Sau Tết Âm lịch, tại nhiều tỉnh thành, giá đất liên tục đạt đỉnh. Mức giá tăng mạnh chỉ sau 1 – 2 tháng. Thời điểm đó, các Bộ ngành và lãnh đạo các địa phương đã liên tục thực thi các giải pháp để bình ổn cơn sốt đất, như tạm dừng tách thửa, dừng chuyển nhượng đất nông nghiệp thành đất ở, kiểm tra pháp lý của các dự án. Cộng với ảnh hưởng từ dịch COVID-19 bùng phát, giá đất nền tại một số nơi đã hạ nhiệt nhanh chóng.
Ở khu vực phía Bắc, các tỉnh như Bắc Ninh, Bắc Giang và một số huyện ngoại thành Hà Nội đã trở thành tâm điểm của cơn sốt đất hồi đầu năm.
Đầu năm 2021, trước thông tin Bắc Ninh trở thành đô thị loại 1 và thị xã Từ Sơn trở thành TP Từ Sơn trực thuộc tỉnh đã tác động mạnh đến giá một số dự án đất nền.
Khảo sát tại một số sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn tỉnh cho thấy, đầu năm 2021, mức giá trung bình của các dự án địa ốc tại Bắc Ninh tăng từ 20 - 30% so với thời điểm cuối năm 2020. Đáng chú ý, một số sản phẩm như biệt thự, liền kề, shophouse còn tăng giá lên tới hàng trăm triệu đồng/m2.
Tại huyện Yên Phong (Bắc Ninh), giá của một số dự án cũng dao động từ 20 - 30 triệu đồng/m2. Tại khu vực Quế Võ (Bắc Ninh), các điểm gần khu công nghiệp, hoạt động giao dịch diễn ra rất sôi động với mức giá từ 27 - 35 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, thị trường bất động sản Bắc Ninh đang ghi nhận làn sóng bán tháo và sự sụt giảm của giá đất. Theo ông Đỗ Huy, một nhà đầu tư Bắc Ninh tiết lộ, một mảnh đất tại Từ Sơn (Bắc Ninh) thời điểm đỉnh sốt được mua với mức 6 tỷ nhưng hiện tại cắt lỗ còn 5,5 tỷ vẫn chưa tìm thấy khách. Một số khu vực đều ghi nhận tình trạng cắt lỗ từ 10 - 30% so với thời điểm sốt nóng.
Do giá đất đi xuống nhanh chóng, nhiều trường hợp đặt cọc từ 50 - 100 triệu đồng, nay họ sẵn sàng bỏ cọc, mất khoản tiền này còn hơn là tiếp tục xuống tiền để chịu lỗ bởi giá đất nền nhiều nơi đã giảm quá sâu mà không có người giao dịch.
Ông Phạm Đức Toàn - Giám đốc Sàn Giao dịch bất động sản EZ Land cho biết, "Lượng giao dịch sụt giảm và giá bán cũng tương tự. Một số nhà đầu tư hiện đã bỏ cọc chấp nhận mất tiền cọc".
Tại các tỉnh phía Nam cũng diễn ra tình trạng tương tự. Khu vực Thành phố Thủ Đức hiện nay mặt bằng giá bán vẫn rất cao từ sau cơn sốt thành lập thành phố mới. Tuy nhiên, kể từ sau khi đại dịch bùng phát đợt mới đây và kéo dài tình trạng giãn cách xã hội, trên các kênh giao dịch bất động sản bắt đầu có những nhà đầu tư đăng thông tin bán chung cư hay nhà phố dự án với mức giá giảm nhiều hơn so với đầu năm.
Chị Lan Anh - nhân viên môi giới cho biết, trước đây, mức giá cho một căn nhà phố thuộc các dự án ở khu vực Cát Lái như Phố Đông Village, Khu dân cư Kiến Á,… có mức giá bán vào khoảng 9 - 10 tỉ đồng một căn có diện tích 100m2. Đây là mức giá đã tăng khoảng 40% so với thời điểm bắt đầu có thông tin thành lập Thành phố Thủ Đức và hầu như không có ai bán. Tuy nhiên, trong khoảng 2 tuần trở lại đây, chị bắt đầu nhận được thông tin gửi bán sản phẩm với mức giá giảm khoảng 400 - 500 triệu đồng một căn tuỳ vị trí.
Tại các dự án chủ đầu tư chuẩn bị bàn giao nhà, nhiều nhà đầu tư căn hộ cũng đang tìm cách “đẩy hàng” để giảm áp lực tài chính. Anh Cường là một nhà đầu tư chuyên các dự án chung cư ở khu vực Thành phố Thủ Đức, hiện nay, một số dự án anh đầu tư đang trong giai đoạn phải nhận nhà. Tính đến hiện tại, anh đã thanh toán cho chủ đầu tư 70% giá trị căn hộ và chỉ còn khoảng 25% nữa là nhận bàn giao nhà. Tuy nhiên, anh chỉ còn cách bán non căn hộ này để thu hồi vốn vì tài chính cạn kiệt.
Nhiều nhà đầu tư trong phân khúc cao cấp cũng đang cảm thấy khó khăn trong bối cảnh dòng tài chính không thể xoay vòng như trước đây. Một nhà đầu tư căn hộ cao cấp cho biết, ông đầu tư một số căn hộ cao cấp khu vực quận 2 trước đây để cho chuyên gia người nước ngoài thuê từ năm 2018. Sau khi dịch liên tiếp bùng phát, các chuyên gia liên tiếp trả nhà vì công việc.
Nguồn thu từ cho thuê nhà sụt giảm mạnh, trong khi đó chi phí lãi vay không giảm khiến gánh nặng tài chính ngày càng lớn. Chính vì vậy, nhà đầu tư này đang phải rao bán một số căn hộ, có căn phải bán bằng giá mua vào để thu hồi vốn, tuy nhiên, mãi vẫn chưa tìm được khách.
Các chuyên gia bất động sản dự đoán, giai đoạn 6 tháng cuối năm nếu thị trường hồi phục, bất động sản nhà ở sẽ là phân khúc sôi động nhất vì nhu cầu thực về nhà ở vẫn là nhu cầu bức thiết của người dân. Song, mức độ hấp thụ của thị trường sẽ không cao bằng những năm trước đây vì người dân mua nhà để ở thường phải sử dụng một phần vốn vay ngân hàng như là vốn chủ sở hữu. Với tình hình hiện tại, khi nhiều người bị hạn chế về thu nhập, mất việc hoặc giảm lương, không có nhiều nguồn tích lũy, sức mua trên thị trường sẽ khiêm tốn hơn so với các năm trước, chủ yếu tập trung vào phân khúc nhà ở có giá trị vừa phải tại các đô thị lớn trên toàn quốc.
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- Trí tuệ nhân tạo “lột xác” ngành bất động sản: Những giải pháp đột phá từ Meey Group
- Chủ tịch Meey Group Hoàng Mai Chung: Dư địa phát triển của proptech còn rất nhiều!
- Khởi công 2 dự án thuộc Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
- T&T Group gia hạn thời gian tham gia cuộc thi sáng tạo ý tưởng, thiết kế ấn phẩm Xuân 2024
- Cư dân T&T DC Complex chính thức nhận bàn giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
- T&T Group hợp tác chiến lược với tập đoàn TOP 10 của Hàn Quốc