Linh Nguyễn - 08:54 - 01/05/2021
 
Theo bà Trương Thị Nhi - Chủ tịch Hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam, tình trạng biến tướng mô hình bất chính, tiềm ẩn hành vi có tính chất lừa đảo núp bóng loại hình kinh doanh theo phương thức đa cấp đang diễn biến rất phức tạp. Các đối tượng với nhiều thủ đoạn tinh vi, đánh vào lòng tham và sự thiếu hiểu biết của nhiều người, đã lôi kéo được nhiều thành phần, nhất là các bạn trẻ gia nhập vào mạng lưới đa cấp phi pháp.

Vừa qua, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng phối hợp với báo điện tử VTC News tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Toàn cảnh ngành bán hàng đa cấp tại Việt Nam”.

Tham dự hội thảo có ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương); bà Trương Thị Nhi, Chủ tịch Hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam; PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính); Ông Võ Đan Mạch- Chánh văn phòng, Ông Phạm Văn Cao - Phó trưởng Phòng Điều tra và xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh, Ông Nguyễn Phương Sơn - Trưởng ban Đối ngoại và Truyền thông Hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam.

Lừa đảo tài chính đội lốt bán hàng đa cấp

Theo ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, bán hàng đa cấp là một ngành được thế giới công nhận và được điều chỉnh chặt chẽ bởi pháp luật Việt Nam. Mục tiêu của bán hàng đa cấp là đưa hàng hóa từ nhà sản xuất trực tiếp đến tay người tiêu dùng nhằm thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng của thị trường. Tuy nhiên với hoạt động bán hàng đa cấp, việc tiếp thị bán hàng được thực hiện bằng truyền miệng, không thực hiện các hình thức quảng cáo, marketing như bán hàng truyền thống.

Ông Tuấn khẳng định, các doanh nghiệp bán hàng đa cấp chỉ được kinh doanh đối với mặt hàng hàng hóa, phải đăng ký hợp pháp (đáp ứng đủ các điều kiện hoạt động) với Bộ Công Thương và chịu sự giám sát của các cơ quan chức năng trong quá trình hoạt động. Các hoạt động kinh doanh đa cấp bị cấm bao gồm: Dịch vụ, hàng hóa nhưng không có giấy chứng nhận do Bộ Công Thương cấp; các hình thức lợi dụng mô hình đa cấp khác không phải là mua bán hàng hóa như tiền ảo, huy động vốn dự án, thương mại điện tử…

Da cap 1

Tọa đàm trực tuyến “Toàn cảnh ngành bán hàng đa cấp tại Việt Nam”

Các doanh nghiệp bán hàng đa cấp chính thống ở Việt Nam đã tồn tại, phát triển trong gần 20 năm qua và đến nay ngành bán hàng đa cấp đã cơ bản được định hình, hoạt động trong quy củ, dưới sự quản lý chặt chẽ của nhà nước. Tính đến hết năm 2020, có 22 doanh nghiệp tại Việt Nam được cấp giấy chứng nhận hoạt động bán hàng đa cấp hoạt động hợp pháp, đạt doanh thu hơn 15.400 tỷ đồng năm 2020 với tổng số lượng người tham gia hơn 800.000 người. Tổng số thuế các doanh nghiệp đã nộp về ngân sách nhà nước đạt hơn 1.800 tỷ đồng.Số người tham gia vào ngành hàng đa cấp ghi nhận sự sụt giảm tới 36% so với năm 2018. Tuy nhiên, hiện nay những mô hình đa cấp biến tướng, lợi dụng hình thức kinh doanh theo phương thức đa cấp để thu hút đầu tư, hoạt động bất hợp pháp lại mọc lên “nhanh như nấm”. Có thể kể đến như hệ thống Gold Time Coffee, dự án “OWIFI”, My Aladin…; các mô hình đầu tư tài chính, ngoại hối như Lion Group, Liber Forex...

Các chuyên gia kinh tế cho rằng hoạt động kinh doanh đa cấp hợp pháp có thể mang lại thu nhập và cơ hội thành công cho nhiều người, song người dân cần tỉnh táo phân biệt mô hình kinh doanh đa cấp chính thống và kinh doanh đa cấp bất chính để có nhận thức đúng đắn, tránh các rủi ro không đáng có cả về tài sản và pháp lý.Thực tế cho thấy, những năm qua đã có nhiều người tham gia bán hàng đa cấp và thành công, có thu nhập cao song cũng có một số người dân chưa hiểu rõ về bán hàng đa cấp, bị dẫn dụ tham gia vào các hình thức đa cấp biến tướng, chịu tổn thất về sức khoẻ và tiền bạc.

Theo bà Trương Thị Nhi - Chủ tịch Hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam, tình trạng biến tướng mô hình bất chính, tiềm ẩn hành vi có tính chất lừa đảo núp bóng loại hình kinh doanh theo phương thức đa cấp đang diễn biến rất phức tạp. Các đối tượng với nhiều thủ đoạn tinh vi, đánh vào lòng tham và sự thiếu hiểu biết của nhiều người, đã lôi kéo được nhiều thành phần, nhất là các bạn trẻ gia nhập vào mạng lưới đa cấp phi pháp. “Những vụ việc này không chỉ gây mất an toàn trật tự xã hội mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của ngành kinh doanh đa cấp được pháp luật điều chỉnh và bảo vệ tại Việt Nam cũng như trên thế giới” - bà Nhi nói.

Ông Trịnh Anh Tuấn khuyến cáo người tiêu dùng cần xác định được 4 biểu hiện chính của đa cấp biến tướng: Không có giấy chứng nhận kinh doanh bán hàng đa cấp; sử dụng mô hình bán hàng đa cấp để huy động vốn, tiền ảo; không có hàng hóa hoặc hàng hóa chỉ là công cụ để lôi kéo người tham gia; nói quá thông tin về cơ hội làm giàu, khởi nghiệp để dụ dỗ người khác tham gia.

doanh-thu-da-cap-tang_kymc

4 biểu hiện chính của đa cấp biến tướng: Không có giấy chứng nhận kinh doanh bán hàng đa cấp; sử dụng mô hình bán hàng đa cấp để huy động vốn, tiền ảo; không có hàng hóa hoặc hàng hóa chỉ là công cụ để lôi kéo người tham gia; nói quá thông tin về cơ hội làm giàu, khởi nghiệp để dụ dỗ người khác tham gia. 

Những doanh nghiệp này thường yêu cầu người tham gia thực hiện các hoạt động như: mua hàng, đặt cọc, nộp tiền mới tham gia; trả hoa hồng cho việc tuyển dụng; thông tin gian dối về hoa hồng tiền thưởng, sản phẩm; duy trì nhiều hơn 1 mã số đối với 1 người tham gia; từ chối quyền lợi của người tham gia; mua bán, chuyển giao mạng lưới người tham gia; tổ chức các trung gian thương mại phục vụ cho việc duy trì, mở rộng, phát triển mạng lưới,…

Tạo môi trường kinh doanh đa cấp lành mạnh

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), tiềm năng của kinh doanh đa cấp tại Việt Nam là rất lạc quan, với dân số Việt Nam gần 100 triệu dân, đời sống của người dân luôn được cải thiện, xu nhập có xu hướng tăng, đặc biệt tầng lớp trung lưu. Do vậy dư địa của kinh doanh đa cấp còn rất lớn. Doanh nghiệp cũng có nhiều thuận lợi khi tham gia kinh doanh đa cấp như được pháp luật thừa nhận; không mất chi phí đầu tư, không cần mặt bằng, không cần ôm hàng, không áp lực về doanh số, không ràng buộc về thời gian. Doanh nghiệp cũng có thể tham gia dễ dàng, không phân biệt trình độ học vấn, nơi đang sống và cũng có thể tạo ra một kênh kiếm tiền tự động.

Để tạo môi trường kinh doanh đa cấp lành mạnh, bà Trương Thị Nhi khuyến cáo, các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp chân chính cần chủ động công tác tuyên truyền và phối hợp với hiệp hội để tuyên truyền cho người tham gia và người tiêu dùng phân biệt rõ các quy định pháp luật và các mô hình biểu hiện bất chính. Xây dựng kế hoạch phân phối và đào tạo người tham gia một cách chuyên nghiệp và có biện pháp triển khai giám sát một cách chặt chẽ. Có sự đầu tư xây dựng hệ thống cảnh báo để kịp thời thông tin và phát hiện các trường hợp sai phạm, các cá nhân bất tuân gây ảnh hưởng đến bản chất và giá trị của ngành BHĐC. Từ đó kiến nghị và phối hợp với cơ quan chức năng xem xét xử lý đảm bảo hành lang pháp lý minh bạch, nghiêm túc…

Đồng quan điểm, ông Trịnh Anh Tuấn nhìn nhận, trước hết doanh nghiệp đa cấp chân chính phải bảo vệ chính mình bằng việc đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh sản phẩm đến tay người tiêu dùng, chứ không phải chỉ tiêu thụ trong hệ thống. Đồng thời, quản lý chặt chẽ các hoạt động, tăng cường đào tạo để nhà phân phối kinh doanh đúng pháp luật. Giám sát, theo dõi thị trường, thông tin những bất thường của thị trường tới Bộ để xử lý kịp thời.

Về phía cơ quan quản lý, ông Tuấn cho biết, thời gian tới Bộ sẽ hoàn thiện hệ thống pháp luật, sửa Nghị định 40 về hoạt động kinh doanh đa cấp. Tăng cường phối hợp xử lý các doanh nghiệp kinh doanh không đúng các quy luật pháp luật. Song song, các cơ quan truyền thông cũng cần tăng cường cung cấp thông tin để người dân nhận biết được doanh nghiệp kinh doanh chân chính.

Bạn nghĩ sao?