Mobile Money không phải là khái niệm mới trên thế giới. Từ năm 2000, khái niệm này đã xuất hiện tại nhiều quốc gia châu Âu và đến cuối năm 2019, đã có khoảng 95 quốc gia và vùng lãnh thổ chấp nhận Mobile Money. Sau gần 20 năm, thế giới đã có hơn 1 tỷ tài khoản di động được đăng ký, giao dịch tiền điện với khối lượng trung bình tương đương với khoảng 1,9 tỷ USD mỗi ngày.
Mobile Money là gì?
Mobile Money (còn được gọi là tiền di động) được hiểu là hình thức thanh toán được thực hiện bằng hoặc thông qua một thiết bị di động và vận hành theo quy định tài chính của mỗi quốc gia. Thay vì thanh toán bằng tiền mặt, séc hoặc thẻ tín dụng, người tiêu dùng có thể sử dụng tài khoản của điện thoại di động để thanh toán cho rất nhiều dịch vụ hàng ngày. Nói một cách đơn giản, Mobile Money đề cập đến các dịch vụ thanh toán kỹ thuật số nhưng không phải như ví điện tử, cũng không cần có tài khoản ngân hàng để đảm bảo giao dịch. Thay vào đó, một nhà cung cấp viễn thông sẽ thực hiện chức năng của ngân hàng.
Khách hàng cá nhân đăng ký và sử dụng dịch vụ Mobile Money phải cung cấp Chứng minh thư nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu có thông tin trùng với thông tin đăng ký số thuê bao di động của khách hàng và được doanh nghiệp thực hiện thí điểm định danh, xác thực theo các quy định của Chính phủ về đăng ký thuê bao di động. Trong đó, số điện thoại thuê bao di động phải có thời gian kích hoạt và sử dụng liên tục trong ít nhất 3 tháng liền kề tính đến thời điểm đăng ký mở và sử dụng dịch vụ Mobile Money. Đặc biệt, mỗi khách hàng chỉ được mở 1 tài khoản Mobile Money tại mỗi doanh nghiệp thực hiện thí điểm.
Mobile Money khác gì ví điện tử?
Về cơ bản, dịch vụ Mobile Money cung cấp cho khách hàng một tài khoản gắn liền với thuê bao di động. Tài khoản này tương tự như tài khoản viễn thông nhưng được phép sử dụng để chuyển tiền, thanh toán dịch vụ, hàng hoá hợp pháp tại Việt Nam.
Khác với các ví điện tử (phải có tài khoản ngân hàng), người dùng không cần phải có tài khoản ngân hàng để sử dụng dịch vụ Mobile Money. Đây là điểm khác biệt lớn nhất so sánh với ví điện tử. Ví điện tử là tài khoản điện tử thường được tích hợp vào ứng dụng điện thoại nhưng yêu cầu phải đảm bảo bằng việc liên kết với một tài khoản ngân hàng. Hạn mức giao dịch hàng tháng bằng tiền di động chỉ 10 triệu đồng trong khi hạn mức của ví điện tử là 100 triệu đồng một tháng.
Ưu điểm vượt trội của hình thức thanh toán Mobile Money là không bị giới hạn về không gian và thời gian. Do đó đối với người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi... nơi các ngân hàng khó khăn trong việc đặt và duy trì phòng giao dịch thì người dân sử dụng Mobile Money sẽ dễ dàng thanh toán các khoản tiền điện, tiền nước, thậm chí có thể dùng cách thức này để thanh toán khi mua đồ ăn ngoài chợ, mua đồ dùng sinh hoạt gia đình. Thuận tiện nhất là người dân chỉ cần thao tác trên điện thoại di động hoặc đến các đại lý, điểm giao dịch gần nhất để thanh toán. Tại những vùng không có Internet hoặc với người dùng điện thoại phổ thông, họ có thể sử dụng tài khoản Mobile Money của mình để thanh toán thông qua tin nhắn SMS. Về lâu dài, dịch vụ này khi được triển khai sẽ góp phần làm thay đổi dần thói quen dùng tiền mặt của người dân Việt Nam.
Mobile Money chỉ được dùng để thanh toán cho các sản phẩm, dịch vụ hợp pháp tại Việt Nam. Dịch vụ này chỉ áp dụng đối với giao dịch nội địa. Không dùng được cho việc thanh toán, chuyển tiền cho các sản phẩm, dịch vụ xuyên biên giới.
Trên thực tế, các nhà mạng như VNPT, Viettel, MobiFone đều rất nóng lòng chờ được thí điểm triển khai Mobile Money. Các nhà mạng lớn đều đã được cấp giấy phép trung gian thanh toán. Cùng với đó là việc chuẩn bị sẵn sàng về hạ tầng để triển khai Mobile Money ngay sau khi được cấp phép. Tại Việt Nam dù tỷ lệ người dùng thẻ tín dụng chưa cao, nhưng mật độ thuê bao di động đạt trên 100%.
Mặt khác, trên 90% giao dịch dưới 100.000 đồng bằng tiền mặt, vì thế Mobile Money hướng tới giao dịch giá trị nhỏ sẽ là giải pháp mạnh mẽ để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Lợi thế của các nhà mạng so với ngân hàng là các điểm bán hàng rộng khắp, riêng Vinaphone - VNPT có tới 100.000 điểm bán hàng. Viettel cũng có thế mạnh mạng lưới rộng khắp cả nước, với hơn 2.600 cửa hàng, bưu cục, hơn 270.000 đại lý/điểm bán hàng...
Sự bùng nổ của Mobile Money tại châu Phi
Mobile Money không phải điều gì mới. Ngay từ trước khi đại dịch xảy ra, các nước châu Phi đã đi tiên phong trong ngành công nghiệp này. Và đại dịch COVID-19 đã đẩy nhanh tốc độ ứng dụng công nghệ Mobile Money một cách đáng kể. Song các chính phủ châu Phi cũng đóng một vai trò lớn: Nhiều nước đã giảm bớt các rào cản đối với việc đăng ký tham gia những dịch vụ này.
Theo một thông kê của tờ Wall Street Journal, gần một nửa trong số 1,04 tỷ tài khoản Mobile Money đã đăng ký trên toàn thế giới là ở châu Phi hạ Sahara. Mobile Money trở nên phổ biến ở các thị trường mới nổi là có lý do. Một nghiên cứu của công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey ước tính rằng, khoảng 2 tỷ cá nhân và 200 triệu doanh nghiệp nhỏ ở các nền kinh tế mới nổi ngày nay thiếu khả năng tiếp cận với các khoản tiết kiệm và tín dụng chính thức.
Cũng trong nghiên cứu đó, McKinsey cho hay việc áp dụng và sử dụng rộng rãi công nghệ tài chính kỹ thuật số có thể làm tăng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của tất cả các nền kinh tế mới nổi thêm 6% hay tổng cộng 3.700 tỷ USD vào năm 2025. Điều này tương đương với việc thế giới có thêm một nền kinh tế quy mô như Đức. Ví dụ được đưa ra là ở Rwanda. Trước khi các lệnh phong tỏa để phòng dịch được áp đặt, Ngân hàng trung ương Rwanda đã chỉ thị cho các hãng viễn thông nới lỏng các hạn chế.
Kết quả là số giao dịch lượng chuyển tiền thông qua dịch vụ Mobile Money tăng gấp đôi trong tuần sau khi lệnh phong tỏa được áp dụng vào tháng 3/2020. Đến cuối tháng Tư cùng năm, đã có khoảng 3 triệu giao dịch được thực hiện ở Rwanda mỗi tuần, tăng gấp năm lần so với mức trước đại dịch.
Theo sau Rwanda, các chính phủ khác tại châu Phi, từ Kenya đến Zambia, đã nới lỏng các hạn chế và miễn phí giao dịch cho các dịch vụ Mobile Money. Song giới phân tích cũng lưu ý rằng dù COVID-19 có thể đã đóng vai trò như một chất xúc tác để tăng cường ứng dụng Mobile Money, đại dịch cũng để nhiều tác động tài chính bất lợi.
Như tờ Economist cho biết: “Cuộc khủng hoảng cũng khiến người dân trở nên nghèo hơn. Tại Kenya, nơi Mobile Money đã có một vị thế vững vàng, ngân hàng trung ương báo cáo số lượng giao dịch hàng ngày tuy có tăng 10% nhưng tổng giá trị giao dịch lại giảm 5%. Dù vậy, Economist cũng lưu ý rằng những tác động này chỉ là tạm thời. Tờ báo nhấn mạnh những thói quen được hình thành trong một cuộc khủng hoảng đôi khi có thể tồn tại lâu dài.
Giới quan sát cho rằng vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển lĩnh vực Mobile Money tại châu Phi. Theo Wall Street Journal, hiện mới chỉ 45% dân số châu Phi có điện thoại di động, so với con số hơn 80% ở châu Âu. Giờ đây, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông đã có thể tiếp cận và khai thác lượng người tiêu dùng lớn hơn, sân chơi sẽ mở ra cho các sản phẩm tài chính khác, chẳng hạn như các ưu đãi tiết kiệm và cho vay. Sự giàu có đến từ các nguồn tài nguyên được tạo ra bởi những cơ sở hạ tầng kỹ thuật số này là không thể phủ nhận. Và cuộc đua để khai thác tốt nhất những nguồn tài nguyên này đã bắt đầu nóng lên ở Châu Phi.
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- Meey Land – doanh nghiệp đổi mới sáng tạo nhận giải thưởng “TOP Công nghiệp 4.0 Việt Nam”
- CEO Apple: Luật chống độc quyền gây tổn hại quyền riêng tư người dùng
- Thứ trưởng Bộ TT&TT: Trong hai năm tới sẽ phủ sóng 95% dân số bằng hạ tầng 5G
- Hộ chiếu vaccine được cấp từ ngày 15/4
- Cấy máy phá rung tự động cứu bệnh nhân bị ngưng tim ngưng thở do hội chứng Brugada
- Trung Quốc phát triển vaccine bảo vệ kép trước COVID-19 và bệnh cúm