Phương Ánh -
 
Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam cho rằng doanh nghiệp còn cầm cự được vài tháng chứ người lao động không thể chống chọi vì đã mất sinh kế.

 Chia sẻ với VnExpress, TS Lê Duy Bình, người tham gia xây dựng Luật Lao động năm 2019, tham gia đánh giá các dự án của ILO về thị trường lao động, cho rằng nguồn lực để chống chọi với làn sóng Covid-19 thứ hai của doanh nghiệp và người lao động không còn nhiều.

- Với sự bùng phát dịch lần này, kinh tế Việt Nam sẽ đối diện những khó khăn gì?

- Kinh tế một lần nữa sẽ phụ thuộc nhiều vào diễn biến của dịch bệnh. Nếu dịch chỉ ở một số tỉnh, thành phố như hiện nay và được khống chế trong vài tuần tới, tác động sẽ nhỏ hơn so với kịch bản mà Việt Nam đặt ra cách đây 1 tháng.

Theo đó, tổng thể kinh tế về cuối năm sẽ có một kịch bản tăng trưởng dương, dù ở mức độ thấp hơn so với những dự báo trước khi một số ngành như du lịch, dịch vụ vừa khởi động lại đã tiếp tục bị "thui chột". Khu vực kinh tế miền Trung mà Đà Nẵng là đầu tàu, bị tác động rất lớn. Dịch bệnh cũng tác động đến tâm lý dự định nhà đầu tư, những người khởi sự kinh doanh, thiên nhiều về nghe ngóng, chờ đợi, tạo ra độ trễ dẫn đến tác động kinh tế cuối năm.

Ở kịch bản xấu, dịch bệnh tiếp tục lan rộng trong vài ngày tới, Việt Nam buộc phải cách ly, giãn cách toàn xã hội, chắc chắn tạo tác động kép lên cả cung sản xuất và cầu tiêu dùng. Hiện nay xuất khẩu yếu, cầu nội địa rất mong manh, không tăng trưởng dù thời gian qua chúng ta đã cố gắng bảo vệ thông qua quá trình dập dịch rất tốt.

Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam. Ảnh: Đỗ Linh.

Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam. Ảnh: Đỗ Linh.

- Gần đây, World Bank đánh giá Việt Nam vẫn có sức chống chịu tốt khi Covid-19 bùng trở lại. Quan điểm của ông thì sao?

- Sau đợt dịch đầu năm, về phía Chính phủ, doanh nghiệp, ở góc độ nào đấy đã có sự chuẩn bị tốt về kinh nghiệm, cách ứng phó trong điều kiện nguồn lực không còn nhiều.

Chẳng hạn với doanh nghiệp, 6 tháng đầu năm họ quá quen với tình hình khó khăn, thậm chí một số đơn vị đã tìm được cách hồi phục ngay khi xã hội vận hành trở lại hồi tháng 5. Khả năng chống chịu của doanh nghiệp vẫn có khi họ thích nghi được với hoàn cảnh vô cùng xấu.

Do vậy, trong trường hợp giả định một kịch bản khoanh vùng dịch theo khu vực địa lý, doanh nghiệp vẫn duy trì được hoạt động sản xuất, kinh doanh, trừ một số đơn vị trong những ngành, khu vực bị ảnh hưởng.

Về lý thuyết, chúng ta vẫn kỳ vọng vào sức chống chịu của doanh nghiệp, dù rất khó khăn. Tuy nhiên, cũng cần phải hiểu tiềm lực của họ đã bị tiêu hao rất nhiều trong giai đoạn đầu năm. Ba tháng vừa qua, một số doanh nghiệp phục hồi nhưng không nhiều. Do đó, nếu dịch kéo dài và xã hội phong toả thì rất khó nói trước được sức chịu đựng này như thế nào.

- Còn với người lao động thì sao?

- Khả năng chống chịu của đối tượng này mới là điều đáng lo ngại lúc này. Doanh nghiệp và người lao động có góc độ song hành nhưng cũng có những điểm độc lập. Chẳng hạn 6-7 tháng sau dịch, chúng ta vẫn có thể thấy một doanh nghiệp tồn tại nhờ vào các biện pháp như giảm quy mô, giảm lương, sa thải lao động, ngủ đông...

Họ có thể sống sót được bằng nhiều biện pháp khác nhau nhưng với người lao động thì không thể. Khi mất việc, họ mất sinh kế, đặc biệt với những người không có khoản tiền dự trữ, ảnh hưởng dịch bệnh với họ là không nhỏ.

Doanh nghiệp có thể chịu đựng được trong vài tháng nhưng người lao động gần như không thể. Họ rất dễ bị tổn thương. Nhất là nhóm lao động tự do, nằm ngoài "ô an sinh". Như vậy, khi dịch mở rộng, họ sẽ mất đi thu nhập, không có việc làm hay nguồn thu thay thế, không có bảo hiểm hỗ trợ nên sẽ rất khó khăn.

Lúc Việt Nam chưa bùng dịch trở lại, Tổng cục Thống kê cho biết đã có 30,8 triệu người lao động ở cả hai nhóm (chính thức và tự do) bị tác động trực tiếp vì Covid-19 và tăng về cuối năm. Với diễn biến dịch như hiện nay, số lượng người bị tác động sẽ còn mở rộng hơn rất nhiều.

- Vậy cần có chính sách như thế nào với người lao động khi dịch kéo dài?

- Họ vẫn phải trông chờ vào các chính sách trợ cấp. Nhiều đối tượng sắp tới sẽ phải chuyển từ diện hưởng an sinh xã hội sang diện nhận bảo trợ xã hội. Tôi nghĩ Chính phủ rồi phải hỗ trợ những đối tượng gặp khó khăn do dịch bệnh kéo dài.

Chúng ta cũng cần cân nhắc đến việc mở rộng phạm vi những người được ngân sách trợ cấp. Như vậy, bài toán sẽ quay về việc ngân sách sẽ phải phân phát cho ai, như thế nào, cách thức và nguồn lực bao nhiêu. Nhưng tôi tin rằng, người lao động, dù ở nhóm chính thức hay không chính thức rất cần được bảo vệ lúc này.

Dòng người ùn ùn vào lấy phiếu làm trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm (Trung Kính, Cầu Giấy) ngày 11/6. Ảnh: Ngọc Thành.

Dòng người ùn ùn vào lấy phiếu làm trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm (Trung Kính, Cầu Giấy) ngày 11/6. Ảnh: Ngọc Thành.

- Các gói chính sách hỗ trợ trong giai đoạn tới nếu Chính phủ đưa ra cần lưu ý gì?

- Dường như chúng ta chưa tổng kết một cách đầy đủ tính hiệu quả của các gói hỗ trợ. Những kết quả rất hỗn độn xen lẫn giữa điểm được và chưa được. Ví dụ hoạt động hỗ trợ cho người lao động ở một số khu vực đạt được kết quả tích cực, nhưng việc giúp doanh nghiệp vay để chi trả tiền lương thì chắc chắn phải xem lại vì dường như không hiệu quả. Do đó, cần có đánh giá, tổng kết để có những sự điều chỉnh phù hợp.

Mặt khác, tuỳ theo tình hình dịch bệnh, chúng ta mới nghĩ đến việc các gói hỗ trợ tiếp theo như thế nào về mức độ, quy mô.

Trong kịch bản mà Việt Nam kỳ vọng là dịch bệnh chỉ diễn ra ở một vài địa phương, được khống chế sớm, việc hỗ trợ sẽ tập trung vào một số khu vực, ngành bị ảnh hưởng như du lịch, dịch vụ tại Đà Nẵng và các tỉnh xung quanh. Còn các nơi khác sẽ có những biện pháp khác để doanh nghiệp gượng dậy. Vì nếu không bị phong toả toàn bộ và với nhịp sống như hiện nay, nhiều doanh nghiệp có thể duy trì được. Chính phủ cần giúp họ ở những góc độ khác chứ không phải sử dụng những gói hỗ trợ trên diện rộng như đã làm trước đây.

Các chính sách hỗ trợ cũng cần được thiết kế hiệu quả hơn, chuyển sang những gói kích thích sản xuất kinh doanh, ứng dụng công nghệ mới, thích ứng với thị trường mới ở những doanh nghiệp ít bị ảnh hưởng hơn vì dịch.

Hình thức hỗ trợ sẽ không được tràn lan mà phụ thuộc nhiều vào kịch bản diễn biến dịch. Việt Nam đang xử lý dịch bệnh với tâm thế bình tĩnh hơn trong điều kiện nguồn lực hạn chế hơn rất nhiều, nên phải tính toán cẩn thận về hiệu quả.

- Hiện nhiều địa phương phát hiện ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng và đã có người tử vong, song khác với cách xử lý đầu năm, Chính phủ vẫn chưa đặt vấn đề cách ly toàn xã hội. Ông đánh giá việc này thế nào?

- Về vấn đề cách ly toàn xã hội hay không, các chuyên gia dịch tễ sẽ đánh giá chuẩn xác hơn. Tuy nhiên, nếu xét về mặt phối hợp chính sách, tôi nghĩ cách làm hiện nay là linh hoạt hơn khi giãn cách theo từng địa phương.

Việt Nam vẫn ưu tiên số 1 là theo sát tình hình dịch bệnh, khống chế, nhưng bằng cách dịch đến đâu cách ly đến đấy. Cách làm này sẽ duy trì được sản xuất kinh doanh, các hoạt động xã hội một cách bình thường cho người dân, doanh nghiệp, không gây quá nhiều ảnh hưởng cuộc sống. Hiện nay, trong điều kiện chúng ta còn khống chế được Covid-19, cần để nền kinh tế vận hành, tránh những biện pháp quá mạnh, không cần thiết. Điều này xuất phát từ những bài học kinh nghiệm đợt một. Hiện nhiều nước, đặc biệt ở châu Âu cũng sử dụng biện pháp cách ly theo vùng và đạt được hiệu quả nhất định.

Mọi nguồn lực giờ nên dồn vào công tác khống chế dịch bệnh. Đấy là cách giúp ích tốt nhất cho nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay. 3 tháng vừa qua chính là câu trả lời hiển nhiên nhất với cách sử dụng nguồn lực của Việt Nam.

Khi tình hình diễn biến xấu đi, sự hy sinh những lợi ích kinh tế, tăng trưởng trong ngắn hạn là điều cần thiết, như chấp nhận giãn cách toàn xã hội để đảm bảo mục tiêu khoanh vùng, dập dịch.

Theo VnExpress

Bạn nghĩ sao?