Phương Đông - 14:17 - 03/07/2020
 
Mâu thuẫn nội bộ tại Coteccons đã gác lại nhưng sự hoà hợp có bền lâu vẫn là một dấu hỏi.

 Mâu thuẫn của ban lãnh đạo Coteccons và các nhóm cổ đông lớn khởi nguồn khi kết quả kinh doanh chạm đỉnh vào năm 2017, kéo dài đến giữa năm nay. Từ đối tác chiến lược, mối quan hệ của hai bên chuyển sang trạng thái đối đầu khi Kustocem triệu tập họp bất thường và yêu cầu ông Nguyễn Bá Dương từ chức chủ tịch.

Kustocem tạo nên hiệu ứng "hòn tuyết lăn" hoàn hảo khi thu hút sự tham gia của nhiều nhóm cổ đông trong và ngoài nước, nắm khoảng 45% vốn Coteccons. Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp đầu ngành xây lắp tại Việt Nam lần lượt tung các lập luận phản bác, thậm chí tuyên bố sẵn sàng chuyển giao vị trí dù cho rằng những hành động trước đó mang tính chất thù địch và nhằm mục đích cuối cùng là hoàn tất quá trình thâu tóm.

Thế nhưng, chỉ sau một thông báo từ nhiệm thành viên Hội đồng quản trị của ông Nguyễn Sỹ Công và Trần Quyết Thắng vào chiều 22/6, cục diện đảo chiều hoàn toàn.

Đại diện Kustocem còn cảm ơn ông Dương đã chủ động có thay đổi cần thiết trong thời điểm vì lợi ích tốt nhất của công ty và cổ đông. Trong khi đó, ông Dương cho rằng khoảng cách địa lý, bất đồng văn hoá và quan điểm quản trị của các cổ đông lớn với Hội đồng quản trị khác nhau là nguyên nhân dẫn đến những lùm xùm vừa qua. Người đứng đầu Coteccons thừa nhận đây là lỗi của Hội đồng quản trị và xin lỗi cổ đông.

Ông Nguyễn Bá Dương tại phiên họp thường niên ngày 30/6. Ảnh: Quỳnh Trần.

Ông Nguyễn Bá Dương tại phiên họp thường niên ngày 30/6. Ảnh: Quỳnh Trần.

Tháo gỡ nút thắt, theo ông Dương và các nhóm cổ đông lớn, đánh dấu việc Coteccons bước sang một chương mới.

Sự khác biệt quan điểm trong thời gian qua, theo một nhóm cổ đông khác, nên được nhìn nhận là tiền đề cho sự phát triển thay vì bước ngoặt đưa đến các tranh chấp.

Sau khi miễn nhiệm nhân sự cũ, công ty bầu thay thế hai thành viên Hội đồng quản trị mới cho nhiệm kỳ 2017-2022 là ông Bolat Duisenov và Herwig Guido H. Van Hove. Số lượng thành viên Hội đồng quản trị vẫn giữ nguyên 7 người, trong đó 5 ghế thuộc về nhân sự liên quan đến nhóm cổ đông Kustocem và The8th. Nhân sự người Việt đương nhiệm chỉ còn ông Dương và ông Nguyễn Quốc Hiệp - thành viên độc lập.

Theo một số cổ đông thiểu số, cơ cấu này chưa hợp lý bởi đa phần nhân sự nước ngoài không có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng và thấu hiểu đặc thù thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, người đứng đầu Coteccons trấn an đây không phải vấn đề đáng lo ngại bởi điều quan trọng hiện tại là các thành viên đã ngồi lại và tìm được tiếng nói chung. Công ty sẽ mời thêm chuyên gia để tư vấn, phản biện và minh bạch tài chính, giao dịch giữa các đơn vị thành viên.

Ông Dương cho hay, cách đây 1-2 năm, nhiều chủ đầu tư đề nghị Coteccons hợp tác phát triển những dự án quy mô lớn nhưng công ty phải từ chối vì Hội đồng quản trị không thống nhất. Cá nhân ông, với tư cách chủ tịch, cũng không thể một mình quyết định nên đã bỏ lỡ nhiều cơ hội.

Khi nội bộ ổn định, công ty có thể tìm cách sử dụng hơn 3.300 tỷ đồng tiền mặt để đa dạng hoạt động kinh doanh. Theo ông Dương, phương án mà ban lãnh đạo Coteccons đang tính đến là hợp tác trực tiếp với những chủ đầu tư uy tín để triển khai dự án trong bối cảnh họ thiếu tiền mặt vì ngân hàng siết chặt tín dụng.

Lý giải về kế hoạch chuyển hướng kinh doanh, người đứng đầu Coteccons cho rằng, nếu chỉ tập trung vào xây lắp thì không thể tăng trưởng 30-40% như giai đoạn 2016-2018 vì đối thủ ngày càng nhiều trong khi công việc có hạn. Công ty là tổng thầu của hầu hết dự án lớn tại TP HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh... nhưng doanh số năm ngoái vẫn không hoàn thành kế hoạch. Ngoài ra, công ty cũng chỉ phù hợp với những dự án phức tạp, quy mô lớn và có tổng mức đầu tư tối thiểu 500 tỷ đồng.

"Coteccons sẽ kinh doanh bất động sản khác hẳn với các công ty khác, không phải xin hay mua dự án mà kết hợp trực tiếp để an toàn hơn", ông Dương nói. Đồng thời ông cho biết thêm năng lực hiện tại đủ khả năng phát triển mảng hạ tầng nhưng rủi ro lớn, thể hiện qua liên danh dự án BOT đường tránh Phủ Lý (Hà Nam) nên sẽ tiếp tục quan sát và chờ thời điểm thích hợp.

Một trong những ưu tiên hàng đầu khi bước vào giai đoạn mới, theo Tổng giám đốc Nguyễn Sỹ Công, vẫn là giữ vị thế nhà thầu số một với thị phần xấp xỉ 5%.

Coteccons đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận hợp nhất năm nay lần lượt là 16.000 tỷ đồng và 600 tỷ đồng, lần lượt giảm 32,6% và 15,5% so với năm trước. Giá trị hợp đồng thi công đã ký kết tính đến cuối năm khoảng 21.000 tỷ đồng. Công ty ước tính khoảng 60% trong số này sẽ thực hiện và ghi nhận trong năm nay.

Ban lãnh đạo Coteccons cho rằng kế hoạch kinh doanh đi xuống nhưng hợp lý khi dịch bệnh khiến nguồn việc giảm sút nghiêm trọng. Công ty được mời chào một số công trình nhưng từ chối vì không muốn chạy theo chỉ tiêu doanh thu mà phải đánh đổi bằng lợi nhuận, thậm chí không thu hồi được vốn.

Ông Công cho rằng, khó khăn năm nay cũng ẩn chứa nhiều cơ hội, tương tự việc công ty đã tận dụng tốt giai đoạn khủng hoảng kinh tế năm 2012 để vào nhóm doanh nghiệp đầu ngành.

tnh-hnh-kinh-doanh-ca-co

 

Sau khi dung hoà mối quan hệ với nhóm cổ đông ngoại, một số kế hoạch dang dở nhiều khả năng được tái khởi động. Từng khẳng định không bàn lại chuyện sáp nhập Ricons vào giữa năm ngoái, nhưng tại phiên họp thường niên mới đây, ông Dương để ngỏ khả năng triển khai thương vụ này.

Ông cho biết rất muốn hai công ty về chung một nhà để cùng định hướng phát triển. Thương vụ này giống việc sáp nhập Unicons cách đây 5 năm nhằm gia tăng thị phần. Nếu thành công, Coteccons sẽ có 3 trong số 5 công ty xây dựng lớn nhất Việt Nam. Sáp nhập Ricons được kỳ vọng giúp công ty đa dạng hoá các dự án và tăng khả năng phòng thủ khi mức độ cạnh tranh trong ngành xây dựng ngày càng khốc liệt.

"Việc này tuỳ thuộc vào bàn thảo của hội đồng quản trị mới. Nếu có kế hoạch, sang năm tôi sẽ xin ý kiến cổ đông", ông Dương nói.

Theo VnExpress

Bạn nghĩ sao?