Triệu Hồ -
 
Mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản đối với nhiều doanh nghiệp khai thác cát trên địa bàn tỉnh. 4 doanh nghiệp đồng thời bị xử phạt với tổng số tiền lên tới hơn 1 tỷ đồng do mỏ khoáng sản hết thời hạn nhưng chưa thực đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định.

Phạt 4 doanh nghiệp không thực hiện đóng cửa mỏ

Ngày 12/7/2021, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản đối với 4 doanh nghiệp có mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường hết thời hạn khai thác nhưng chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ liên quan đến đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định.

Trước đó, vào ngày 28/6/2021, Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tỉnh Thừa Thiên Huế có công văn số 135/BC-STNMT-TTr về việc thực hiện liên quan đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường. Qua rà soát của Sở TNMT, đến nay trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 10 mỏ khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (cát, sỏi và đất làm vật liệu san lấp) của 10 doanh nghiệp đã hết thời hạn khai thác. Tuy nhiên, đến nay các doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ liên quan đến đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định của Luật Khoáng sản.

Sở TNMT Thừa Thiên Huế đã mời làm việc với 10 doanh nghiệp nói trên nhưng chỉ có 7 đơn vị đến làm việc theo giấy mời, 2 doanh nghiệp không đến làm việc và không có lý do (Công ty TNHH MTV Châu Thành Phát (Thừa Thiên Huế) và Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Hồng Phát (Hà Nội). Riêng giám đốc Công ty TNHH MTV Xây dựng giao thông Tuấn Hải đang ở tỉnh Nghệ An, chưa thể về Huế để làm việc vì phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Qua làm việc, có 1 doanh nghiệp là Công ty TNHH Xây dựng Bảo Thái (Thừa Thiên Huế) còn trong thời hạn thực hiện các nghĩa vụ liên quan đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường.

HUE

Ảnh minh họa

Trên cơ sở buổi làm việc, Sở TNMT tỉnh Thừa Thiên Huế đã lập biên bản vi phạm, kiến nghị lãnh đạo UBND tỉnh xử phạt 6 doanh nghiệp, gồm: Doanh nghiệp tư nhân Tuyết Liêm (TP Huế), Doanh nghiệp tư nhân Phú Vĩnh (TP Huế), Công ty TNHH Lộc Lợi, Công ty TNHH MTV Dịch vụ Xây dựng Long Phụng, Công ty CP Xây dựng 939 và Công Ty Cổ Phần Đầu Tư Và Xây Dựng Việt Long.

Tuy nhiên, theo ông Lê Bá Phúc – Giám đốc Sở TNMT tỉnh Thừa Thiên Huế, 2 doanh nghiệp Tuyết Liêm và Phú Vĩnh đã có đơn kiến nghị nên UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đang xem xét, rà soát lại. Với 4 doanh nghiệp còn lại, lãnh đạo UBND tỉnh đã ban hành quyết định xử phạt. Các quyết định được ban hành ngày 12/7/2021, do ông Phan Quý Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ký ban hành.

Trong số 4 doanh nghiệp bị xử phạt lần này, Công Ty Cổ Phần Đầu Tư Và Xây Dựng Việt Long (Công ty Việt Long) có trụ sở tại huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế bị xử phạt cao nhất, với số tiền 575 triệu đồng và bị thu hồi số tiền thu bất hợp pháp 141,428 triệu đồng.

Cụ thể, theo báo cáo của Sở TNMT tỉnh Thừa Thiên Huế, qua kiểm tra, đơn vị phát hiện mỏ khoáng sản của Công ty Việt Long tại đồi Kiền Kiền (xã Phong Thu, huyện Phong Điền) đã quá thời hạn từ 12 tháng trở lên kể từ ngày Giấy phép khai thác khoáng sản hết hiệu lực nhưng không nộp hồ sơ đề nghị đóng cửa mỏ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định. Bên cạnh đó, trong quá trình khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; Công ty Việt Long không bổ nhiệm giám đốc điều hành mỏ; không thực hiện việc cắm mốc các điểm khép góc khu vực được phép khai thác khoáng sản đối với trường hợp Giấy phép khoáng sản do UBND cấp tỉnh cấp; không lập bản đồ hiện trạng mỏ, mặt cắt hiện trạng khu vực được phép khai thác khoáng sản; không báo cáo kết quả giám sát chất thải định kỳ trong trường hợp Báo cáo Đánh giá tác động môi trường do Sở TNMT phê duyệt.

Ngoài ra, Công ty Việt Long không thuê đất trong hoạt động khai thác khoáng sản được xác định là hành vi chiếm đất. Loại đất chiếm là đất rừng sản xuất khu vực nông thôn với diện tích 2,5 ha (hecta) tại đồi Kiền Kiền, xã Phong Thu, huyện Phong Điền. Do đó, ngoài mức phạt tiền theo quy định, Công ty Việt Long còn bị buộc khắc phục hậu quả, nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do hành vi vi phạm.

Cùng với Công ty Việt Long, UBND tỉnh Thừa thiên Huế cũng đã ra quyết định xử phạt đối với 3 công ty khác. Theo quyết định xử phạt số 1687/QĐ-XPVPHC, ngày 12/7/2021, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã xử phạt Công ty TNHH Lộc Lợi (trụ sở tại xã Lộc Sơn, Phú Lộc) số tiền 140 triệu đồng. Công ty TNHH MTV Dịch vụ Xây dựng Long Phụng (xã Lộc Bổn, Phú Lộc) số tiền 120 triệu đồng; Công ty CP Xây dựng 939 (phường Trường An, TP Huế) số tiền 140 triệu đồng. Các doanh nghiệp này đều bị xử phạt hành chính do không nộp hồ sơ đóng cửa mỏ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền sau sau khi Giấy phép khai thác khoáng sản hết thời hạn. Tổng số tiền xử phạt hành chính đối với 4 doanh nghiệp nói trên là 975 triệu đồng; cùng số tiền thu lợi bất chính của Công ty Việt Long hơn 141 triệu đồng. Theo các quyết định xử phạt, các doanh nghiệp phải nghiêm chỉnh chấp hành nộp phạt nều không sẽ bị cưỡng chế thực hiện; đồng thời có quyền khởi kiện hành chính theo quy định của pháp luật.

Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm

Theo tìm hiểu, tính đến giữa năm 2019, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ có 3 mỏ cát được cấp giấy phép hoạt động. Trong đó, chỉ có 2 mỏ đủ điều kiện và được đi vào hoạt động đó là mỏ cát, sỏi khu vực Cồn Sen, xã Lộc Hòa (Phú Lộc) của DNTN Xí nghiệp Lâm nghiệp Long Phụng; và mỏ cát, sỏi tại bãi bồi thôn 1 và 2 xã Thượng Quảng (A Lưới) của HTX Niềm tin Trường Sơn. Tuy nhiên cả 2 mỏ cát, sỏi trên đều bị Thanh tra Chính phủ (TTCP) vạch sai phạm, yêu cầu lập hồ sơ xử phạt.

HUE 2

Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm trong hoạt động khai thác cát ở Thừa Thiên Huế

Cụ thể, theo kết luận của TTCP đối với việc khai thác cát sỏi tại tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2014 đến 2018, tại một số mỏ cát ở huyện Phú Lộc và A Lưới hoạt động thăm dò, khai thác cát sỏi, cấp giấy phép khai thác và quản lý sau giấy phép còn chưa được chặt chẽ, chưa đảm bảo trình tự thủ tục theo quy định. Qua kiểm tra việc cấp giấy phép khai thác mỏ cát bãi bởi Cồn Sen, thôn 7, xã Lộc Hòa, huyện Phú Lộc và Mỏ cát Thôn 1 và Thôn 2, xã Hồng Quảng, huyện A Lưới cho thấy việc cấp giấy phép khai thác và quản lý sau giấy phép còn chưa được chặt chẽ, đảm bảo trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Khoảng sản.

Từ đó, TTCP đề nghị lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính Công ty TNHH MTV Dịch vụ xây dựng Long Phụng  và HTX Niềm tin Trường Sơn trong hoạt động khai thác cát, sỏi. Đối với các doanh nghiệp khai thác cát sỏi còn lại yêu cầu đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường theo quy định của Luật Khoáng sản 2010.

Ngoài việc buộc thực hiện đề án đóng cửa mỏ theo đúng quy định, dư luận cho rằng chính quyền địa phương cần có chế tài mạnh hơn nữa để đưa hoạt động khai thác khoáng sản cát sỏi trên địa bàn đi vào nền nếp, tránh thất thoát tài nguyên khoáng sản, thu lợi cho ngân sách Nhà nước. Đồng thời, cần tăng cường kiểm tra giám sát một cách chặt chẽ các doanh nghiệp chấp hành khai thác cát đúng tọa độ, diện tích, mức sâu, trữ lượng, công suất, mục đích khai thác, tránh tình trạng sạt lở đất ven bờ sông, gây bức xúc trong nhân dân.

Bạn nghĩ sao?