Triệu Hồ - Đức Anh - 09:56 - 09/07/2021
 
Đơn vị thi công dự án trường Tiểu học Vạn Thắng giai đoạn 2 sử dụng nguồn đất lậu, đất khai thác trái phép để san lấp, có dấu hiệu trục lợi kinh tế. Sự việc không thể không kể đến sự thiếu trách nhiệm của đại diện Chủ đầu tư khi chỉ quản lý nguồn gốc nguyên vật liệu tại chân công trình, biểu hiện tiếp tay cho đất san lấp trái phép, không rõ nguồn gốc ngang nhiên vào công trình nhà nước.

Đất “lậu” vào công trình nhà nước

Những ngày đầu tháng 6/2021, Phóng viên nhận được thông tin phản ánh về hoạt động khai thác đất trái phép tại mỏ sắt Tăng Ma, khu 19, xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Theo phản ánh, hàng loạt phương tiện vận tải siêu trường siêu trọng liên tục hoạt động chở đất ra khỏi khu vực mỏ sắt Tăng Ma khiến con đường độc đạo chạy vào khu 19 của xã Đào Xá bị cày xới hõm xuống thành những vũng, hố sâu, xuống cấp nghiêm trọng.

Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, vào khoảng 11 giờ 25 phút trưa ngày 2/6/2021, hai xe tải gắn logo Công ty CP Ba Vì mang biển số: 29H - 735.01 và  29H – 751.51 đang đổ đất san nền tại dự án trường Tiểu học Vạn Thắng giai đoạn 2. Sau khi đổ đất tại đây, cả hai xe này di chuyển từ Ba Vì qua QL32, qua cầu Trung Hà rồi bẻ lái đi về phía ĐT316 hướng về huyện Thanh Thủy. Sau đó các xe này tiếp tục di chuyển vào ĐT 317 rồi đến địa phận mỏ sắt Tăng Ma tại khu 19,  xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ.

anh 1 bai tieu hoc Van Th

Các xe tải mang logo Công ty CP Ba Vì biển số 29H - 735.01 ; 29H – 751.51 ; 29H – 185.40  ;29H - 476.32 đang lấy đất từ mỏ sắt tăng Ma, khu 19, xã Đào Xá, huyện thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ lúc 13 giờ 30 phút ngày 2/6/2021.

Sau thời gian nghỉ trưa, đến khoảng 13 giờ 30 phút cùng ngày, các xe tải trên tập kết tại chân mỏ rồi nối đuôi nhau trèo lên gần đỉnh núi nơi có một máy xúc cỡ lớn đang chực chờ sẵn. Khu vực múc đất lộ ra những khoảng núi tan hoang trơ trọi bởi xe múc hoạt động hết công suất, liên tục ngoạm đất đổ đầy các thùng xe đang xếp hàng để đợi. Dễ dàng quan sát thấy, xe múc này đang xẻ núi lấy đất, toàn bộ đất đá lộn xộn được múc đổ cả lên xe.

Sau khi “ăn” no hàng, các phương tiện chở đất đá cao quá thành thùng này ì ạch bò xuống con đường ngược lại, hướng ra đường ĐT 317, đi qua đường ĐT316, đến tuyến quốc lộ 32 rồi trực chỉ về hướng xã Vạn Thắng huyện Ba Vì, Hà Nội. Cùng với 02 xe tải đã ghi nhận từ lúc trưa, các video hình ảnh mà phóng viên ghi nhận vào chiều ngày 2/6/2021 cũng có thêm các xe mang biển số 29H – 185.40  ;29H - 476.32 cùng lấy đất từ địa điểm này đến đổ vào dự án trường Tiểu học Vạn Thắng giai đoạn 2.

Theo quan sát của phóng viên, đặc điểm chung của các phương tiện này là đều mang nhãn hiệu Howo, màu xanh có logo là Công ty CP Ba Vì. Cả 4 chiếc xe tải phóng viên đã ghi nhận đều có dấu hiệu cơi nới thành thùng, có dấu hiệu chở quá khổ quá tải. Dù có tải trọng lên tới trên 30 tấn nhưng vẫn chở đất di chuyển vào khu vực đường có giới hạn tải trọng là 10 tấn. Ngoài ra việc che chắn sơ sài, làm rơi vãi đất ra đường cũng gây bụi bặm ô nhiễm môi trường.

Để có căn cứ khẳng định việc khai thác và bán đất tại mỏ sắt Tăng Ma, khu 19, xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ là trái phép, phóng viên đã làm việc với ông Lê Anh Đoàn – Chủ tịch UBND xã Đào Xá, ông này khẳng định: “Công ty Đại Phát được phê duyệt cho đóng cửa mỏ, khi phát hiện vận chuyển đất ra khỏi địa bàn phía xã đã vào kiểm tra việc đóng cửa mỏ, lập biên bản yêu cầu dừng việc vận chuyển đất ra khỏi dự án. Chúng tôi tiếp tục theo dõi giám sát và đã có thông tin trực tiếp với Phòng TNMT huyện về việc này”.

Tiếp đó, ngày 24/6/2021UBND huyện Thanh Thủy đã có văn bản số 1046//UBND-TNMT về việc cung cấp thông tin trả lời phóng viên Tạp chí Kinh tế tập đoàn, văn bản  cho biết: “Theo quyết định phê duyệt đề án đóng cửa mỏ đã được UBND tỉnh Phú Thọ phê duyệt, Công ty Đại Phát tự chịu trách nhiệm thực hiện khối lượng công việc theo nội dung đề án. Trong quá trình thực hiện, các cơ quan chức năng của huyện và xã đã phát hiện công ty Đại Phát vận chuyển đất  ra khỏi khu vực mỏ. Ngày 27/05/2021, ngay sau khi phát hiện, UBND xã Đào Xá đã lập biên bản và yêu cầu Công ty Đại Phát dừng việc vận chuyển đất ra khỏi mỏ. Hiện công ty đã chấp hành, không tiếp tục vận chuyển đất ra khỏi khu vực mỏ khi chưa được cơ quan chức năng có thẩm quyền cho phép”. Còn Về việc công ty Đại Phát có thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế Bảo vệ môi trường đối với việc khai thác vận chuyển đất ra khỏi khu vực mỏ. Công văn trả lời của UBND huyện Thanh Thủy cho biết: “Về việc này UBND huyện Thanh Thủy đang chỉ đạo cơ quan chức năng điều tra làm rõ”.

anh 2 bai truong tieu hoc

Chiếc xe biển số 29H – 185.40  đang đổ đất tại dự án trường Tiểu học Vạn Thắng giai đoạn 2 lúc 16h 25 phút.

Như vậy là đã rõ, số đất trên còn chưa được cơ quan chức năng có thẩm quyền cho phép vận chuyển ra khỏi khu vực mỏ, chứ chưa nói đến việc bán, tiêu thụ, thu lời từ số đất này.  Đồng nghĩa với việc dự án trường Tiểu học Vạn Thắng giai đoạn 2 đang tiêu thụ khoáng sản (cụ thể ở đây là đất san lấp) từ hoạt động khai thác trái phép. Đáng nói, hoạt động này diễn ra ngang nhiên trong suốt những ngày trước và sau thời điểm phóng viên ghi nhận. Vậy việc mua bán số đất trên có đầy đủ hóa đơn chứng từ, kê khai thuế phí theo đúng quy định của pháp luật hay không?

 Công trình xây dựng Trường Tiểu học Vạn Thắng giai đoạn 2 (xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì, Hà Nội) do UBND huyện Ba Vì làm chủ đầu tư và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Ba Vì làm đại diện chủ đầu tư. Trong đó đơn vị tư vấn giám sát là Liên doanh Công ty Cổ phần xây dựng thương mại và dịch vụ Thái Đức và Công ty Cổ phần thương mại đầu tư và phát triển công nghệ Đại Hải. Đơn vị thi công toàn bộ phần xây dựng của dự án này là Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Nam Hồng. Giá trị gói thầu lên tới hàng chục tử đồng nhưng thông tin về hoạt động đấu thầu, quá trình đấu thầu và kết quả lựa chọn nhà thầu dự án này lại không được tìm thấy trên cổng thông tin điện tử hệ thống mạng đấu thầu quốc gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Chủ đầu tư chỉ quản lý ở chân công trình

Để có được thông tin chính xác khách quan trước các dấu hiệu trục lợi từ tiêu thụ khoáng sản (đất san lấp) trái phép của Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng nam Hồng tại dự án trường Tiểu học Vạn Thắng giai đoạn 2, phóng viên đã có buổi làm việc với đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (Ban QLDA ĐTXD) huyện Ba Vì, ông Vũ Việt Cường – Phó giám đốc Ban đã cung cấp thông tin đến Phóng viên.

Về việc sử dụng đất lậu, trái phép để san lấp cho dự án trường Tiểu học Vạn Thắng giai đoạn 2, Đại diện Ban QLDA ĐTXD huyện Ba Vì cho biết: “Chúng tôi không nắm được thông tin về việc sử dụng đất từ mỏ nào, tuy nhiên thì đối với Ban quản lý dự án chúng tôi quản lý trên cơ sở là quản lý trong địa phận dự án, tức là quản lý ở chân công trình. Nguồn đất san lấp hoặc nguyên vật liệu chúng tôi đều quản lý ở tại chân công trình, nhà thầu có cung cấp hóa đơn chứng từ. Trên cơ sở là các thí nghiệm về kiểm định, kiểm tra chất lượng, đối với đất san lấp đảm bảo độ K (hệ số đầm nén chặt) đạt thì chúng tôi cho vào công trình. Về phạm vi quản lý của Ban chỉ có vậy”.

Còn về hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc đất, đại diện Ban QLDA ĐTXD huyện Ba Vì cho biết: “Hóa đơn chứng từ thì họ cũng có hợp đồng mua của bên cung ứng thôi, đối với Ban thì chỉ quản lý hồ sơ đầu vào tại chân công trình thôi. Còn lấy từ đâu thì Ban không kiểm tra được, ngoài phạm vi quản lý của Ban”.

anh 3 bai tieu hoc Van Th

Đối với đất sử dụng tại dự án trường Tiểu học Vạn Thắng giai đoạn 2 đại diện chủ đầu tư khẳng định đã có thí nghiệm đất đảm bảo độ K=90 để san nền.

Khi phóng viên đề nghị cung cấp các hóa đơn chứng từ, hơp đồng cung ứng chứng minh nguồn gốc đất, và các hồ sơ tài liệu liên quan đến dự án. Đại diện Ban cho rằng các hồ sơ này đều đang trong quá trình thực hiện, đang triển khai chưa xong và chỉ có lưu giữ ở công trình nên không cung cấp được bất kỳ hồ sơ tài liệu gì cho phóng viên.

“Quan điểm của ban, một là sẽ kiểm soát vật liệu đất và các vật liệu khác sử dụng tại dự án về tiêu chuẩn kỹ thuật qua các thí nghiệm đạt yêu cầu chất lượng tại chân công trình, hai là giấy tờ đủ điều kiện pháp luật. Ở đây, nguồn gốc có thể là không biết lấy ở đâu nhưng về đến chân công trình lại đủ điều kiện về chất lượng và có cả giấy tờ về nguồn gốc. Góc độ của Ban chỉ giám sát quản lý như thế”, ông Vũ Việt Cường – Phó giám đốc Ban QLDA ĐTXD huyện Ba Vì cho biết thêm.

Theo tìm hiểu, trong dự toán của một dự án đầu tư xây dựng có sử dụng đất để san nền làm mặt bằng thì nguồn gốc đất sẽ được xác định lấy ở đâu, đơn giá như thế nào. Việc sử dụng đất không rõ nguồn gốc vào dự án đầu tư công đồng nghĩa với việc tiếp tay cho “đất tặc” lộng hành. Không chỉ có nguy cơ khiến dự án không đảm bảo chất lượng, mà còn gây thất thoát tài nguyên khoáng sản, lãng phí ngân sách nhà nước.

Dư luận đặt ra câu hỏi, Ban QLDA ĐTXD huyện Ba Vì có đang thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, tiếp tay cho việc tiêu thụ khoáng sản (đất san lấp) từ hoạt động khai thác trái phép? Việc lấy đất san lấp có nguồn gốc trái phép có chênh lệch so với giá dự toán như thế nào? Nhà thầu thi công công trình là Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Nam Hồng đã kê khai báo cáo cung cấp hóa đơn cho Ban QLDA ĐTXD huyện Ba Vì lấy đất san lấp từ điểm mỏ nào? Cần điều tra làm rõ các hóa đơn chứng từ kê khai thuế, phí và hóa đơn mua đất san lấp có được cung cấp đầy đủ và đúng thực tế hay không?

Trước sự việc trên, Tạp chí Kinh tế tập đoàn sẵn sàng hợp tác, cung cấp video hình ảnh tư liệu ghi nhận cụ thể đối với các xe tải gắn logo Công ty CP Ba Vì mang biển số 29H - 735.01 ; 29H – 751.51 ; 29H – 185.40  ;29H - 476.32  cho cơ quan Công an để điều tra làm rõ các sai phạm. Các video đều thể hiện rõ và chính xác về thời gian, tên logo, rõ biển số, thậm chí là cả lái xe, đủ để cơ quan chức năng làm căn cứ xử lý.

Đề nghị  UBND thành phố Hà Nội, UBND huyện Ba Vì, Công an huyện Ba Vì chỉ đạo cơ quan chức năng sớm vào cuộc làm rõ, xử lý nghiêm minh dứt điểm, không để tình trạng sai phạm hoặc trục lợi về kinh tế, tiếp tay cho “đất tặc”, rút ruột công trình, tạo dư luận không tốt trong nhân dân.

Tạp chí Kinh tế tập đoàn sẽ tiếp tục thông tin!

Bạn nghĩ sao?