Bảo Ngọc -
 
Dự thảo Chiến lược phát triển ngành thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đặt mục tiêu đến năm 2030, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 18 - 20 tỷ USD.

Ngày 26/10, tại Cần Thơ, Bộ N&PTNT tổ chức Hội nghị sơ kết chương trình mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững giai đoạn 2016-2020; xây dựng chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo Tổng cục thủy sản (Bộ NN&PTNT), tổng nguồn vốn cần để thực hiện chương trình mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững giai đoạn 2016-2020 hơn 49.000 tỷ đồng, đến nay đã bố trí và huy động được hơn 14.000 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2016-2019 giá trị sản xuất thủy sản đạt bình quân 6%/năm, sản lượng thủy sản đạt từ 6,5 - 7 triệu tấn và giá trị xuất khẩu thủy sản đạt từ 8 - 9 tỷ USD. Trong đó, 100% diện tích nuôi tập trung thâm canh các đối tượng nuôi chủ lực đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP.

2

Mục tiêu  phát triển thủy sản thành ngành sản xuất hàng hóa lớn

Mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 phát triển thủy sản thành ngành sản xuất hàng hóa lớn có năng lực cạnh tranh, hội nhập theo hướng có trách nhiệm và bền vững. Trong đó, đến năm 2030 kinh tế thủy sản đóng góp 30% GDP khối nông, lâm, ngư nghiệp. Tổng sản lượng thủy sản sản xuất trong nước đạt 10 triệu tấn; sản lượng khai thác thủy sản khoảng 25-30%, sản lượng nuôi trồng thủy sản khoảng 70-75%. Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 18-20 tỷ USD và giải quyết việc làm cho 3,5 triệu lao động.

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, việc xây dựng thương hiệu cho ngành thủy vẫn còn rất loay hoay, đặc biệt là sản phẩm chủ lực như tôm. Có đại biểu gợi ý, "thủy sản bây giờ cần có một bộ phim ngắn nhưng phải đầy đủ chất lượng, phải giới thiệu được thế mạnh, lợi thế của mình". Vấn đề “thẻ vàng IUU” cũng đang là yếu điểm, cần được đề cập cụ thể cùng những giải pháp thực tế.

1

 

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn được dự báo sẽ ngày càng diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng trực tiếp đến nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, hạ tầng thủy sản hiện đang yếu kém, chế biến chưa sâu; hạ tầng kho bãi, công nghệ chế biến chưa được cập nhật.

Vì vậy, cần phải tính cho mục tiêu tổng quát và cụ thể cho từng đối tượng như cá tra, tôm, ngành nuôi biển và cả khai thác để có căn cứ thực tiễn và khoa học cho mục tiêu năm 2030, tầm nhìn đến 2045.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng cho rằng, để đạt mục tiêu đề ra, cần phải có hệ thống giải pháp chặt chẽ và căn cơ, trên cơ sở huy động nguồn lực của Trung ương và xã hội hóa, nhằm đầu tư phát triển ngành thủy sản đạt mục tiêu đề ra, trong đó cần đầu tư công cho hạ tầng thủy sản là giải pháp đột phá cho ngành thủy sản.

Cụ thể, cần đầu tư ngân sách cho hạ tầng thủy sản với sản lượng 9 triệu tấn, 9 tỷ USD xuất khẩu, chưa kể Quyết định 79 là kế hoạch phát triển ngành tôm của Thủ tướng chính phủ đến 2025 phải xuất khẩu được 10 tỷ USD tôm.

Ghi nhận các ý kiến đóng góp, Thứ trưởng Bộ NN - PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, sẽ sớm bổ sung, hoàn thiện dự thảo để trình Thủ tướng vào cuối tháng 11. “Ngành thủy sản đã có hình hài nhưng muốn chặt chẽ có điểm nhấn thì chắc chắn không hề đơn giản và cần có thời gian dài”, ông Tiến nhấn mạnh

Bạn nghĩ sao?