Chi Mai -
 
Năm 2020, ban Tổng giám đốc Công ty CP chứng khoán Bản Việt được thưởng 7,7 tỷ đồng. Riêng Tổng giám đốc Tô Hải không nhận khoản thưởng vượt lợi nhuận 3,8 tỷ đồng vì muốn giảm chi phí cho công ty.

Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) mới công bố tờ trình đại hội đồng cổ đông thường niên dự kiến tổ chức ngày 9/4.

Về kế hoạch cho thù lao Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban kiểm soát và mức thưởng cho Ban tổng giám đốc năm 2020 – 2021, HĐQT đề nghị thông qua khoản thưởng 7,7 tỷ đồng cho ban giám đốc. Lý do: lợi nhuận trước thuế thực hiện năm 2020 vượt xa số lợi nhuận đã được Đại hội cổ công thường niên 2020 thông qua. Số tiền thưởng 7,7 tỷ đồng tương đương 8% phần vượt lợi nhuận trước thuế của năm 2019 là 96 tỷ đồng.

chung khoan ban viet

Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc chứng khoán Bản Việt đều không nhận thưởng

Tuy nhiên, ban giám đốc chỉ nhận 3,85 tỷ đồng do ông Tô Hải – Tổng giám đốc từ chối khoản thưởng của mình để giảm chi phí cho công ty.

Chứng khoán Bản Việt năm nay tiếp tục trình phương án thưởng cho ban giám đốc 8% số tiền vượt so với lợi nhuận trước thuế năm 2020. Trong khi đó, Hội đồng quản trị vẫn không nhận thù lao. Ban kiểm soát gồm 3 người nhận tổng cộng 360 triệu đồng.

Ông Tô Hải hiện là Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Chứng khoán Bản Việt. Ông cũng là cổ đông lớn nhất tại đây với tỷ lệ sở hữu 22,77%, tương ứng 37,7 triệu cổ phiếu.

to hai

Ông Tô Hải. Ảnh: Báo cáo thường niên VCSC.

Đánh giá triển vọng năm 2021 và chiến lược hoạt động, chứng khoán Bản Việt nhận định, thị trường chứng khoán Việt Nam và với kế hoạch được xây dựng trên cơ sở VN-Index sẽ dao động quanh 1250 điểm vào cuối năm 2021, đơn vị đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận trước thuế năm nay lần lượt đạt 2.050 tỷ đồng và 1.250 tỷ đồng, lần lượt tăng 18,5% và 31,4%.

Ban lãnh đạo công ty cho biết sẽ tái khởi động các thương vụ lớn, củng cố vị thế trong nghiệp vụ ngân hàng đầu tư. Các hợp đồng công ty đang thực hiện có giá trị giao dịch ước tính khoảng 40.000 tỷ đồng trong năm 2021 ở các lĩnh vực tài chính tiêu dùng, hàng tiêu dùng, logistics... Đối với lĩnh vực môi giới, công ty dự báo năm nay vẫn khó khăn do cạnh tranh gay gắt từ các công ty chứng khoán vốn Hàn Quốc với chiến lược giảm lãi suất cho vay margin và phí giao dịch.

Năm 2021, VCSC đặt mục tiêu tiếp tục củng cố thị phần môi giới trong Top 5 trên HSX với 7,69% thị phần, giảm 0,5% so với năm 2019. VCSC hiện có khoảng 50.000 tài khoản chứng khoán hoạt động tăng 12,1% so với 2019, doanh thu môi giới là khoảng 465 tỷ đồng (tăng khoảng 82% so với năm 2019), mức tăng cao hơn mức tăng chung của thị trường, doanh thu môi giới bình quân đầu người đạt 4,26 tỷ đồng/người, tăng 110%. VCSC vẫn duy trì mức doanh thu bình quân thuộc top đầu thị trường; thể hiện sự hiệu quả của Khối Môi Giới trong nước của VCSC.

Năm 2020, thị trường chứng khoán Việt Nam với VN-Index vẫn có được mức tăng gần 15% so với cuối năm 2019.

Thanh khoản trên thị trường chứng khoán liên tục lập kỷ lục cả về khối lượng và giá trị khớp lệnh với giá trị giao dịch bình quân phiên năm 2020 là: 7.425 tỷ đồng/phiên, tăng 61,5% so với năm 2019, khối lượng giao dịch bình quân 440 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 96% so với năm 2019.

Nhà đầu tư cá nhân trong nước lập kỷ lục về số lượng mở mới tài khoản chứng khoán với 392.527 tài khoản với tổng số lượng tài khoản cá nhân lũy kế đến cuối năm 2020 là 2,74 triệu tài khoản.

Theo số liệu của HOSE (HSX), 10 nhà môi giới lớn nhất trên sàn HSX đang chiếm 64,47% thị phần giá trị giao dịch toàn ngành trong năm 2020, tăng 2,98% so với năm 2019 ( năm 2019 là 62,6%). Sau 1 năm chứng kiến sự lên ngôi của các công ty chứng khoán Hàn Quốc như Mirae Asset, KIS (lần đầu có tên trong top 10 bằng việc đẩy mạnh cho vay margin) thì năm nay các công ty chứng khoán ngoại khá im ắng, nhường chỗ cho chứng khoán VPS lần đầu có tên trong top 5. Top 5 còn lại vẫn là những cái tên quen thuộc như SSI, HSC, VCSC, VNDs…

Các sản phẩm mới được ra mắt trong năm 2020 như các quỹ ETF MAFM VN30, ETF SSIAM VN30, ETF SSIAM VNFIN LEAD, ETF VFMVN DIAMOND, ETF VINACAPITAL VN100 hứa hẹn sẽ tiếp tục thu hút dòng vốn thụ động song song dòng vốn đầu tư chủ động từ các nhà đầu tư mới. Dòng vốn nước ngoài cũng sẽ dễ chảy vào thị trường hơn nhờ sự hiện diện của các quỹ này; theo thống kê của HOSE, từ đầu năm đến giữa tháng 12/2020, các quỹ ETF niêm yết ở sàn này đã được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng xấp xỉ 4.000 tỷ đồng.

Bạn nghĩ sao?