Đình chỉ phòng khám đa khoa Thu Cúc
Ngày 13/5 vừa qua sở y tế Hà Nội đã ra quyết định đình chỉ hoạt động của Phòng khám Đa khoa quốc tế Thu Cúc để làm rõ việc phòng khám này từ chối tiếp nhận bệnh nhân có yếu tố dịch tễ.
Cụ thể, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh ngày 13/5 đã ký quyết định đình chỉ hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đối với Phòng khám Đa khoa quốc tế Thu Cúc (có địa chỉ tại 216 đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, Hà Nội), trực thuộc Công ty Cổ phần Y khoa và Thẩm mỹ Thu Cúc.
Lý do đình chỉ được Sở Y tế Hà Nội đưa ra là để xác minh và xử lý các thông tin liên quan đến quá trình tiếp nhận, xử lý ca bệnh Covi-19 ghi nhận ngày 12/5. Đồng thời, để đảm bảo công tác an toàn phòng, chống dịch trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh tại phòng khám theo quy định của Bộ Y tế.
Theo quyết định của Sở Y tế Hà Nội, phòng khám này chỉ được phép hoạt động trở lại khi được Sở Y tế cho phép bằng văn bản.
Trước đó, sáng 13/5, Bộ Y tế công bố 2 ca Covid-19 ở Hà Nội là cặp vợ chồng ở Hà Nội có tiền sử đi Đà Nẵng về (BN3633 và BN3634), theo lịch trình dịch tễ, người vợ ngày 9/5 có đến khám sàng lọc tại một cơ sở thuộc Bệnh viện Thu Cúc nhưng bệnh viện không tiếp nhận điều trị, tư vấn đi về.
Đáng chú ý, sau ngày 9/5, 2 vợ chồng này vẫn đi lại, di chuyển nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người cho đến khi phát hiện dương tính SARS-CoV-2.
Ngay sau khi thông tin về lịch trình của 2 ca bệnh này được công bố, dư luận đã rất bức xúc về 2 trường hợp này, đồng thời đặt vấn đề liên quan đến trách nhiệm của Phòng khám Đa khoa quốc tế Thu Cúc đã từ chối khám, tiếp nhận cho bệnh nhân có yếu tố dịch tễ, để rồi những ngày sau đó 2 người này tiếp tục di chuyển nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người, làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
Hệ sinh thái của Thu Cúc JSC
Theo tìm hiểu của phóng viên, Phòng khám Đa khoa quốc tế Thu Cúc thuộc quản lý của công ty Cổ phần Y khoa và Thẩm mỹ Thu Cúc (Thu Cúc JSC) do nữ doanh nhân Nguyễn Thu Cúc (SN 1975) đứng đầu, giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Công ty này được thành lập vào tháng 1/2008, trụ sở đặt tại quận Tây Hồ, Hà Nội, hoạt động chính trong lĩnh vực khám chữa bệnh.
Thời điểm ban đầu, Thu Cúc JSC có số vốn điều lệ là 80 tỷ đồng, cổ đông sáng lập gồm công ty Cổ phần tập đoàn Zinnia, bà Nguyễn Thu Cúc (79%) và Phùng Thị Từ (1,88%). Đến ngày 5/8/2020, vốn điều lệ của công ty này đạt mức 354,7 tỷ đồng, trong đó Aldrin One Pte. Ltd là cổ đông lớn sở hữu 30%.
Trong 4 năm gần đây, kết quả kinh doanh của Thu Cúc JSC tăng trưởng mạnh mẽ về cả doanh thu và lợi nhuận.
Như năm 2016, doanh thu và lợi nhuận của Thu Cúc đạt lần lượt là 278 tỷ đồng và 19,2 tỷ đồng. Năm 2017, doanh thu đạt 363,3 tỷ đồng và lợi nhuận ở mức 20,7 tỷ đồng, tăng lần lượt 30% và 8% so với năm 2016.
Đến năm 2018, doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp này lần lượt đạt 436 tỷ đồng và 31 tỷ đồng, con số tiếp tục tăng lên trong năm sau. Cụ thể năm 2019, doanh thu thuần của Thu Cúc đạt 660 tỷ đồng, tăng 51% so với năm trước, lợi nhuận thuần ở mức 59,8 tỷ đồng, cao gấp đôi so với năm 2018.
Tương ứng với tăng trưởng về kết quả kinh doanh, cơ cấu nguồn vốn của doanh nghiệp này cũng tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây. Cụ thể, cuối năm 2016, tổng tài sản của Thu Cúc đạt 292 tỷ đồng và con số này đến cuối năm 2019 đã ở mức 934 tỷ đồng.
Ngoài hoạt động trong lĩnh vực khám chữa bệnh, nữ doanh nhân Nguyễn Thu Cúc còn nuôi tham vọng ở nhiều lĩnh vực khác.
Trong lĩnh vực hoạt động thẩm mỹ, vào đầu năm 2019, bà Nguyễn Thu Cúc đã thành lập công ty Cổ phần Thẩm mỹ Thu Cúc (Thu Cúc Beauty), bao gồm các bệnh viện phẫu thuật thẩm mỹ, các phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ, các phòng khám da liễu công nghệ cao.
Do mới đi vào hoạt động được 1 năm nên công ty này cũng chưa thực sự đem lại kết quả kinh doanh hiệu quả. Cụ thể, năm 2019, doanh thu thuần của Thu Cúc Beauty đạt 67 tỷ đồng, lỗ thuần ở mức 9 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Thu Cúc Beauty đạt 128,76 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 40,92 tỷ đồng.
Bên cạnh lĩnh vực cốt lõi là y tế, nữ doanh nhân này còn thể hiện sự quan tâm đặc biệt tới mảng ẩm thực. Trong năm 2014, bà đã sáng lập công ty TNHH Dịch vụ Zinnia Việt Nam, trụ sở đặt tại quận Tây Hồ, Hà Nội.
Tại ngày 13/9/2019, vốn điều lệ của Zinnia Việt Nam ở mức 12,5 tỷ đồng, thành phần cổ đông gồm bà Nguyễn Thu Cúc (80%) và Tạ Tất Thành (20%). Giám đốc kiêm người đại diện là ông Hoàng Công Bằng (SN 1981).
Zinnia Việt Nam chính là chủ của 2 chuỗi nhà hàng hạng sang là Chuju Kitchen và Thái Sawasdee nổi tiếng trong làng ẩm thực.
Dẫu vậy, đối với mảng kinh doanh này, kết quả mà Zinnia Việt Nam đem về cho bà Thu Cúc lại không thực sự hiệu quả, thậm chí còn liên tục báo lỗ.
Cụ thể, năm 2016 và 2017, doanh thu thuần của Zinnia Việt Nam lần lượt đạt 6,3 tỷ đồng và 6,2 tỷ đồng; theo sau là mức lỗ thuần lần lượt ở mức 6,3 tỷ đồng và 1,6 tỷ đồng. Sang năm 2018, doanh thu thuần của doanh nghiệp này giảm xuống còn 3,4 tỷ đồng, cùng đó là lỗ thuần ở mức 3,4 tỷ đồng. Đến năm 2019 Zinnia Việt Nam còn không phát sinh doanh thu và lợi nhuận.
Bên cạnh đó, 4 năm trở lại đây, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này luôn trong tình trạng âm và năm 2019 con số này là 7,3 tỷ đồng. Ngoài ra, khoản nợ phải trả cũng là vấn đề cần lưu tâm của Zinnia Việt Nam trong bối cảnh doanh nghiệp làm ăn không có lãi, tại ngày 31/12/2019, nợ phải trả ở mức 7,5 tỷ đồng.
Ngoài các lĩnh vực trên, doanh nhân Thu Cúc còn mở rộng hệ sinh thái với lĩnh vực khai khoáng và thiết bị công nghệ. Tháng 7/2020, bà Cúc thành lập công ty TNHH Thiết bị và Công nghệ Zinnia (Zinnia T&E Ltd) với ngành nghề kinh doanh chính là bán lẻ dụng cụ, thiết bị y tế và chỉnh hình.
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Viết nhạc bằng cả trái tim
- Suntory Pepsico Việt Nam khẩn trương hỗ trợ nước sạch cho người dân bị ảnh hưởng bởi bão số 3
- Nơi biên cương: “Điểm tựa”!
- Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ngành xây dựng
- Công bố chương trình ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ngành xây dựng HUCE-INTECH 2023
- Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo lĩnh vực xây dựng