15:52 - 13/04/2022
 
Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đại học Huế đã dần được hình thành rõ nét. Trong những năm qua, với vai trò, trách nhiệm một đơn vị được giao thí điểm, Đại học Huế đã nỗ lực, tiên phong, nghiên cứu, thử nghiệm nhiều mô hình, tổ chức các hoạt động nhằm thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Kỳ 2: Tăng cường kết nối để bứt phá

Với tất cả sự nỗ lực của Đại học Huế trong việc kiến tạo hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong trường đại học, các mảnh ghép đã dần rõ nét - đó là những đối tác, đơn vị đã và đang cùng Đại học Huế xây dựng và thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Chính phủ, Quỹ đầu tư, doanh nghiệp/tập đoàn, đơn vị truyền thông, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, các tổ chức quốc tế,…).

0911_1

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đại học Huế 

Không gian làm việc chung của Đại học Huế - Nơi tiếp sức đam mê

Trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của Đại học Huế có không gian làm việc chung với diện tích 2.000m2 tại vị trí trung tâm thành phố Huế - 20 Lê Lợi (bao gồm: khu văn phòng, không gian làm việc chung, không gian tổ chức sự kiện, phòng họp, phòng đào tạo, phòng cho các startup và không gian trưng bày khởi nghiệp).

Ngoài ra, Trung tâm cũng đang vận hành Không gian Cà phê khởi nghiệp gắn liền với Không gian làm việc chung. Đây là điểm đến lý tưởng của các doanh nghiệp, cá nhân khởi nghiệp. Không chỉ kết nối, tổ chức các sự kiện, không gian Cà phê khởi nghiệp là địa điểm cố vấn, hướng dẫn và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh.

Khu làm việc chung là nơi đã tổ chức hơn 100 sự kiện bao gồm các chương trình workshop, talkshow, forum, kick-off cho sinh viên, giảng viên, starups, lãnh đạo doanh nghiệp, thu hút sự tham gia của hơn 20.000 người.

0733_2

Khóa huấn luyện được tổ chức tại không gian của Trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, Đại học Huế 

Bên cạnh đó, hằng năm tại đây, Trung tâm cũng tổ chức các chuỗi cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo các cấp (Hueuni Business Innovation Hackathon dành cho sinh viên chưa có ý tưởng khởi nghiệp, Hueuni 10 Days Breakthrough dành cho sinh viên/nhóm sinh viên có ý tưởng, Cuộc thi Ý tưởng Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Đại học Huế dành cho sinh viên/cán bộ giảng viên đã có ý tưởng, sản phẩm)

Những nhóm khởi nghiệp sau khi tham gia cuộc thi đã được cố vấn, huấn luyện, hỗ trợ tham gia thử sức ở những sân chơi lớn hơn cuộc thi khởi nghiệp của của tỉnh, cuộc thi học sinh, sinh viên khởi nghiệp (SV-Startup), Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Techfest),… Trong đó, nhiều cái tên được ban giám khảo đánh giá tốt như: Save Blood, Leafpic-Pro, Gender, Serum Tế bào gốc,...

Đặc biệt, Sen Thảo – dự án với sản phẩm từ sen như nón lá sen, túi xách, tấm đệm sen... được Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo Đại học Huế ươm tạo là dự án đầu tiên được “rót vốn” từ Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo của tỉnh Thừa Thiên Huế.

0736_3

Lễ ký kết đầu tư được tổ chức tại Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo Đại học Huế 

Tăng cường phạm vi kết nối để bứt phá

Thực hiện nhiệm vụ thí điểm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) trong trường đại học Đại học theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, với sự hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ (thông qua nhiệm vụ Đề án 844), Đại học Huế đã tổ chức các hoạt động nhằm kết nối các trường Đại học, cao đẳng, trung cấp khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Đại học Huế đề xuất Sáng kiến mạng lưới KNĐMST các trường ĐH, cao đẳng, trung cấp khu vực miền Trung và Tây Nguyên, là mạng lưới với các hoạt động thảo luận mở nhằm phát triển hệ sinh thái KNĐMST trong các đơn vị và quốc gia.

0740_4

Lễ ký kết và tuyên bố thành lập mạng lưới KNĐMST các trường ĐH, cao đẳng, trung cấp khu vực miền Trung và Tây Nguyên 

Ông Hoàng Kim Toản – Giám đốc Trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo chia sẻ: “Đại học Huế nhận ra rằng, nếu các đơn vị chia sẻ với nhau các kinh nghiệm, các nguồn lực, các mối quan hệ và các tài nguyên đang có, thì hoạt động KNĐMST sẽ đi xa hơn và nhanh hơn, đặc biệt khi đây là chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chính phủ”.

Hiện đã có 17 trường khu vực miền Trung – Tây Nguyên cùng với Đại học Huế tuyên bố thành lập mạng lưới nhằm phát triển năng lực các đơn vị thành viên, hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ KNĐMST; nghiên cứu và thực hiện các giải pháp hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động KNĐMST, nâng cao năng lực chuyển giao, thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ…

Theo Tầm nhìn

Bạn nghĩ sao?