Trần Như -
 
Hàng ngàn công ty nước ngoài đầu tư vào thị trường Việt Nam mỗi năm, hầu hết các doanh nghiệp nước ngoài đều phải tìm hiểu, tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật lao động Việt Nam để xây dựng những chiến lược sử dụng nhân sự hợp lý. Tuy nhiên, vẫn có một số công ty ngang nhiên coi thường pháp luật, ký và chấm dứt hợp đồng lao động một cách tùy tiện, gây tổn thương cho người lao động trong nước.

 Mới đây Tạp chí Kinh tế tập đoàn nhận được thông tin phản ánh từ Chị Võ Thị D. (25 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM) chị cho biết vừa mới đệ đơn lên Tòa án nhân dân Quận 1 về việc chị bị công ty TNHH iCanfield chấm dứt hợp đồng trái pháp luật dù chị vẫn hoàn thành tốt công việc và không vi phạm bất kì nội quy nào của công ty TNHH iCanfield.

1.	Công ty iCanfield có văn phòng tại tầng 12, President Place, 93 Nguyễn Du, Q1

Công ty iCanfield có văn phòng tại tầng 12, President Place, 93 Nguyễn Du, Q1

Ngày 05/10/2020, Tòa án nhân dân Quận 1 nhận được đơn khởi kiện của chị Võ Thị D. (25 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM) về việc chị bị công ty TNHH iCanfield đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật.

Theo đơn khởi kiện, chị D. làm việc tại công ty iCanfield từ ngày 25/05/2020, hợp đồng có thời hạn 1 năm, với chức danh là Nhân viên kinh doanh – Tư vấn. Trong quá trình làm việc, chị luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ của mình và tuân thủ nội quy của công ty. Chị D. trình bày: Lúc 3 giờ chiều ngày 30/9/2020, khi đang làm việc, chị được Ban giám đốc gọi vào phòng và thông báo công ty sẽ chấm dứt hợp đồng lao động với chị, yêu cầu chị đọc và ký vào biên bản thỏa thuận bàn giao do công ty soạn thảo, đóng dấu sẵn. Theo chị D., lý do công ty đưa ra để buộc chị thôi việc là không thỏa đáng, nên chị kiên quyết không ký vào bản thỏa thuận trên.

Tuy nhiên, chị vẫn bị buộc bàn giao toàn bộ công việc đang làm, buộc nộp các công cụ lao động (máy tính, thẻ nhân viên, hệ thống dữ liệu đang quản lý) và không được vào công ty kể từ ngày 01/10/2020. Ngày 05/10/2020, Ban giám đốc công ty iCanfield gọi chị trở lại để ký biên bản thỏa thuận. Trong quá trình trao đổi, chị D. tiếp tục hỏi về lý do chấm dứt hợp đồng lao động thì không nhận được câu trả lời thỏa đáng và còn bị hăm dọa rằng nếu không ký tên vào biên bản trên thì sẽ bị gây khó dễ nếu sau này xin việc ở nơi khác.

Những ngày sau đó, công ty iCanfield liên tiếp cho nhiều người đến nơi ở của chị D., quay phim chụp hình, dán những thông tin cá nhân của chị khắp nơi, làm ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc, tinh thần của chị và những người thân trong gia đình.

Lãnh đạo công ty iCanfield – một tập đoàn nước ngoài, đang kiếm lợi trên đất nước Việt Nam, lại cố tình lợi dụng bối cảnh dịch Covid, khi người lao động đang ở trong hoàn cảnh rất cần việc làm, để bức ép người lao động phải nghỉ việc trái luật, gây thiệt hại nghiêm trọng về quyền lợi, sức khỏe và tinh thần của người lao động. Đây là một hành động thiếu văn hóa, thiếu tình người, coi thường pháp luật Việt Nam.

2.	Hợp đồng lao động

Hợp đồng lao động

Trong đơn yêu cầu khởi kiện, nguyên đơn yêu cầu TAND Quận 1 tuyên Thông báo Chấm dứt hợp đồng lao động của công ty iCanfield là trái pháp luật, yêu cầu công ty iCanfield phải nhận chị trở lại làm việc theo hợp đồng lao động; đồng thời yêu cầu công ty iCanfield trả toàn bộ tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày  không được làm việc (kể từ ngày 30/09/2020), bồi thường do vi phạm quy định của pháp luật về báo trước khi chấm dứt hợp đồng lao động,  và bồi thường do chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. Vụ kiện hiện đang được TAND Quận 1 thụ lý giải quyết.

Được biết công ty iCanfield Việt Nam là một công ty thuộc tập đoàn iCanfield, kinh doanh trong lĩnh vực tư vấn định cư, đầu tư bất động sản nước ngoài, có trụ sở tại Hong Kong và nhiều chi nhánh ở nước ngoài. Công ty này bắt đầu tham gia vào thị trường Việt Nam từ tháng 9/2019. Dịch vụ tư vấn định cư và đầu tư ra nước ngoài hiện đang thu hút sự quan tâm của rất nhiều khách hàng trong nước. Tuy nhiên, vụ việc tranh chấp lao động vừa qua cũng đặt ra một câu hỏi lớn về năng lực kinh doanh, khả năng hoạch định chiến lược và tinh thần trách nhiệm, tôn trọng pháp luật của công ty iCanfield.

Với lối tư duy coi thường người lao động trong nước, cách ra quyết định vô tội vạ, cách hành xử vô văn hóa, làm việc không có chiến lược, coi thường luật pháp của lãnh đạo công ty, liệu công ty này có thực sự có năng lực trong việc tư vấn định cư và cam kết đồng hành “tới nơi tới chốn” với kế hoạch định cư của khách hàng hay không? Hay sẽ là những hợp đồng tiền tỷ được ký kết sau đó phủi bỏ trách nhiệm, “đem con bỏ chợ”, như cái cách mà họ đang đối xử với chính nhân viên của họ, những con người đã cùng họ đặt những viên gạch đầu tiên trong hành trình chinh phục thị trường trong nước?

Để làm rõ vấn đề dưới góc độ pháp luật phóng viên Tạp chí Kinh tế tập đoàn có cuộc trao đổi với Luật sư: Trần Đình Dũng – Đoàn LS TP. Hồ Chí Minh.

Trong buổi làm việc với chúng tôi Luật sư Dũng trao đổi: việc các công ty nước ngoài chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật và xử lý kỷ luật sa thải tùy tiện tuy chưa phổ biến ở thị trường lao động Việt Nam, nhưng đã xuất hiện một số trường hợp công ty coi thường pháp luật, họ không tham vấn pháp luật sở tại, hoặc cố tình lợi dụng người lao động chưa cập nhật kiến thức đầy đủ về pháp luật lao động, mà tùy tiện ban hành những quyết định sa thải, quyết định chấm dứt hợp đồng lao động trái luật, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người lao động. Những trường hợp trên cần phải được xử lý nghiêm khắc để làm gương, và chấn chỉnh nhận thức trong sử dụng lao động của các doanh nghiệp nước ngoài. Sự việc của chị D. và công ty iCanfield là một trường hợp như vậy.

Theo đơn khởi kiện của nguyên đơn, trong trường hợp này, quan điển của Luật sư như thế nào?

Với vai trò là một luật sư theo tôi cần làm rõ một số điểm sau:

Căn cứ của việc chấm dứt hợp đồng lao động: Khoản 1 Điều 38 Bộ luật lao động 2012, và Điều 12 Nghị định 05/2015/ ND-CP do Chính phủ  ban hành ngày 12 tháng 01 năm 2015 có quy định về những trường hợp người sử dụng lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng. Trường hợp công ty iCanfield không đưa ra được 1 trong những căn cứ trên, nghĩa là đã có hành vi chấm dứt hợp đồng lao động trái luật đối với người lao động.

Thời hạn báo trước khi chấm dứt hợp đồng lao động: Khoản 2 Điều 38 Bộ luật lao động 2012 quy định cụ thể về nghĩa vụ báo trước cho người lao động khi người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

Trường hợp Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật và vi phạm về quy định báo trước thì phải bồi thường cho người lao động theo quy định tại Điều 42 Bộ luật lao động 2012.

Ngoài ra, trong trường hợp này, nếu đại diện của công ty iCanfield có những lời lẽ, hành vi xâm phạm tới danh dự, nhân phẩm, uy tín, sức khỏe của người lao động, thì người lao động cũng có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường những tổn thất trên và tổn thất tinh thần theo quy định tại Điều 584, Điều 585, Điều 590, Điều 592 của Bộ luật dân sự 2015. Việc chị D. khởi kiện ra tòa để bảo vệ quyền lợi cho mình là việc nên làm.

Cảm ơn Luật sư!

Bạn nghĩ sao?