Thu Trang - 17:19 - 25/04/2021
 
Tình trạng đầu tư ồ ạt phát triển bất động sản tại một số khu vực khi chưa tìm hiểu kỹ về thông tin quy hoạch tại địa phương, pháp lý của dự án bất động sản, dẫn đến tình trạng sốt đất ảo.

Sáng ngày 16/4 Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức Hội thảo Nhận diện lực đẩy thị trường bất động sản vùng TP.HCM mở rộng năm 2021.

Phát biểu tại hội thảo TS. Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết: “Phát triển TP.HCM thành đô thị đa trung tâm, việc hình thành hệ thống GTVT đồng bộ, hiện đại vẫn tiếp tục được xác định là một trong ba đột phá chiến lược của Văn kiện đại hội Đảng lần thứ XIII. Do vậy, những năm tới việc đầu tư hạ tầng kết nối được đặc biệt chú trọng, đặc biệt đối với khu vực vùng TP.HCM là một trung tâm kinh tế lớn, năng động và nằm tâm điểm của Đông Nam Bộ kết nối với Tây Nam Bộ và thuận lợi trong giao thương quốc tế”.

Mặc dù chỉ chiếm 0,6% diện tích cả nước, dân số 9,2 triệu người nhưng có đóng góp lớn nhất cho sự phát triển kinh tế chung của cả nước. Kinh tế thành phố tăng trưởng khá và ổn định qua các năm, GRDP tăng bình quân đạt 8,3%/năm, quy mô GRDP của TP.HCM năm 2020 ước chiếm 22,8% GDP cả nước và khoảng 48,4% GRDP của Vùng. GRDP bình quân đầu người đến năm 2020 ước đạt 6.799 USD (cả nước ước trên 3.000 USD/người). Thu ngân sách năm 2020 chiếm tỷ trọng lớn nhất cả nước (khoảng 27%).

TPHCM

TPHCM: Nhiều tuyến giao thông huyết mạch ở TP.HCM gây sốt đất

Tuy nhiên, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của TP.HCM và hạ tầng kết nối các tỉnh trong vùng đang quá tải, thiếu đồng bộ trong khi nguồn lực đầu tư cho hạ tầng giao thông chỉ đạt được khoảng 25-27% so với nhu cầu theo các quy hoạch đã được phê duyệt.

Đây là một trong những nguyên nhân tác động trực tiếp làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế trong vùng. Trong các chiến lược, quy hoạch đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 của cả nước nói chung và ngành GTVT nói riêng, vùng TP.HCM tiếp tục được xác định là đầu tàu kinh tế, là trung tâm công nghiệp, cảng biển, hàng không và logistics lớn của cả nước.

Đưa ra những vấn đề còn tồn tại, bất cập về kết nối giao thông liên kết Vùng TP. HCM, ông Mười cho biết theo Quy hoạch các tuyến kết nối TP. HCM với các tỉnh trong Vùng bao gồm 5 trục (QL và cao tốc song hành), hiện nay ngoài trục kết nối với các tỉnh khu vực phía Đông (QL1 và cao tốc Bắc – Nam) được đầu tư cơ bản theo quy hoạch, các trục còn lại hiện chỉ khai thác trên cơ sở hệ thống đường quốc lộ, các dự án đường cao tốc song hành đều chậm triển khai.

Các tuyến vành đai TP. HCM (VĐ2, VĐ3, VĐ4) đều đầu tư chậm, không đảm bảo tiến độ theo quy hoạch, chưa khép kín, đặc biệt là tuyến đường VĐ3 với vai trò giảm tải lưu lượng di chuyển xuyên qua khu vực trung tâm và hỗ trợ kết nối giữa với khu vực Tây Nam Bộ, gây ùn tắc giao thông tại các cửa ngõ và trục kết nối.

Cùng với đó, các tuyến giao thông kết nối tới các cửa khẩu quốc tế đều phụ thuộc vào hệ thống quốc lộ hiện hữu (QL22, QL22B, QL13), không đáp ứng nhu cầu vận tải.

Liên quan đến vấn đề sốt đất ảo tại một số dự án gần các tuyết giao thông huyết mạch, ông Mười cho rằng: “Các thông tin quy hoạch hạ tầng nói chung của các dự án trọng điểm trong vùng TP.HCM, cũng như cả nước đều được công bố công khai trên website và phương tiện thông tin đại chúng. Do đó, các nhà đầu tư nên thận trọng trước thông tin đồn thổi về việc quy hoạch, tạo dư luận để tăng giá đất, gây bất ổn, ảnh hưởng đến an ninh trật tự”.

Thực hiện Luật Quy hoạch, các Bộ, ngành đang lập quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng; các địa phương đang thực hiện quy hoạch tỉnh, đây là thời điểm những năm đầu của một kỳ quy hoạch mới, nhiều ý tưởng về quy hoạch đô thị, quy hoạch hạ tầng đã được đưa ra. Khu vực Vùng TP.HCM điển hình như Thủ Đức, thành phố biển Cần Giờ và nhiều tuyến cao tốc huyết mạch tại TP.HCM được đề xuất gây tình trạng sốt đất cục bộ tại một số khu vực khiến cho giá đất khó kiểm soát trên thị trường, khiến cho các nhà đầu tư có nguy cơ gặp rủi ro cao.

“Ở nước ta, hầu hết những cơn sốt đất gần đây đa phần đều xuất phát từ những thông tin chưa rõ ràng về dự án, quy hoạch. Do đó, trước khi thực hiện đầu tư, các nhà đầu tư cần tìm hiểu thật kỹ thông tin quy hoạch tại địa phương; pháp lý bất động sản; giá trị sử dụng thực của đất. Tình trạng đầu tư vào phát triển bất động sản tại một số tỉnh, trong khi một số tỉnh lại không có dẫn đến tình trạng chưa phù hợp quy hoạch, các nhà đầu tư cần xem xét kĩ quy hoạch trước khi quyết định đầu tư, đặc biệt là các tỉnh lân cận TP.HCM” TS. Nguyễn Đỗ Mười nhận định.

Cấu trúc không gian vùng TP.HCM được quy hoạch gồm tiểu vùng đô thị trung tâm (bao gồm TP.HCM và vùng phụ cận các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai); tiểu vùng phía Đông (bao gồm các tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu); tiểu vùng phía Bắc – Tây Bắc (gồm các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh và phía Bắc tỉnh Bình Dương); tiểu vùng phía Tây Nam (bao gồm tỉnh Tiền Giang và một phần tỉnh Long An).

Tuy nhiên, hiện nay đang có sự phát triển đô thị tập trung chủ yếu tại tiểu vùng phía Đông trong khi các tiểu vùng khác có sức hút đầu tư kém hơn, dẫn đến tình trạng mất cân bằng. Do đó, ngoài việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông kết nối cần có những chính sách thu hút đầu tư phát triển đồng bộ các khu vực trong Vùng TP.HCM đảm bảo thực hiện đúng theo quy hoạch.  

Bạn nghĩ sao?