Lam Anh - 13:36 - 12/03/2021
 
2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu (XK) một số ngành hàng chủ lực đã có sự tăng trưởng tốt cho thấy sự hồi phục rõ rệt của thị trường đã khả quan hơn. Hiệp hội Chế biến và thủy sản Việt Nam (VASEP) thông tin xuất khẩu thủy sản trong 2 tháng đầu năm nay tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, xuất khẩu thủy sản của cả nước trong tháng 2 ước đạt trên 405 triệu USD, giảm 19% so với cùng kỳ năm trước do trùng với kỳ nghỉ Tết nguyên đán nên thời gian sản xuất, chế biến ít hơn. Nhưng lũy kế cả 2 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản vẫn đạt hơn 1 tỉ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, xuất khẩu cá tra có nhiều tín hiệu tích cực với kim ngạch 2 tháng đạt 214 triệu USD, tăng 1,7%. Đặc biệt trong tháng 1, xuất khẩu cá tra phile đông lạnh tăng 54%, cá tra nguyên con tăng 162%. Ngoài khách hàng Trung Quốc, các đối tác từ Colombia cũng tăng mua cá tra nguyên con của Việt Nam. Xuất khẩu cá tra Việt Nam có chiều hướng hồi phục mạnh ở nhiều thị trường trong tháng đầu năm như sang Mỹ tăng 51%; sang các nước nằm trong Hiệp định CPTPP tăng 38% như Mexico tăng 73%, sang Úc tăng 45%, sang Canada tăng 42%; các thị trường khác gồm Brazil, Colombia, Anh, Nga cũng tăng từ 37 – 129%. Bên cạnh đó, xuất khẩu các mặt hàng hải sản sau 2 tháng đầu năm nay cũng đạt gần 420 triệu USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Xuat khau thuy san 2

Ảnh minh họa

So với mọi năm, 2 tháng đầu năm, xuất khẩu các sản phẩm thủy sản của Việt Nam tiếp tục bị chi phối bởi xu hướng tiêu thụ và thị trường trong bối cảnh dịch Covid vẫn diễn biến phức tạp và nghiêm trọng. Vì vậy, nhu cầu nghiêng về các sản phẩm thủy sản có giá vừa phải, dễ chế biến và có thời hạn bảo quản lâu như tôm chân trắng cỡ nhỏ đông lạnh, tôm chân trắng chế biến, chả cá, surimi, cả biển phile, cắt khúc, cá cơm khô, mực khô...

Trong khi đó, xuất khẩu các sản phẩm tôm nguyên con đông lạnh, nhất là tôm sú giảm, do yếu tố giá cao và do sự kiểm soát chặt hàng thực phẩm đông lạnh nhập khẩu của thị trường Trung Quốc.

Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm vẫn còn cũng bị hạn chế bởi cước vận tải biển tăng cao.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, XK thủy sản đang có chiều hướng khả quan hơn so với năm 2020. Đây là tác động tích cực từ các FTA như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) cũng như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Trong đó, với CPTPP, trong tháng 1/2021 các DN thủy sản đã XK nhiều đơn hàng với giá trị cao như Công ty cổ phần Thủy sản Minh Phú Hậu Giang xuất 160 tấn tôm đông lạnh sang Mỹ, châu Âu và Nhật Bản; Công ty cổ phần Chế biến XNK thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Baseafood) XK lô hàng đầu tiên gồm 8 container hàng thủy sản với tổng trị giá 700.000 USD sang Canada, Mỹ, Australia.

Từ đó đưa XK thủy sản sang khối này trong tháng 1/2021 tăng 34% so với cùng kỳ, trong đó sang Australia tăng 105%, Nhật Bản tăng 25%, Mexico tăng 68%... Bên cạnh đó, với UKVFTA cũng sẽ mở thêm cơ hội cho thủy sản Việt Nam XK sang thị trường Anh.

Theo đó, Anh đã nằm trong top 10 thị trường nhập khẩu thủy sản của Việt Nam với kim ngạch tăng liên tục. Bộ Công Thương cho biết, hiệu ứng của UKVFTA đã giúp XK thủy sản sang thị trường này đạt 19,72 triệu USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu tôm tháng 2 ước đạt gần 160 triệu USD, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2020, và tính đến hết tháng 2 xuất khẩu tôm đạt trên 380 triệu USD, giảm nhẹ 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do xuất khẩu tôm sú giảm gần 40%, trong khi xuất khẩu tôm chân trắng vẫn chiếm tỷ trọng ngày càng lớn, 80% tổng xuất khẩu tôm với khoảng 304 triệu, tăng khoảng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu cá tra sau khi sụt giảm liên tục trong năm 2020, đầu năm nay đã có dấu hiệu tích cực. Trong tháng 1 đã tăng 22%, đạt 123,5 triệu USD và tháng 2 giảm 17% đạt 90 triệu USD, đưa kết quả lũy kế 2 tháng lên 214 triệu USD, tăng 1,7% So với cùng kỳ năm ngoái.

XK thuy san 1

Xuất khẩu cá tra có tín hiệu tốt trong 2 tháng đầu năm 2021

Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng giám đốc Công ty CP Vĩnh Hoàn cho biết, xuất khẩu cá tra trong tháng 2 giảm mạnh là do cũng rơi vào thời gian nghỉ Tết Nguyên đán của phía Trung Quốc - thị trường xuất khẩu số 1 của cá tra Việt Nam nên không vận chuyển hàng được.

“Sự sụt giảm này không phải bây giờ mới có mà đã xảy ra bao lâu nay rồi cứ đầu năm dương lịch là xuất khẩu cá tra vào Trung Quốc bị giảm do rơi vào dịp Tết. Năm na, thêm tình hình dịch bệnh xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc bị bắt buộc kiểm Covid-19, nên khi đưa hàng qua Trung Quốc phải trừ hao thời gian kiểm dịch. Chính vì vậy, 3 tuần trước Tết Trung Quốc đã không cho nhập hàng vào nước họ, phải chờ qua tháng 3 mới bắt đầu xuất khẩu trở lại”, Bà Tâm nói.

Trong khi đó, xuất khẩu cá tra vào các thị trường Mỹ đang tăng tốt. Tháng 1/2021, xuất khẩu cá tra phile đông lạnh đã tăng 54%, cá tra nguyên con tăng 162%.

Ngoài khách hàng Trung Quốc, các nhà nhập khẩu Colombia cũng tăng mua cá tra nguyên con của Việt Nam. Trong tháng 1/2021 nước này nhập khẩu chủ yếu cá tra nguyên con, cá tra phile chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ.

Trừ Trung Quốc và EU, xuất khẩu cá tra Việt Nam có chiều hướng hồi phục mạnh tại tất cả các thị trường, trong đó tăng mạnh sang Mỹ (tăng 51% trong tháng 1/2021), sang các nước CPTPP tăng 38% (sang Mexico tăng 73%, sang Australia tăng 45%, sang Canada tăng 42%). XK sang các thị trường khác như Brazil, Colombia, Anh, Nga đều tăng từ 37-129.

Tổng xuất khẩu các mặt hàng hải sản trong tháng 1 tăng 31,4% đạt 264 triệu USD, sang tháng 2 giảm 21% đạt 150 triệu USD, đưa kết quả xuất khẩu 2 tháng đầu năm lên gần 120 triệu USD, tăng 5,5%.

Theo đà xuất khẩu 2 tháng đầu năm, dự báo kim ngạch xuất khẩu tháng 3/2021 sẽ đạt khoảng 640 triệu USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu sang Mỹ, EU và các nước CPTPP sẽ duy trì tín hiệu tích cực nhờ nhu cầu cao và nhờ "đòn bẩy" từ các hiệp định thương mại tự do EVFTA và CPTPP.

Đây cũng là cơ hội để các DN có thể tham gia chuỗi cung ứng mới thay thế cho các chuỗi cung ứng truyền thống vốn đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ do dịch COVID-19. Tuy nhiên, để hiện thực hóa những cơ hội to lớn mà FTA mang lại, các DN cần nắm chắc, đầy đủ, chính xác những cam kết trong từng Hiệp định liên quan đến lĩnh vực và hoạt động kinh doanh của mình, từ đó mới có nền tảng, cơ sở hành động, chuẩn bị nguồn lực, xây dựng và triển khai các kế hoạch để khai thác cơ hội từ FTA để mang lại hiệu quả cao nhất.

Năm 2021, dự báo XK hàng hóa của Việt Nam sang EU và một số thị trường sẽ tăng trưởng khả quan trong bối cảnh tình hình dịch bệnh được kỳ vọng sẽ được kiểm soát tốt hơn, các biện pháp hạn chế dần được nới lỏng và kinh tế EU nhiều khả năng sẽ hồi phục trở lại, mặc dù mức hồi phục chậm. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để các DN Việt Nam tận dụng cam kết trong Hiệp định EVFTA và các FTA khác hiệu quả hơn.

Bạn nghĩ sao?