Trong văn bản số 1046//UBND-TNMT ngày 24/6/2021 của UBND huyện Thanh Thủy về việc cung cấp thông tin trả lời phóng viên Tạp chí Kinh tế tập đoàn cho biết. UBND huyện Thanh Thủy nhận được Giấy Giới thiệu đến xác minh thông tin về tình trạng khai thác đất, khoáng sản tại khu 19, xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ.
Sau khi xem xét nội dung phóng viên đề nghị, UBND huyện Thanh Thủy có ý kiến trả lời như sau: Trên địa bàn khu 19, xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy có 02 đơn vị khai thác khoáng sản cụ thể là Công ty Cổ phần ATA Phú Thọ đang thực hiện khai thác theo giấy phép khai thác số 04/GP-UBND do UBND tỉnh Phú Thọ cấp ngày 23/02/2013. Và Công ty TNHH SX&TM Đại Phát (Công ty Đại Phát) đang thực hiện đóng cửa mỏ theo đề án đã được UBND tỉnh Phú Thọ phê duyệt tại Quyết định số 3241/QĐ-UBND ngày 11/12/2020; thời hạn đóng cửa mỏ là 24 tháng, kể từ ngày ký quyết định phê duyệt đề án đóng cửa mỏ.
Về việc công ty Đại Phát mang đất đi tiêu thụ trái phép, công văn trả lời của UBND huyện Thanh Thủy cho biết: “Theo quyết định phê duyệt đề án đóng cửa mỏ đã được UBND tỉnh Phú Thọ phê duyệt, Công ty Đại Phát tự chịu trách nhiệm thực hiện khối lượng công việc theo nội dung đề án. Trong quá trình thực hiện, các cơ quan chức năng của huyện và xã đã phát hiện công ty Đại Phát vận chuyển đất ra khỏi khu vực mỏ. Ngày 27/05/2021, ngay sau khi phát hiện, UBND xã Đào Xá đã lập biên bản và yêu cầu Công ty Đại Phát dừng việc vận chuyển đất ra khỏi mỏ. Hiện công ty đã chấp hành, không tiếp tục vận chuyển đất ra khỏi khu vực mỏ khi chưa được cơ quan chức năng có thẩm quyền cho phép”.
Về việc công ty Đại Phát có thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế Bảo vệ môi trường đối với việc khai thác vận chuyển đất ra khỏi khu vực mỏ. Công văn trả lời của UBND huyện Thanh Thủy cho biết: “Về việc này UBND huyện Thanh Thủy đang chỉ đạo cơ quan chức năng điều tra làm rõ”.
Về mặt quản lý giám sát hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn, “UBND huyện Thanh thủy thường xuyên ban hành các văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn. Theo đó UBND huyện giao Công an huyện chủ trì phối hợp với UBND các xã, thị trấn và các cơ quan có liên quan tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản”.
Trước đó, như đã thông tin trong bài viết “Thanh Thủy – Phú Thọ: Lợi dụng đề án đóng cửa mỏ, doanh nghiệp xẻ núi bán đất san lấp?” phản ánh việc Công ty Đại Phát lại ngang nhiên cho khai thác đất để bán và thu lợi bất chính. Dù ngày 27/5/2021, UBND xã Đào Xá đã lập biên bản yêu cầu dừng ngay việc vận chuyển đất ra khỏi dự án. Tuy nhiên, việc lập biên bản dường như chỉ là phản ứng “để cho có” này của phía chính quyền địa phương, công ty Đại Phát đã không chấp hành mà còn cho rằng mình đang thực hiện đúng theo đề án đã được phê duyệt. Cụ thể, trong biên bản của UBND xã Đào Xá cũng thể hiện ý kiến của đại diện công ty Đại Phát rằng: “Việc vận chuyển đất đá ra ngoài phạm vi mỏ công ty thực hiện theo đúng theo đề án đã được phê duyệt”. Với lời biện minh rằng số đất đã chuyển đi bán là “đất thải, đất không có giá trị sử dụng”.
Phải đến ngày 3/6/2021, sau khi có phản ánh của báo chí, công ty này mới chịu tạm dừng việc vận chuyển, bán đất. Công văn trả lời của UBND huyện Thanh Thủy cũng xác nhận việc chuyển đất ra khỏi dự án là chưa được cho phép. Tuy nhiên theo cách trả lời của UBND huyện Thanh Thủy thì việc truy trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan hoặc truy thu phí đối với số khoáng sản đã bị thất thoát có lẽ là điều khó có thể xảy ra.
Một dự án đóng cửa mỏ nhưng lại bán đất, đã bị lập biên bản đình chỉ và huyện Thanh Thủy có nắm được thực trạng. Vậy tại sao không có biện pháp xử lý, ngăn chặn sai phạm tiếp diễn? Trách nhiệm này thuộc Chủ tịch UBND huyện, không lẽ ông Dương Quốc Lâm – Chủ tịch UBND huyện thanh Thủy cũng đành “bó tay” trước cái cách trả lời của đại diện công ty Đại Phát? Dư luận có quyền đặt ra câu hỏi UBND huyện Thanh Thủy có đang cố tình làm ngơ, buông lỏng quản lý cho công ty Đại Phát lợi dụng đề án đóng cửa mỏ để bán đất trái phép? Việc không nhắc đến bất cứ biện pháp, xử lý hay khắc phục sai phạm đối với công ty Đại Phát, vậy Chủ tịch UBND huyện Thanh Thủy đã thực hiện hết trách nhiệm của mình hay chưa?
Dù lãnh đạo công ty Đại Phát liên tục khẳng định đất vận chuyển đi ra khỏi mỏ là đất không có giá trị sử dụng, không đủ độ K (hệ số đầm nén chặt) để làm đất san lấp, san nền. Tuy nhiên theo hình ảnh, video ghi nhận thực tế của phóng viên khi “bám đuôi” các xe tải gắn logo Công ty CP Ba Vì lấy đất tại dự án đóng cửa mỏ của công ty Đại Phát mang biển số: 29H - 735.01 ; 29H – 751.51 ; 29H – 185.40 ;29H - 476.32 ,… lại liên tục chở đất đến san nền cho dự án đầu tư công do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Ba Vì làm đại diện chủ đầu tư. Cụ thể là dự án xây dựng trường Tiểu học Vạn Thắng giai đoạn 2 (xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì, TP Hà Nội). Số đất từ thải được san lấp cho gói thầu số 06 toàn bộ phần xây dựng dự án trường Tiểu học Vạn Thắng giai đoạn 2 do Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Nam Hồng làm đơn vị thi công.
Tạp chí Kinh tế tập đoàn sẽ tiếp tục thông tin!
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- Thông điệp gửi mẹ qua chiếc chong chóng tuổi thơ
- Tập đoàn Geleximco và những dự án nhà ở ghi dấu ấn
- Tập đoàn BRG lần thứ 3 liên tiếp được vinh danh tại giải thưởng BCI Asia Awards 2022
- Những “chuyến tàu trở về tuổi thơ” xuất phát tại công viên xanh lớn nhất miền Bắc
- Sổ tiết kiệm HDBank trị giá 300 triệu đồng đã tìm được chủ nhân
- Dịp nghỉ Lễ 30/4 - 1/5, giá vé tăng, hàng không và đường sắt dự kiến tăng chuyến