Thiên Vân - 18:23 - 04/06/2020
 
Với diện tích đất được thuê (82.072 m2), nếu nộp tiền thuê đất hằng năm doanh nghiệp chỉ phải đóng cho nhà nước 408,6 triệu đồng, nhưng nếu nộp tiền thuê đất một lần (cho 32.75 năm) thì trung bình mỗi năm doanh nghiệp phải đóng cho nhà nước gần 886 triệu đồng (gấp 2,17 lần).

  Đó là một nghịch lý, cũng là cách mà chính quyền tỉnh Thanh Hóa đang “hỗ trợ” doanh nghiệp.

Với phương trâm lấy doanh nghiệp là động lực để nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế, trong thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong cải cách môi trường kinh doanh với 2 nhóm giải pháp quan trọng. Một là, Nghị quyết số 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Hai là, Nghị quyết số 35/NQ-CP năm 2016 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

Ngoài ra, để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh, năng suất lao động, đầu năm 2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp, chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.

Nói như vậy để thấy rằng, Chính phủ đặc biệt quan tâm đến vấn đề phát triển doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Do vậy, các cấp bộ, ngành trung ương và các địa phương phải tạo mọi điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển.

Tại Thanh Hóa, để hiện thực hóa những chủ trương, nghị quyết của Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện, đồng thời, chỉ đạo các sở, ban, ngành; các cơ quan đơn vị có liên tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã đạt được, vẫn còn những chủ trương, chính sách chưa hợp lý, chưa mang tính hỗ trợ, thậm chí gây khó khăn cho doanh nghiệp. Vụ việc bất hợp lý trong cách tính tiền thuê đất khi chuyển hình thức thuê đất tại dự án Nhà máy may công nghiệp xuất khẩu Như Thanh thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần may TATSU - thành viên của Tổng Công ty Tiên Sơn là một ví dụ điển hình.

Sở TN&MT đề xuất hơn 18 tỷ, UBND tỉnh duyệt hơn 29 tỷ

Căn cứ vào hồ sơ, tài liệu mà phóng viên có được cho thấy, khu đất Nhà máy may công nghiệp xuất khẩu Như Thanh được UBND tỉnh Thanh Hóa cho chuyển hình thức “nhà nước cho thuê đất trả tiền hằng năm” sang hình thức “nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần” tại Quyết định số 1481/QĐ-UBND ngày 24/4/2019. Tại quyết định này, Sở Tài nguyên và Môi trường được UBND tỉnh Thanh Hóa tin tưởng giao nhiệm vụ “xác định giá đất cụ thể theo quy định”.

2306_6

Quyết định số 1481/QĐ-UBND ngày 24/4/2019 của UBND tỉnh Thanh Hóa 

Theo đó, tổng diện tích đất Công ty Cổ phần may TATSU được cấp có thẩm quyền cho thuê là 82.072 m2, thời gian thuê tính từ ngày ban hành Quyết định số 1481/QĐ-UBND đến ngày 04/02/2052 (tương đương 32,75 năm).

Vị trí khu đất mà Công ty Cổ phần may TATSU thuê tiếp giáp Quốc lộ 45, thuộc địa bàn xã Hải Long, huyện Như Thanh. Trước kia khu đất này được sử dụng để xây dựng Nhà máy chế biến thực phẩm xuất khẩu Như Thanh, nhưng đến năm 2007 thì bị bỏ hoang. Năm 2016, Tổng công ty Tiên Sơn đã mua lại và đầu tư xây dựng nhà máy may công nghiệp xuất khẩu.

Với nhiệm vụ được giao, ngày 19/8/2019, Sở Tài nguyên và Môi trường có Tờ trình số 841/TTr-STNMT gửi Hội đồng thẩm định giá, đất đề xuất giá đất cụ thể để làm căn cứ tính tiền thuê đất cho Công ty Cổ phần may TATSU. Theo đó, tại tờ trình này, Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất đơn giá thuê đất là 226.360 đồng/01m2 (tương đương 18.557.837 đồng/32,75 năm/82.072 m2; bằng 1,21 lần so với giá đất quy định tại bảng giá ban hành kèm theo Quyết định 4545/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thanh Hóa).

Cần phải nói thêm rằng, trước khi đề xuất mức giá này, Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa đã căn cứ Chứng thư định giá đất của Công ty Cổ phần thẩm định giá IVC Việt Nam và các quy định có liên quan. Tuy nhiên, đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường đã không được Hội đồng thẩm định giá đất chấp nhận.

Tại Thông báo số 3729/HĐTĐGĐ ngày 28/8/2019, Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh Thanh Hóa kết luận: “Giá đất cụ thể trong phương án trình của Sở Tài nguyên và Môi trường là 226.360 đồng/m2 bằng 1,21 lần so với giá đất quy định tại bảng giá. Tuy nhiên, giá đất ở giao dịch thị trường lân cận đang có sự biến động tăng so với giá đất Nhà nước quy định. Khu đất thực hiện dự án giáp ranh với thị trấn huyện Như Thanh, nằm ở vị trí thuận lợi, tiếp giáp với đường Quốc lộ 45, gần đường Tỉnh lộ 520 nối Quốc lộ 45 vào Khu du lịch sinh thái Bến En. Hội đồng thống nhất mức giá cụ thể là 353.525 đồng/m2, bằng 1,9 lần so với giá đất tại bảng giá đất nhà nước quy định”.

2345_4

 Thông báo số 3729/HĐTĐGĐ ngày 28/8/2019 của Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh Thanh Hóa

Trên cơ sở Thông báo số 3729/HĐTĐGĐ ngày 28/8/2019 của Hội đồng thẩm định giá đất, ngày 06/9/2019, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 3546/QĐ-UBND phê duyệt phương án giá đất cụ thể làm căn cứ tính tiền thuê đất sử dụng vào mục đích Nhà máy may công nghiệp xuất khẩu Như Thanh (Quyết định do bà Lê Thị Thìn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký). Theo nội dung quyết định này, tổng số tiền mà Công ty Cổ phần may TATSU phải nộp cho nhà nước là 29.014.503.800 đồng/32,75 năm (tương đương 353.525 đồng/m2/năm).

Như vậy, sau khi được chính quyền tỉnh Thanh Hóa “hỗ trợ”, số tiền mà Công ty Cổ phần may TATSU phải trả để thuê đất một lần cao gấp 2,17 lần so với thuê đất hằng năm.

Chính quyền đang hỗ trợ hay gây khó doanh nghiệp?

Trao đổi với phóng viên, ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần may TATSU cho biết, mức giá mà hội đồng thẩm định giá đất tỉnh Thanh Hóa đưa ra cao gấp 1,5 lần so với giá thuê đất tại các địa phương khác như Thọ Xuân, Triệu Sơn, nơi doanh nghiệp của ông đã đầu tư.

“Chúng tôi rất bất ngờ và thất vọng khi nhận được Quyết định phê duyệt phương án giá đất của UBND tỉnh Thanh Hóa. Việc hội đồng thẩm định giá đất căn cứ vào giá đất khu vực lân cận có biến động tăng là rất cảm tính. Trước đây, khu đất từng bỏ hoang hơn chục năm. Chúng tôi đã đầu tư nhà máy may, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương chứ không phải xin thuê đất với mục đích thương mại, phân lô bán nền”, ông Lâm bức xúc.

Ông Lâm cho biết thêm, Công ty Cổ phần may TATSU cũng đã nhiều lần có văn bản kiến nghị, đồng thời báo cáo trực tiếp tại các cuộc gặp mặt doanh nghiệp định kỳ hằng tháng của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa. UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã có văn bản đề nghị các sở ngành có liên quan xem xét lại đề nghị của doanh nghiệp. Tuy nhiên, Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh Thanh Hóa vẫn giữ nguyên quan điểm mức giá đã định.

Về phía Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, đơn vị này cũng đã nhiều lần có văn bản gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị xem xét lại cách tính tiền thuê đất dự án Nhà máy may công nghiệp xuất khẩu Như Thanh của Công ty Cổ phần may TATSU.

2418_3

Nhà máy may xuất khẩu Như Thanh 

Tại các văn bản kiến nghị UBND tỉnh Thanh Hóa, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh nhận định, Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh Thanh Hóa đã làm việc thiếu khách quan, duy ý chí, bỏ qua các quy định của pháp luật hiện hành, có biểu hiện chèn ép, áp đặt giá đất, gây khó khăn cho Công ty Cổ phần may TATSU. Đồng thời cho rằng, việc Hội đồng thẩm định giá đất căn cứ vị trí của dự án nằm gần khu du lịch sinh thái Bến En để tăng giá thuê đất là không có cơ sở thực tiễn.

“Đất của Công ty Cổ phần may TATSU không phải đất thương mại, dịch vụ nên nếu có nằm gần khu du lịch sinh thái Bến En thì doanh nghiệp cũng không tận dụng được lợi thế mà khu du lịch mang lại. Ngược lại đây còn là hạn chế, áp lực đối với doanh nghiệp vì quá trình đầu tư, xây dựng, sản xuất sẽ phải đặc biệt lưu ý đến vấn đề môi trường”, văn bản kiến nghị nêu rõ.

Cũng theo Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, theo Phụ lục II, ban hành kèm theo Nghị định 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ, Như Thanh là huyện miền núi, địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Do đó, việc doanh nghiệp đầu tư nhà máy may, tạo công ăn việc làm, giải quyết bài toán an sinh xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương là điều nên khuyến khích. Tuy nhiên, việc Hội đồng thẩm định giá đất “bất ngờ” nâng giá thuê đất cao hơn mức đề xuất ban đầu của Sở Tài nguyên và Môi trường lên hơn 10 tỷ đồng khiến doanh nghiệp phải chịu sức ép quá lớn về mặt tài chính.

Được biết, để giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp, ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND - Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh Thanh Hóa (thay bà Lê Thị Thìn, nghỉ hưu từ 01/3/2020) đang giao cho Sở Tài chính – Cơ quan Thường trực của Hội đồng thẩm định giá đất chuẩn bị tài liệu báo cáo hội đồng thẩm định giá đất tại phiên họp gần nhất.

Hiện vụ việc đang được dư luận hết sức quan tâm, mong rằng, Hội đồng thẩm định giá đất; UBND tỉnh Thanh Hóa sẽ đưa ra một quyết định hợp lý, hợp tình, hỗ trợ doanh nghiệp theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Tầm nhìn

Bạn nghĩ sao?