Triệu Hồ -
 
Nhóm thủ tục hành chính về thuế vẫn tiếp tục là nhóm dẫn đầu với điểm số cao, mức phí tuân thủ thấp và cũng đứng đầu về mức độ cải thiện trong số 9 nhóm thủ tục được khảo sát.

Ngành Thuế đã triển khai mạnh mẽ các dự án ứng dụng công nghệ thông tin trong thu nộp thuế, nhằm cải cách thủ tục hành chính giảm thời gian chi phí và tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp.

Theo Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2020 (APCI 2020) vừa được Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ công bố, nhóm thủ tục hành chính về thuế vẫn tiếp tục là nhóm dẫn đầu với điểm số cao, mức phí tuân thủ thấp và cũng đứng đầu về mức độ cải thiện trong số 9 nhóm thủ tục được khảo sát. So sánh kết quả APCI trong ba năm (2018, 2019 và 2020) cho thấy, kết quả APCI 2020 nhìn chung tốt hơn hai năm trước. Trong số 9 nhóm thủ tục hành chính (TTHC) được đánh giá, nhóm TTHC về thuế vẫn tiếp tục là nhóm TTHC dẫn đầu với điểm số cao, và mức phí tuân thủ thấp.

Trong 5 năm qua, ngành Thuế đã tập trung quyết liệt thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC) về thuế và luôn lấy doanh nghiệp, người nộp thuế (NNT) làm trung tâm, là động lực trong việc thực hiện cải cách. Có thể nói cải cách TTHC là cả một quá trình và cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp: từ cải cách về thể chế; tổ chức quản lý và không thể thiếu đó là việc đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý thuế.

Cải cách thủ tục hành chính là một trong những yêu cầu quan trọng trong quá trình xây dựng thể chế của ngành thuế nhằm tạo thuận lợi và tăng hiệu quả quản lý, giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp và người nộp thuế.

thu tuc thue

 Cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp

Hiện nay, cùng với việc nâng cao ứng dụng công nghê thông tin, tinh giảm bộ máy nhân lực, ngành thuế còn phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đạt mục tiêu trên.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, trong thời gian qua, ngành thuế đã triển khai mạnh mẽ các dự án ứng dụng công nghệ thông tin trong thu nộp thuế, nhằm cải cách thủ tục hành chính giảm thời gian chi phí và tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp khi làm các thủ tục về thuế.

Theo kết quả cụ thể, so sánh điểm APCI 2020 với điểm APCI 2019 cho thấy có 4 trong số 9 nhóm TTHC có cải thiện. Số liệu này phản ánh thực tế trải nghiệm của các doanh nghiệp (DN) đối với kết quả cải cách TTHC của Chính phủ và các địa phương trên toàn quốc nói chung để giảm chi phí tuân thủ trong thời gian qua.

Đứng đầu mức độ cải thiện là nhóm TTHC thuế, tăng 5,6 điểm so với năm 2019. Sự cải thiện của nhóm thuế có được là do có sự giảm lớn tất cả các chi phí thành phần là chi phí thời gian và chi phí trực tiếp. Khảo sát cho thấy thành công về cải thiện của nhóm này là nhờ vào việc áp dụng việc xử lý TTHC trên môi trường điện tử và thay đổi phương thức quản lý nhà nước từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” liên tục được duy trì và cải thiện trong những năm gần đây.

Nhóm TTHC thuế khảo sát trong năm 2020 bao gồm 3 TTHC là: hoàn thành nghĩa vụ trước khi giải thể đối với DN; khai quyết toán thuế thu nhập DN; khai thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo phương pháp khấu trừ. Điểm APCI của nhóm TTHC thuế đạt 94,7 điểm, chỉ cách 5,3 điểm so với thực tiễn tốt nhất (100 điểm). Với tổng chi phí tuân thủ trung bình là 0,27 triệu đồng/TTHC, nhóm TTHC thuế nằm trong nhóm có chi phí tuân thủ thấp.

Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, tính đến tháng 11 năm 2019, có 99,9% DN kê khai thuế điện tử; 99,6% DN nộp thuế điện tử, 93,6% DN hoàn thuế điện tử trên toàn quốc. Khảo sát APCI 2020 cho thấy để thực hiện các TTHC trong nhóm thuế, trung bình mỗi DN phải bỏ ra 3,8 giờ và 11,6 nghìn đồng chi phí trực tiếp. Tỷ lệ DN sử dụng dịch vụ trung gian trọn gói thấp, khoảng 5% với chi phí trung bình 500 nghìn đồng/TTHC.

Hầu hết các trường hợp thực hiện nhóm TTHC thuế đều không phát sinh chi phí trực tiếp. Đặc biệt, 100% DN được khảo sát đều khẳng định không phải chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ cơ quan nhà nước khi thực hiện các thủ tục Khai quyết toán thuế thu nhập DN, Khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ và Hoàn thành nghĩa vụ trước khi giải thể với DN.

Với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp ngành Thuế đáp ứng được yêu cầu quản lý thuế hiện đại, phục vụ tốt nhất cho người dân, DN. Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, hiện nay, hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% Chi cục Thuế trực thuộc. 99,7% DN đang hoạt động, tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử; 99% DN đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử; 97% DN tham gia, thực hiện thủ tục hoàn thuế điện tử. Việc triển khai những dịch vụ thuế điện tử đã giúp DN giảm thời gian đi lại nộp hồ sơ, nộp tiền thuế; thông tin khai, nộp thuế của DN được lưu trên hệ thống của cơ quan thuế có thể được tra cứu lại dễ dàng giúp giảm chi phí quản lý, DN cũng không phải cung cấp lại thông tin cho cơ quan quản lý đối với những hồ sơ điện tử đã nộp tới cơ quan thuế.

Ngành Thuế cũng phối hợp với các cơ quan đăng ký kinh doanh; đăng ký đất đai, hải quan, cơ quan Công an trao đổi thông tin giúp giảm thời gian xử lý TTHC, mang lại lợi ích thiết thực cho NNT. Bên cạnh đó, với việc ứng dụng CNTT vào công tác quản lý, giúp cán bộ thuế xử lý thông tin ngày càng tốt hơn, tạo thuận lợi cho việc chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, từ đó thời gian giải quyết hồ sơ sẽ được giảm thiểu.

Một nhiệm vụ trọng tâm khác của ngành Thuế trong năm 2021 là cải cách TTHC. Theo đó, ngành Thuế sẽ tập trung thực hiện Chương trình cắt giảm, đơn giản hoá quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025; đồng thời rà soát và đề xuất, kiến nghị cắt giảm, đơn giản hóa ngay những quy định không hợp lý, đang là rào cản gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thuế. Trong đó bao gồm các quy định về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, chế độ báo cáo định kỳ, bảo đảm mục tiêu đến năm 2025 cắt giảm ít nhất 20% quy định, 20% chi phí tuân thủ TTHC.

Đặc biệt, Tổng cục Thuế sẽ thường xuyên tổ chức đối thoại với doanh nghiệp về chính sách và thủ tục hành chính thuế. Từ đó tăng cường kiểm tra việc thực hiện hoạt động kiểm soát TTHC nhằm đánh giá tình hình giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp và kịp thời chấn chỉnh, nâng cao vai trò trách nhiệm của cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết TTHC.

                                                                           

Bạn nghĩ sao?