Phạm Hiển -
 
Thời gian vừa qua, Tạp chí Kinh tế tập đoàn nhận được phản ánh của người dân về tình trạng ùn tắc kéo dài nhiều Km trên đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng trong dịp nghỉ lễ Tết thanh minh (4/4/2021) và sau khi kết thúc kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 tuy nhiên không được chủ đầu tư tiến hành xả trạm theo quy định.

Theo phản ánh, vào ngày 4/4/2021, tại trạm thu phí đầu ra cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đoạn qua Văn Giang, Hưng Yên đã xuất hiện tình trạng hàng chục nghìn phương tiện bị ùn tắc kéo dài nhiều Km trước trạm thu phí. Nhiều tài xế đã bắt buộc phải đi vào làn đường dành cho xe dừng khẩn cấp, vô hình chung tạo thành làn đường thứ 4. Mặc dù ùn tắc kéo dài nhiều Km trước trạm thu phí tuy nhiên không được chủ đầu tư tiến hành xả trạm, mà vẫn thu phí đối với tất cả các phương tiện góp phần dẫn đến việc ùn tắc kéo dài trong nhiều giờ đồng hồ.

Ngoài ra, sau đợt kết thúc dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, tình trạng ùn tắc kéo dài trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng vẫn bị lặp lại tuy nhiên không được chủ đầu tư tiến hành xả trạm.

anh 1

Tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài nhiều Km trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng dịp nghỉ lễ độc giả phản ánh

Để làm rõ các vấn đề trên, phóng viên đã có buổi trao đổi với Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) là chủ đầu tư dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, VIDIFI cho biết đã có văn bản ủy quyền giao cho Công ty TNHH MTV quản lý và khai thác đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng để quản lý và vận hành.

Tại buổi làm việc với Công ty TNHH MTV quản lý và khai thác đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, bà Bùi Thị Quỳnh, Phó GĐ Công ty cho biết, sau đợt nghỉ Tết thanh minh 4/4/202, lượng phương tiện tăng gấp nhiều lần so với ngày thường nguyên nhân là do tuyến đường Pháp Vân -  Cầu Giẽ bị ùn tắc, các phương tiện đã chuyển lộ trình qua nút giao QL39 (Km 21+523) theo Đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng để vào TP Hà Nội. Việc này đã làm lưu lượng trên tuyến đường tăng đột biến (gấp 5 lần ngày thường), trong khi thời gian di chuyển ngắn, lại phải dành một số làn thu phí ETC nên đã gây ra tình trạng ùn tắc giao thông tại Trạm thu phí đầu tuyến.

Mặc dù VIDIFI đã tăng cường thêm nhân viên, tổ chức phân luồng giao thông, mở thêm 3-5 điểm thanh toán phí sử dụng dịch vụ đường bộ tại Trạm thu phí đầu tuyến tuy nhiên vẫn không giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông nêu trên.

anh 2

 VIDIFI cho biết nếu xả trạm thì sẽ ảnh hưởng đến doanh thu thu phí, thất thoát thẻ thu phí của Nhà đầu tư

Khi được hỏi vì sao khi VIDIFI không giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài mà không tiến hành xả trạm, bà Quỳnh cho biết đây là tuyến đường thu phí kín, do đó nếu xả trạm thì sẽ ảnh hưởng đến doanh thu thu phí, gây thất thoát thẻ thu phí của Nhà đầu tư. Ngoài ra bà Quỳnh cũng cho biết, qua nghiên cứu, bà thấy không có bất cứ văn bản hay quy định nào nói rằng phải xả trạm nếu ùn tắc kéo dài trên tuyến cao tốc.

Trong ngày 4/4/2021, Công ty TNHH MTV quản lý và khai thác đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Nhà đầu tư đều không nhận được bất cứ văn bản, hay chỉ đạo nào của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT, Cục CSGT về việc phải xả trạm thu phí khi ùn tắc kéo dài.

Liên quan đến sự việc trên, phóng viên đã liên hệ với Cục CSGT tuy nhiên đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời.

Đề nghị Tổng cục đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT, Cục CSGT vào cuộc kiểm tra vấn đề nêu trên.

Tạp chí Kinh tế tập đoàn sẽ tiếp tục thông tin.

Theo quy định của điểm a, khoản 8 Điều 15 Nghị định 100/NĐ-CP của Chính phủ, tổ chức quản lý vận hành trạm thu phí sẽ bị phạt tiền từ 30 triệu đến 40 triệu đồng.

Từ giữa tháng 4, Bộ Giao thông Vận tải đã có Văn bản số 3368/BGTVT-ATGT về việc tăng cường các giải pháp nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 và bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Trong đó, nêu rõ Tổng cục Đường bộ Việt Nam tăng cường kiểm tra, rà soát, chỉ đạo các trạm thu phí đường bộ chủ động xả trạm (mở barie) để giải toả phương tiện khi ùn tắc kéo dài. 

Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia Trần Hữu Minh cho biết, Nghị định 100/2019 quy định rõ việc này với nhiều mức xử phạt khác nhau. Đáng chú ý, phạt tiền từ 50-70 triệu đồng nếu đơn vị quản lý không chấp hành yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc triển khai các giải pháp để khắc phục ùn tắc giao thông tại khu vực trạm thu phí. Hoặc không thực hiện việc kết nối, chia sẻ dữ liệu từ trạm thu phí cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định. 

Trước đó, vào ngày 30/4, Cục CSGT Bộ Công an đã lập biên bản đối với Công ty Cổ phần dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VECE) khi để ùn tắc trước trạm thu phí hơn 2km mà không xả trạm tại trạm thu phí Long Phước.

Tổ công tác thuộc Đội 6 đã phải tiến hành lập biên bản tại Trạm thu phí Long Phước, cao tốc TP.Hồ Chí Minh – Long Thanh – Dầu Giây đối với hành vi vi phạm không thực hiện đúng quy trình quản lý vận hành theo quy định để số lượng xe ô tô xếp hàng chờ trước trạm thu phí lớn hơn 2.000m.

Sau quá trình làm việc giữa Đội 6 với VECE và Cục Quản lý đường bộ IV (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), vào 10h45 cùng ngày VECE đã ký biên bản vi phạm hành chính. Vào 11h, Trạm thu phí Long Phước đã tiến hành xả trạm theo hướng TP.Hồ Chí Minh đi QL51.

Bạn nghĩ sao?