T. Linh -
 
Trải qua năm 2020 đầy thử thách, Việt Nam đã vươn lên vị trí top 10 các thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Với tổng điểm 5.67/10, nước ta đã tăng 3 bậc trong bảng xếp hạng này.

Trong vài năm trở lại đây, khi hội nhập quốc tế tại Việt Nam ngày càng phát triển sâu rộng, nhu cầu xuất nhập khẩu tăng cao đòi hỏi sự đáp ứng từ cơ sở hạ tầng trong nước. Theo số liệu của Tổng Cục Thống Kê, tổng giá trị xuất nhập khẩu của cả nước là 543.9 tỷ USD trong năm 2020, tăng đến 5.1% so với năm 2019.

Mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch, nhưng khả năng tăng trưởng giao thương của Việt Nam vẫn được đánh giá khả quan dựa trên những hiệp định thương mại được kí gần đây, bao gồm Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Với đà phát triển nhanh như hiện nay, tiềm năng phát triển của ngành cảng biển và logistics được dự đoán sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2021, và ngành sẽ tiếp tục đà phát triển tầm 12-14% như các năm vừa qua. Theo Công Ty Cổ Phần Chứng Khoán SSI, giá trị xuất nhập khẩu thông qua đường cảng biển dự đoán sẽ tăng đến 10% trong 2021. Điều này được thúc đẩy bởi sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, hiệp định thương mại và dịch chuyển chuỗi sản xuất khỏi Trung Quốc.

VN 1

 

“Chính Phủ Việt Nam đang đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng và quảng bá các cụm doanh nghiệp nhằm thu hút các doanh nghiệp có giá trị cao trong chuỗi cung ứng. Những khoản miễn thuế cao cho các doanh nghiệp đang góp phần đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh trong khu vực”, ông Troy Griffith, Phó Tổng Giám Đốc Savills Việt Nam nhận định.

Theo khảo sát của Hiệp Hội Doanh Nghiệp Dịch Vụ Logistics Việt Nam (VLA), nước ta hiện  có khoảng 30.000 công ty logistics trên khắp cả nước, trong đó, có 4.000 doanh nghiệp ngoại. Theo VLA, ngành logistics được dự đoán sẽ tăng trưởng trong năm 2021 khi kinh tế toàn cầu được kì vọng sẽ hồi phục.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, năng lực của các cảng biển và ngành logistics trong nước đang được nâng cấp và cải thiện. Với việc mở rộng quy mô các cảng biển như Cái Mép – Thị Vải và Lạch Huyện, Việt Nam sẽ thu hút được những tàu hàng có tải trọng lớn thay vì đến các cảng tại Singapore và Hong Kong.

Cùng với nhu cầu ngày càng tăng của cảng biển và ngành logistics, nhu cầu thuê kho bãi hiện nay cũng đang theo sát. Với kì vọng tăng trưởng trong xuất nhập khẩu và sản xuất trong nước, nhu cầu cho cơ sở hạ tầng logistics đang được thúc đẩy. Trong những năm gần đây, tổng diện tích kho bãi theo quan sát đã tăng đáng kể, và giá đã tăng từ 5-10% mỗi năm.

Ông John Campbell, Quản lý bộ phận BĐS Công nghiệp, Savills Việt Nam chia sẻ: "Báo cáo của 54 thị trường tại 21 quốc gia cho thấy,Việt Nam đang là nơi có chi phí vận hành thấp nhất trong bảng xếp hạng, dẫn đầu bởi Hà Nội khi chi phí nhân công cộng với chi phí năng lượng đều ở mức thấp. Việt Nam đang trở thành một điểm đến rất thu hút với các doanh nghiệp đa quốc gia khi mức chi phí hấp dẫn, tuy nhiên, chính phủ đang muốn nhắm đến những doanh nghiệp có giá trị cao."

Tuy nhiên, bức tranh tăng trưởng này vẫn có nhiều rủi ro. Việc kênh đào Suez tắc nghẽn mới đây đã cho thấy những rủi ro tiềm tàng khi điều này ảnh hưởng nghiệm trọng tới doanh nghiệp Việt Nam trong việc xuất nhập khẩu sang thị trường Châu Âu.

Để giảm thiểu rủi ro kinh tế, Bộ Công Thương đã đưa ra khuyến nghị với các doanh nghiệp nên có bảo hiểm cho các kiện hàng để giảm thiểu các rủi ro về vấn đề chậm trễ cũng như hàng hóa hư hỏng. Các doanh nghiệp cũng nên chủ động liên lạc với văn phòng giao thương và làm việc với đối tác để xử lý vấn đề chậm trễ nhằm tránh những tranh chấp.

Bạn nghĩ sao?