15:52 - 13/04/2022
 
Được ví như cái nôi tri thức, là một cấu phần quan trọng trong việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh Thừa Thiên Huế, trong suốt 4 năm vừa qua, Đại học Huế đã và đang triển khai xây dựng để kiến tạo và kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mới trong trường đại học.

Kỳ 1: Các nhân tố quan trọng thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong trường đại học

 

Là một đại học vùng, đa ngành, đa lĩnh vực, hiện nay Đại học Huế có 9 trường đại học và viện nghiên cứu thành viên cùng với 9 đơn vị đào tạo, nghiên cứu, hỗ trợ đào tạo thuộc và trực thuộc.

Nghị quyết 54/NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành năm 2019 xác định mục tiêu phát triển Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia, phấn đấu nằm trong top 300 của các trường Đại học hàng đầu Châu Á.

Với nguồn lực dồi dào, Đại học Huế là “mảnh đất” màu mỡ, giàu tiềm năng để “ươm mầm” những hạt giống khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Chính sách - Kim chỉ nam cho các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp

Một trong những yếu tố quan trọng để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đó chính là chính sách và sự ủng hộ của Lãnh đạo Đại học Huế. Đây là kim chỉ nam cho các hoạt động thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong trường đại học.

0314_1

PGS.TS Nguyễn Quang Linh – Giám đốc Đại học Huế 

PGS.TS. Nguyễn Quang Linh, Giám đốc Đại học Huế cho biết “Hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong trường Đại học rất quan trọng và những năm qua, Đại học Huế rất quan tâm đến lĩnh vực này. Trong quá trình phát triển, Trung tâm KN&ĐMST - ĐH Huế gắn chặt với các hoạt động KNĐMST của tỉnh”

0317_2

 Ông Hoàng Kim Toản – Giám đốc Trung tâm khởi nghiệp ĐMST, Đại học Huế

Ông Hoàng Kim Toản – Giám đốc Trung tâm khởi nghiệp ĐMST, Đại học Huế chia sẻ: “Tôi còn nhớ vào đầu năm 2018, Đại học Huế tổ chức lễ kick-off khởi nghiệp đầu tiên và chỉ sau 6 tháng, đến tháng 7/2018, Lãnh đạo nhà trường ban hành Quyết định thành lập Trung tâm khởi nghiệp ĐMST, ban đầu chỉ là tổ chức “mềm”, trực thuộc ban công tác học sinh sinh viên. Sau hơn 02 năm triển khai, Trung tâm được nâng cấp trực thuộc trường Đại học Huế, có tư cách pháp nhân.

Đại học Huế cũng được Chính phủ quan tâm, hỗ trợ rất nhiều thông qua Đề án 844 “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” và Đề án 1665 “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp”, ngoài việc được hỗ trợ một phần về nguồn lực tài chính triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, theo tôi thứ quý giá nhất Đại học Huế có được khi đồng hành cùng với các Đề án của Chính phủ, đó là sự “kết nối” khi được hòa mình vào hệ sinh thái chung, có cơ hội học hỏi những tư duy, kiến thức mới, tiếp cận các chuyên gia nhiều kinh nghiệm,…”

Con người - Yếu tố then chốt

Thời điểm khi mới đặt những viên gạch đầu tiên cho hệ sinh thái khởi nghiệp Đại học Huế, ông Hoàng Kim Toản cho biết “Khi đó, Trung tâm chỉ có vỏn vẹn 02 nhân sự và mọi thứ thì quá mới mẻ, có quá nhiều thứ cần phải lo từ việc xây kế hoạch, nguồn tài chính thực hiện hoạt động hỗ trợ, nhân sự triển khai,.... Tuy nhiên, tôi rất may mắn khi có cộng sự cùng chung chí hướng và trong rất nhiều mục tiêu đặt ra, chúng tôi thống nhất điều quan trọng và cấp thiết phải làm luôn và ngay đó là “phát triển nguồn nhân lực”.

Ông Toản chia sẻ “Ban đầu, Trung tâm cử nhân sự tham gia các khóa đào tạo của Swiss:EP (Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp Thụy Sỹ), Vietnam Sillicon Valley,…các khóa đào tạo tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng chúng tôi tham gia đủ cả, ngoài việc tiếp nhận kiến thức còn phải nhìn tận mắt xem họ vận hành không gian làm việc chung như nào, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp ra sao,…”

Từ quá trình đó đã dần hình thành những hạt nhân đi đầu, đồng hành với Trung tâm triển khai các sự kiện khởi nghiệp. Đồng thời, Trung tâm cũng mời các chuyên gia giỏi về Huế nhằm tư vấn, thiết kế chương trình và tổ chức các khóa đào tạo giảng dạy cho cán bộ, giảng viên, sinh viên Đại học Huế nói riêng và cộng đồng khởi nghiệp nói chung.

Hiện Trung tâm đã tổ chức 09 khóa đào tạo giảng viên nguồn về KNĐMST cho 300 cán bộ, giảng viên; 05 khóa huấn luyện nâng cao năng lực cố vấn khởi nghiệp cho 150 lãnh đạo các doanh nghiệp; 03 khóa huấn luyện nâng cao năng lực phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp cho cán bộ, giảng viên và sinh viên có các sản phẩm khoa học công nghệ tiềm năng; 02 khóa huấn luyện nâng cao năng lực xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; 02 khóa huấn luyện nâng cao năng lực chuyển giao tri thức và công nghệ vào startups cho cán bộ, giảng viên, chuyên viên, nghiên cứu viên thuộc các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, viện nghiên cứu, tổ chức chính trị xã hội các tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Bên cạnh đó, cũng theo PGS.TS Nguyễn Quang Linh: “Đại học Huế đã ban hành học phần đào tạo, đưa chương trình đào tạo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vào giảng dạy cho sinh viên”. Đồng thời để đảm bảo chất lượng, Đại học Huế cũng xây dựng những quy định, tiêu chí riêng cho các giảng viên khi tham gia giảng dạy học phần này.

(Kỳ 2: Tăng cường kết nối để bứt phá)

Theo Tầm nhìn

Bạn nghĩ sao?