Văn Giáp/TTXVN - 16:49 - 05/05/2020
 
Liên tiếp thực hiện các hoạt động thoái vốn, sáp nhập, mở mới doanh nghiệp, phát hành cổ phiếu ra công chúng, tái cơ cấu các hoạt động đầu tư cho thấy phong cách quản trị linh hoạt của Công ty cổ phần Tập đoàn FLC - FLC Group (mã chứng khoán: FLC).
1408_img_20181115_0951511041

 

Dù vậy, chỉ trong quý I/2020, doanh nghiệp này lỗ hàng nghìn tỷ đồng dưới tác động tiêu cực của dịch COVID-19.

Khó khăn từ mảng kinh doanh cốt lõi

FLC Group là tập đoàn kinh tế hoạt động kinh doanh đa ngành, tại các lĩnh vực: bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng - golf, hàng không, nông nghiệp công nghệ cao, đầu tư tài chính, giáo dục, y tế… Tuy nhiên, theo FLC Group, bất động sản là lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, trên tất cả các phân khúc như bất động sản nhà ở - văn phòng, bất động sản nghỉ dưỡng, bất động sản khu công nghiệp.

Tại lễ Tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2019 và kế hoạch, mục tiêu năm 2020 “Gắn kết nội lực - Vươn tầm cao mới” của Tập đoàn diễn ra vào đầu tháng 2, lãnh đạo tập đoàn đặt ra kỳ vọng đột phá mới trong năm 2020.

Theo đó, FLC Group xác định, bất động sản sẽ tiếp tục là ngành kinh doanh mũi nhọn, với khoảng 20 dự án dự kiến khởi công và hàng nghìn sản phẩm đa dạng trong các lĩnh vực đô thị và nghỉ dưỡng.

Thực tế, tính riêng trong lĩnh vực bất động sản, năm 2019, tập đoàn đã đưa ra thị trường hàng nghìn sản phẩm mới và khởi công thành công hàng loạt dự án quy mô trên khắp cả nước như: Quần thể nghỉ dưỡng FLC Quảng Ngãi, đô thị Đại học FLC Quảng Ninh, FLC Legacy Kontum, FLC LaVista Sadec…

Tuy nhiên, do tác động của dịch COVID-19, hoạt động của các doanh nghiệp và giao dịch trên thị trường bất động sản đang chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực, gây thiệt hại và tạo thêm những thách thức mới đối với lĩnh vực này.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản Nguyễn Trọng Ninh, số lượng sàn giao dịch đóng cửa chiếm tới 80%, còn lại đều hoạt động cầm chừng. Tỷ lệ người lao động mất việc, tạm ngừng công việc hoặc làm việc cầm chừng trong lĩnh vực bất động sản tương đối lớn.

Thống kê từ Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cũng cho thấy, các dự án bất động sản nghỉ dưỡng quy mô lớn trong nước đều do các doanh nghiệp bất động sản đầu tư và quản lý vận hành giảm sút lên đến gần 90%; phần lớn cơ sở du lịch nghỉ dưỡng phải đóng cửa hoặc giảm công suất.

Thời gian tới, nếu dịch bệnh thuyên giảm thì khả năng phục hồi tốt nhất cũng đạt khoảng 50% trong năm 2020 và 60 - 70% cho năm 2021, VNREA nhận định.

Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, bất động sản là loại hàng hoá đặc thù riêng với dòng tiền lớn, các sản phẩm có giá đắt đỏ. Do đó, trong bối cảnh dịch bệnh, thị trường bất động sản sẽ chững lại và là lĩnh vực đầu tiên chịu ảnh hưởng nặng nề từ sự đi xuống của nền kinh tế.

Bất động sản du lịch nghỉ dưỡng càng khó khăn hơn. Nhiều khách sạn, khu du lịch đã đóng cửa, tạm dừng hoạt động vì vắng khách. Tương tự, các phân khúc bán lẻ, văn phòng cũng bị ảnh hưởng bởi người dân ít ra ngoài đường và không đến chỗ đông người.

Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư kinh doanh cho thuê bất động sản như trung tâm thương mại, toà nhà văn phòng… cũng bị thiệt hại nặng nề do việc kinh doanh, bán hàng của khách thuê bị đình trệ, gián đoạn. Số lượng hợp đồng cho thuê mới hầu như không có.

Không nằm ngoài sự ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh, bất động sản công nghiệp, bất động sản nông nghiệp được hình thành có quy mô lớn, công nghệ đầu tư, máy móc thiết bị phải đối mặt khó khăn trong việc xây dựng chuỗi hàng hoá dịch vụ, logistics phục vụ cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Trong khi đó, dư nợ tín dụng của doanh nghiệp bất động sản đang ở mức cao, áp lực trả lãi vay, nợ vay rất lớn.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán FPT - FPTS, trong quý I/2020, hoạt động của các khách sạn và cơ sở lưu trú trên cả nước chịu ảnh hưởng mạnh từ dịch bệnh COVID-19, với công suất lấp đầy phòng khách sạn tại các thành phố lớn giảm từ 30 - 50% so với cuối năm 2019. Trong năm nay, nếu lượng khách du lịch đến Việt Nam giảm từ 70 - 80% theo kịch bản của Tổng cục Du lịch, nhiều doanh nghiệp trong ngành này có thể phải ngừng hoặc thu hẹp hoạt động, ảnh hưởng tiêu cực tới nhu cầu xây mới các khách sạn, cơ sở lưu trú trên cả nước.

Đối với lĩnh vực hàng không của FLC Group, vào đầu tháng 2, lãnh đạo tập đoàn cho biết, Bamboo Airways hướng tới chiếm lĩnh 30% thị phần hàng không nội địa với đội bay dự kiến sẽ đạt 50 máy bay và khai thác 85 đường bay trong - ngoài nước. Mục tiêu vốn hóa của hãng đạt 1 tỷ USD sau niêm yết. Tập đoàn cũng tiếp tục tập trung vào mảng dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, đẩy mạnh các lĩnh vực bổ trợ cùng chuỗi hoạt động xúc tiến đầu tư quốc tế.

Nhìn lại năm 2019, cơ cấu doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của FLC Group cũng ghi nhận sự thay đổi đáng kể so với năm 2018; trong đó, riêng mảng cung cấp dịch vụ đóng góp vào tổng doanh thu hơn 29% nhờ sự góp mặt từ Bamboo Airways.

Dù vậy, trước thực trạng lợi nhuận giảm kỷ lục trong quý I/2020, FLC Group lý giải hoạt động kinh doanh các mảng du lịch, hàng không, nghỉ dưỡng và bất động sản đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh COVID-19.

FLC Group không công bố con số cụ thể về kết quả kinh doanh của mảng hàng không cũng như các mảng khác, nhưng có thể thấy các doanh nghiệp cùng ngành hàng không đang lỗ nặng.

Đơn cử, quý I/2020, Vietnam Airlines báo lỗ 2.600 tỷ đồng, cao hơn lợi nhuận sau thuế cả năm 2019 của doanh nghiệp. Điều này cho thấy một thực trạng chung là các doanh nghiệp ngành hàng không đang chịu thua lỗ, trước ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh.

Hiện FLC Group đang sở hữu 52,11% cổ phần của Bamboo Airways, một hãng hàng không non trẻ mới chính thức thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên vào ngày 16/1/2019. Hiện hãng đang có tham vọng chiếm 30% thị phần hàng không Việt Nam. Vì vậy, kết quả kinh doanh của ngành hàng không sẽ có những ảnh hưởng trực tiếp tới tập đoàn.

Dù vậy, mức độ ảnh hưởng đối với doanh nghiệp ngành hàng không là khác nhau tùy vào quy mô, đối tượng khách hàng và việc quản trị công ty. Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hãng hàng không Bamboo Airways cho biết, ngành hàng không đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh COVID-19 nhưng Bamboo Airways vẫn giữ vững mục tiêu chiếm 30% thị phần hàng không nội địa trong năm 2020 và tạm thời điều chỉnh kế hoạch phát triển đội bay ở mức tối thiểu với 40 máy bay.

Liên tục sáp nhập, tái cơ cấu hoạt động đầu tư

Thời gian gần đây, nhà đầu tư liên tục chứng kiến việc sáp nhập của các công ty mà FLC Group có vốn góp.

Ngày 16/4/2020, Hội đồng quản trị FLC Group đã thông qua chủ trương nâng sở hữu tại Công ty cổ phần FLC Travel lên tối đa 79,2% thông qua việc mua cổ phần từ các cổ đông hiện hữu. FLC Travel tiền thân là Công ty cổ phần Trang trại và Nông sản Quý Giáp. Hiện Chủ tịch Hội đồng quản trị của FLC Travel là bà Hương Trần Kiều Dung – Phó Chủ tịch Tập đoàn FLC.

Trước đó, ngày 1/4/2020, Hội đồng quản trị CTCP Xây dựng FLC Faros quyết định trình Đại hội đồng cổ đông thông qua chủ trương sáp nhập vào CTCP Đầu tư Khai khoáng và Quản lý tài sản FLC (FLC GAB).

Hai doanh nghiệp này đều có liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch FLC Group. Hiện, ông Quyết nắm giữ tới 42,15% cổ phần tại FLC FAROS. Tại FLC GAB, ông sở hữu 8% cổ phần, trong khi tập đoàn FLC Group nắm 9% cổ phần.

Ngoài ra, ngày 2/3, CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone cũng đã công bố việc thông qua chủ trương nghiên cứu và lập phương án sáp nhập vào FLC GAB.

FLC GAB tiền thân là CTCP GAB hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất - phân phối vật liệu xây dựng, thương mại hàng hóa và đầu tư tài chính. Hiện, ngành nghề chính của doanh nghiệp là quản lý tài sản với danh mục đa dạng như nhà ở thương mại, khu nghỉ dưỡng, sân golf, tàu bay…

Mới đây, FLC GAB cho biết, nhằm mở rộng quy mô kinh doanh trong năm 2020 và các năm tiếp theo, công ty đang tiến hành đăng ký chào bán thêm 55,2 triệu cổ phiếu theo Nghị quyết tại Đại hội cổ đông bất thường thông qua vào ngày 3/2/2020.

Hiện vốn điều lệ của FLC GAB là 138 tỷ đồng, nếu thực hiện thành công đợt chào bán, vốn điều lệ công ty sẽ tăng thêm 552 tỷ đồng, đạt quy mô vốn 690 tỷ đồng.

Với việc vận hành một tập đoàn đa ngành, hoạt động trên nhiều lĩnh vực đã giúp doanh thu của FLC Group tăng cao. Theo đó, doanh thu thuần quý I/2020 của FLC ghi nhận gần 4.768 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, giá vốn trong kỳ cũng lên tới 6.215 tỷ đồng khiến FLC lỗ gộp gần 1.448 tỷ đồng, trong khi quý I năm 2019, doanh nghiệp vẫn lãi nhẹ 84 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các khoản chi phí của FLC Group đều tăng; trong đó, chi phí lãi vay tăng 51%; chi phí bán hàng tăng 19%; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 6%.

FLC Group lỗ ròng gần 1.172 tỷ đồng trong quý I vừa qua. Đây là mức lỗ kỷ lục kể từ khi doanh nghiệp này niêm yết trên sàn chứng khoán.

Đặc biệt, cuối quý I, lượng tiền mặt của FLC Group chỉ còn hơn 48,5 tỷ đồng, trong khi tiền mặt của tập đoàn này tại thời điểm đầu năm có tới gần 633 tỷ đồng. Khoản đầu tư tài chính ngắn hạn cũng giảm tới 62%, chỉ còn gần 71 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán, FLC hiện giao dịch mức giá 2.810 đồng/cổ phiếu (cuối phiên sáng 5/5). Trong khi mở cửa phiên giao dịch đầu năm 2/1, cổ phiếu này có giá 4.720 đồng/cổ phiếu. Như vậy, cổ phiếu của FLC giảm giá tới hơn 40,46% kể từ đầu năm đến nay. Hiện FLC đang giao dịch với mức P/E (hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu) là hơn 10 lần. Vốn hóa thị trường đạt 2.002,19 tỷ đồng./.

Bạn nghĩ sao?