Năm 2020, xuất khẩu tôm đạt kết quả rất đáng khích lệ. Viện trưởng Viện Chính sách và Phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard) Trần Công Thắng cho biết: Năm 2020, so với các nước đối thủ, Việt Nam có lợi thế do kiểm soát tốt hơn dịch Covid-19, các thị trường tiêu thụ chính như Mỹ, Liên hiệp châu Âu (EU), Trung Quốc ưu tiên chọn mua tôm của Việt Nam. Trong khi các nước sản xuất tôm chính như Ấn Ðộ, Ê-cu-a-đo, Thái-lan… đều phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19 như sản xuất, vận chuyển hàng hóa đình trệ, giá tôm giảm khiến hoạt động thả nuôi chậm, sản lượng tôm giảm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đã tích cực, chủ động xoay chuyển thị trường, tận dụng cơ hội từ những thay đổi tạo ra trên thị trường do dịch Covid-19, đa dạng hóa các sản phẩm phù hợp từng phân khúc khác nhau và tận dụng tốt các hiệp định thương mại đã được ký kết... Chính vì vậy, giá trị xuất khẩu tôm đạt kim ngạch 3,7 tỷ USD, tăng 11% so năm 2019. Mặt hàng tôm đã xuất khẩu đến 135 thị trường và có tới 508 doanh nghiệp xuất khẩu. Các thị trường lớn giữ được mức độ tăng trưởng khả quan là: Mỹ tăng 33%; EU tăng 6,1%; Hàn Quốc tăng 3,3% và Anh tăng 20,1%.
Ngoài ra, để đạt được kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng tốt như vậy, nguồn cung trong nước cũng đóng góp vai trò không nhỏ. Trong các tháng đầu năm 2020, sản xuất tôm gặp khó khăn do dịch Covid-19 kèm theo tình hình xâm nhập mặn tại các vùng nuôi chủ lực, dẫn đến sản lượng tôm nước lợ, nhất là tôm sú bị sụt giảm. Ðến cuối năm 2020, sản xuất tôm nước lợ đã phục hồi khi dịch bệnh được khống chế, việc xuất khẩu mặt hàng tôm nước lợ được khôi phục, dịch bệnh trên tôm nuôi cũng được kiểm soát, đã giúp cho sản lượng tôm nước lợ tăng trưởng khá, bảo đảm nguồn cung bền vững cho xuất khẩu. Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2020, sản lượng tôm sú đạt 267.700 tấn, tăng 1%; tôm chân trắng đạt 632.300 tấn, tăng 8,5% so cùng kỳ.
Tại Cà Mau, "vựa tôm" lớn nhất nước, những tháng đầu năm 2020, nhiều nhà nhập khẩu thủy sản đã tạm dừng, hoãn, hủy giao hàng làm cho việc xuất khẩu thủy sản gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh đã kịp thời triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ (giảm giá điện, giảm lãi suất ngân hàng, thuế,…), tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp, bảo đảm ổn định các điều kiện sản xuất, kinh doanh. Ðồng thời, Hiệp định EVFTA có hiệu lực tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp xuất khẩu vào các nước EU (năm 2020, kim ngạch xuất khẩu thủy sản vào EU đạt khoảng 100 triệu USD, chiếm 9,7% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, tăng hơn 400% so cùng kỳ năm 2019).
Bước sang năm 2021, các chuyên gia nhận định, xuất khẩu tôm của Việt Nam nếu bảo đảm tốt khâu nuôi trồng, chế biến thì sẽ tiếp tục đạt được các mốc tăng trưởng cao. Vắc-xin phòng Covid-19 ra đời cùng với lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do đang được các doanh nghiệp tận dụng sẽ là động lực cho hoạt động xuất khẩu tôm.
Những dự báo này là có cơ sở, khi ngay từ những ngày đầu năm 2021, tám công-ten-nơ hàng, với hơn 160 tấn tôm do Công ty cổ phần thủy sản Minh Phú Hậu Giang (Khu công nghiệp Sông Hậu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) đã được xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng của Việt Nam là EU, Mỹ và Nhật Bản. Chuyến hàng này như tín hiệu dự báo tốt lành cho ngành tôm xuất khẩu trong năm 2021…
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nhu cầu tôm trên thế giới sẽ tiếp tục tăng, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, nhu cầu thủy sản chế biến sẵn ăn tại nhà sẽ tăng mạnh. Đáng chú ý, theo VASEP, trong khi các nước sản xuất tôm chính như Ấn Độ, Ecuador, Thái Lan… đều phải chịu những ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh covid-19 như sản xuất, vận chuyển hàng hóa đình trệ, giá tôm giảm khiến hoạt động thả nuôi chậm, sản lượng tôm giảm… So với các nước đối thủ cạnh tranh, Việt Nam có lợi thế hơn do kiểm soát tốt hơn dịch bệnh covid-19, các thị trường tiêu thụ chính như Mỹ, EU, Trung Quốc ưu tiên chọn mua tôm của Việt Nam. Đây là những cơ hội cho ngành tôm Việt Nam.
VASEP dự báo, xuất khẩu tôm có thể đạt kim ngạch xuất khẩu từ 4 - 4,4 tỷ USD. Để đạt được chỉ tiêu này, cần tập trung cho các giải pháp như phát triển vùng nuôi, giảm giá thành tôm nguyên liệu, trong đó riêng sản lượng tôm thẻ cần đạt 1 triệu tấn. Các doanh nghiệp tập trung đầu tư công nghệ, chế biến chuyên sâu, gia tăng giá trị, đáp ứng tốt nhu cầu của các nước nhập khẩu.
Để hỗ trợ cho ngành hàng này nắm bắt cơ hội, thúc đẩy xuất khẩu, ông Nguyễn Quốc Toản cho hay, cùng với việc tổ chức chuỗi sự kiện, hội chợ, đưa mặt hàng thủy sản, trong đó có tôm chế biến đi các nước giới thiệu, quảng bá để tạo điều kiện cho xuất khẩu, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản sẽ xúc tiến, đưa hàng từ phía Nam ra Bắc tiêu thụ nhằm kích thích thị trường tiêu thụ nội địa cũng sẽ được đẩy mạnh triển khai.
Doanh nghiệp phát triển những sản phẩm chế biến sâu, giá trị gia tăng cao để phục vụ đa dạng đối tượng khách hàng và phân khúc thị trường. Doanh nghiệp và người nuôi cần chuẩn bị tốt các điều kiện và thả giống theo lịch mùa vụ năm 2021. Coi trọng công tác phòng, chống dịch bệnh, kiểm soát tạp chất, tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm tôm bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, cần tăng cường liên kết giữa các đơn vị tham gia chuỗi sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, tiếp tục nâng cao tỷ trọng các mặt hàng giá trị gia tăng cao trong xuất khẩu. Nhân rộng các mô hình, chuỗi sản xuất hiệu quả, giữ vững và phát triển thị trường "đầu ra". Tham gia các chương trình xúc tiến thương mại để đưa mặt hàng thủy sản, trong đó có tôm chế biến đi các nước giới thiệu, quảng bá, tìm kiếm thêm thị trường mới và hướng đến xuất khẩu bền vững.
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- Thông điệp gửi mẹ qua chiếc chong chóng tuổi thơ
- Tập đoàn Geleximco và những dự án nhà ở ghi dấu ấn
- Tập đoàn BRG lần thứ 3 liên tiếp được vinh danh tại giải thưởng BCI Asia Awards 2022
- Những “chuyến tàu trở về tuổi thơ” xuất phát tại công viên xanh lớn nhất miền Bắc
- Sổ tiết kiệm HDBank trị giá 300 triệu đồng đã tìm được chủ nhân
- Dịp nghỉ Lễ 30/4 - 1/5, giá vé tăng, hàng không và đường sắt dự kiến tăng chuyến