Linh Nguyễn - 08:02 - 20/05/2021
 
Hải Dương đang tích cực chuẩn bị các bước cần thiết để đưa vải thiều và một số sản phẩm trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) lên sàn thương mại điện tử trước ngày 18/5. Điều này được kỳ vọng sẽ giải quyết được những điểm tắc nghẽn trong tiêu thụ nông sản của tỉnh, đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp.

Tổ chức tập huấn trên diện rộng

Trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh và trong bối cảnh ứng dụng cách mạng công nghệ 4.0 nở rộ, tỉnh Hải Dương phấn đấu trước ngày 18/5/2021 sẽ đưa vải thiều và một số sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) lên sàn thương mại điện tử.

Năm nay là năm đầu tiên, vải thiều Hải Dương được bán trực tiếp qua các sàn thương mại điện tử là Alibaba.com, Sendo.vn, Lazada.vn và Voso.vn. Tuy nhiên, việc đưa các sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã không phải là điều dễ dàng.

Bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin Xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương) cho biết, nhận thức của doanh nghiệp còn hạn chế đối với phương thức kinh doanh này. Cũng như các địa phương còn thiếu cán bộ có hiểu biết về công nghệ thông tin, quy trình bán hàng, marketing,…

Anh 2

Sau khi được hướng dẫn trực tiếp, bà con nông dân cũng dần làm quen được với cách thức bán hàng qua các sàn thương mại điện tử

Để sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách hiệu quả, doanh nghiệp cần phải được huấn luyện và  đào tạo bài bản về cách thức quảng bá, xây dựng hình ảnh sản phẩm. Ngoài ra còn là cách thức chăm sóc khách hàng, những dịch vụ sau bán hàng, cách quản lí chất lượng sản phẩm,…

Vì lí do đó mà thời gian qua, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hải Dương tổ chức chương trình huấn luyện về truy xuất nguồn gốc và các thủ tục mở, tham gia gian hàng cấp quốc gia về xúc tiến thương mại trên sàn thương mại điện tử, nhằm hỗ trợ đầu ra hiệu quả cho các sản phẩm nông sản có tiềm năng của tỉnh.

Đặc biệt trong tháng 5, Cục Xúc tiến Thương mại sẽ hỗ trợ kỹ thuật, triển khai chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm quả vải của Hải Dương ở cả thị trường trong và ngoài nước theo các kênh kết nối trực tiếp và trực tuyến.

Theo ông Vũ Việt Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hải Dương, từ trước đến nay, mặc dù sản phẩm nông nghiệp Hải Dương rất dồi dào, đa dạng và phong phú nhưng việc tiêu thụ còn nhiều khó khăn vì chủ yếu vẫn qua các kênh truyền thống mà chưa phát huy được hiệu quả từ việc ứng dụng các thành tựu công nghệ thông tin.

Niên vụ vải năm 2021, Hải Dương có trên 9.100 ha vải với sản lượng ước khoảng 55.000 tấn. Dự kiến, 50% sản lượng vải của tỉnh (trong đó chủ yếu vải sớm) sẽ xuất khẩu Trung Quốc, 40% thị trường trong nước và khoảng 5-7% xuất khẩu đi các thị trường khó tính (Nhật Bản, Mỹ, Australia, EU, Singapore….) và 5% phục vụ chế biến.

Hiệu quả việc lên sàn thương mại

Việc đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử đã mang lại hiệu quả lớn, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp. Vào đầu tháng 3, trong 10 ngày triển khai đồng bộ các hoạt động hỗ trợ Hải đương vào thời điểm cách ly, Cục Xúc tiến Thương mại đã đã hỗ trợ tiêu thụ 102 tấn nông sản của Hải Dương qua các kênh, cả bán hàng trực tiếp và qua sàn thương mại điện tử. Cục đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hải Dương triển khai các hoạt động vừa đảm bảo an toàn mùa dịch, vừa đưa sản phẩm chất lượng đến tay người tiêu dùng.

Anh 1

Việc đưa vải thiều lên sàn thương mại điện tử được kỳ vọng sẽ giải quyết những điểm tắc nghẽn trong tiêu thụ nông sản của tỉnh Hải Dương, đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh phức tạp như hiện nay

Cụ thế, đầu tháng 3, sàn thương mại điện tử Sendo.vn đã triển khai Chương trình “Chỉ 1.000 đồng cho một kg nông sản, không giới hạn số lượng mua” tập trung cho địa bàn Hà Nội. Chương trình được triển khai thành công với 26 tấn nông sản gồm su hào, bắp cải và cà chua từ Hải Dương đã được tiêu thụ.

Hay ngày 4/3, sàn thương mại điện tử Vỏ Sò của Tổng Công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post) cũng công bố khởi động chiến dịch ứng dụng công nghệ số giúp nông sản Việt thoát cảnh giải cứu không chỉ trong mùa dịch.

Bên cạnh việc hướng dẫn, hỗ trợ nông dân đưa nông sản lên bán trên sàn thương mại điện tử, Viettel Post cũng có nhiều hoạt động để quảng bá, thu hút người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm nông sản Hải Dương.

Theo thống kê, chỉ sau 3 ngày khởi động chiến dịch, sàn thương mại điện tử Vỏ Sò đã hỗ trợ các hộ nông dân Hải Dương tiêu thụ được hơn 7 tấn rau củ, 80.000 trứng gà và hơn 850 con gà; tổng cộng 2.000 đơn hàng nông sản Hải Dương được Viettel Post tổ chức chuyển phát đến tận tay người tiêu dùng, đảm bảo thời gian phát theo đúng cam kết của doanh nghiệp và chất lượng sản phẩm tươi ngon cho người dùng.

Ông Dương Văn Nam, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp sạch Nam Vũ cho biết, sàn thương mại điện tử là kênh bán hàng mới, còn mới mẻ nên ban đầu Hợp tác xã cũng có gặp khó khăn. Bởi lẽ, các thành viên của Hợp tác xã đa số là những người lớn tuổi, không dùng thành thạo được điện thoại thông minh như lớp trẻ.

Tuy vậy, sau khi được hướng dẫn trực tiếp, bà con nông dân cũng đã bước đầu làm quen được với cách thức bán hàng qua mạng, cảm thấy dễ dàng hơn. “Chắc chắn chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai kênh bán hàng mới này để tìm thêm đầu ra cho sản phẩm, giúp cho bà con nông dân đỡ bị thiệt thòi, không còn bị thương lái ép giá những lúc được mùa”, ông Nam cho hay.

Bạn nghĩ sao?