gia kinh tế, để thực hiện một dự án đầu tư công, phải trải qua nhiều quy trình, thủ tục về đất đai, xây dựng, vốn… Vì vậy, nếu các quy định về xây dựng, đất đai, môi trường, vốn còn hạn chế sẽ tác động, làm chậm quá trình giải ngân vốn đầu tư công.
Hiện nay, các quy định về giá đất đền bù cho người dân khi thu hồi theo Điều 112, Điều 114 Luật Đất đai 2013 được hướng dẫn tại Nghị định số 44/2014/NĐ-CP triển khai theo nguyên tắc phải đảm bảo sát với thị trường, thế nhưng vẫn còn những khoảng trống lớn cần được nghiên cứu khắc phục.
Cụ thể, theo nguyên tắc xác định giá đất tại Điều 112 Luật Đất đai 2013 thì việc định giá đất phải đảm bảo các nguyên tắc: theo mục đích sử dụng đất hợp pháp tại thời điểm định giá; theo thời hạn sử dụng đất; phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường của loại đất có cùng mục đích sử dụng đã chuyển nhượng, giá trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với những nơi có đấu giá quyền sử dụng đất hoặc thu nhập từ việc sử dụng đất; cùng một thời điểm, các thửa đất liền kề nhau có cùng mục đích sử dụng, khả năng sinh lợi, thu nhập từ việc sử dụng đất tương tự như nhau thì có mức giá như nhau.
Tuy nhiên, theo ông Dương Quang Chính, Luật đã không lường hết khả năng là trước khi người dân bị thu hồi thì mục đích sử dụng đất có thể chỉ là đất nông nghiệp, chưa phải là đất dân cư đô thị hoặc vị trí đất trước khi thu hồi có thể nằm giữa đồng ruộng nhưng sau khi dự án được các nhà đầu tư triển khai thì đất sẽ biến đổi làm tăng giá trị bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đó cũng là nguyên nhân nhiều dự án đầu tư công có kế hoạch “chi tiền” rồi, nhưng dân cản lại, không bàn giao đất, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng bị kẹt cứng, không thể triển khai dự án.
Cũng liên quan đến Luật Đất đai, vướng mắc trong quy định bố trí tái định cư cho người dân bị thu hồi đất cũng làm chậm quá trình giải phóng mặt bằng. Theo quy định của pháp luật, phải có chỗ tái định cư thì người dân mới di dời bàn giao mặt bằng. Từ lúc nhận mặt bằng tái định cư, các hộ dân cũng phải mất vài tháng để xây dựng nhà cửa. Ở một số địa phương có nhiều dự án lớn thì việc bố trí tái định cư không đơn giản. “Đã có những trường hợp phải vận động người dân đi tạm cư, nhưng đó cũng là điều “cực chẳng đã” và không phải nơi nào người dân cũng đồng ý. Công tác giải phóng mặt bằng bị kéo dài làm đình trệ các dự án đầu tư công”, ông Dương Quang Chính cho biết.
Ngoài ra, một số nguyên nhân khác liên quan đến cơ chế, chính sách cũng kéo giữ quá trình giải ngân vốn đầu tư công như việc hiện nay nhiều dự án được lựa chọn theo ý chí chủ quan của người lãnh đạo. Việc phân tích tính khả thi dự án nặng về cảm tính, các đánh giá tác động kinh tế-xã hội thiên về định tính, thiếu căn cứ khoa học, tính khả thi thấp. Bên cạnh đó, còn tình trạng “chạy vốn, chạy dự án”.
" Việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm vô hình trung khiến cho nhiều dự án được “gửi gắm” vào danh mục, bởi nếu không sẽ mất cơ hội cho đến 5 năm sau. Câu chuyện này cũng giống như chuyện xí đất làm dự án mà không triển khai”, ông Dương Quang Chính cho biết.
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- Thu chi minh bạch với tính năng Quỹ nhóm trên App HDBank
- HDBank nhận 3 giải thưởng tại Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết 2024
- HDBank đóng góp 100 tỷ đồng, hưởng ứng đợt cao điểm 450 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước
- Đẩy mạnh kinh doanh số, HDBank báo lãi vượt 12.650 tỷ, tăng 46,6%, triển khai chia cổ tức 20%
- HDBank khởi động dự án “Tư vấn quản trị ESG và Tài chính bền vững” cùng PwC
- HDBank: Ngân hàng duy nhất tại Việt Nam nhận Giải thưởng Xanh từ The Asian Banker