Thu Trinh -
 
Theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), dù dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, song ngành dệt may đặt mục tiêu năm 2021 sẽ xuất khẩu từ 38-39 tỷ USD.

Là 1 trong 5 nước không bị dừng sản xuất

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinatex cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Việt Nam là nước duy nhất trong top 5 nước xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới không bị cách ly và không bị dừng sản xuất. Vì vậy, việc triển khai nhiều giải pháp chống dịch đã giúp cho xuất khẩu dệt may của Việt Nam có mức suy giảm thấp nhất xét về mặt hàng quần áo trong top 5 các nước xuất khẩu dệt may thế giới.

Theo Vinatex, 2020 là năm đầu tiên sau 25 năm xuất khẩu dệt may Việt Nam tăng trưởng âm 10,5%, tức là chỉ đạt 35 tỷ USD, giảm so với con số 39 tỷ USD năm 2019. Đây là mức suy giảm thấp trong bối cảnh tổng cầu dệt may thế giới giảm trên 52% (từ 740 tỷ USD về 600 tỷ USD), các quốc gia cạnh tranh trong lĩnh vực dệt may đều có mức giảm từ 15-20% thậm chí gần 30% do bị cách ly dài. Tuy nhiên, nhờ không bị gián đoạn sản xuất nên thị phần của ngành thời trang dệt may Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tại các thị trường lớn. Cùng với đó, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) tuy không thể bù đắp được sự sụt giảm về kim ngạch song đã có tác dụng đáng kể trong việc giảm thiểu thiếu hụt đơn hàng.

detmay2021-01

Sản xuất hàng may mặc tại Xí nghiệp Sơ mi, Veston của Tổng Công ty May 10 tại Sài Đồng, Quận Long Biên, Hà Nội

Cùng với những chính sách hỗ trợ của Nhà nước và Chính phủ, nhiều doanh nghiệp dệt may đã chủ động tìm hướng đi mới như chuyển đổi từ may mặc quần áo, veston cao cấp sang may đồ bảo hộ, khẩu trang xuất khẩu, giúp duy trì tăng trưởng của ngành và tạo công ăn việc làm cho người lao động. Kim ngạch xuất khẩu của ngành trong năm 2020 đạt kết quả ấn tượng, ở mức 35,27 tỷ USD.Ông Lê Tiến Trường nhận định, năm 2021 vẫn sẽ đầy khó khăn và bất định với xu thế giảm giá, hàng hoá đơn giản sẽ thay thế hàng thời trang, dẫn tới năng lực sản xuất sẵn có sẽ trở nên dư thừa và xuất hiện nhiều yêu cầu các năng lực sản xuất mới. Tuy nhiên, năm 2021, ngành dệt may vẫn đặt kế hoạch xuất khẩu cao nhất 39 tỷ USD.

Phải thích ứng, chuyển đổi nhanh với biến cố thị trường

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), dịch COVID-19 trên toàn cầu chưa thể kiểm soát, sẽ còn ảnh hưởng tiếp đến năm 2021 - 2022. Ông Giang nhận định, nếu quý I và II/2021 có vaccine và toàn cầu tiêm vaccine vào cả năm 2021, đến cuối năm 2023 mới có thể kiểm soát và thị trường dệt may khôi phục như năm 2019.

Do đó, Chủ tịch VITAS cho rằng, các doanh nghiệp phải thích ứng, chuyển đổi nhanh khi biến cố thị trường khiến sức mua toàn cầu giảm, nhiều mặt hàng truyền thống của Việt Nam không còn chuyên môn hóa, ví dụ như: veston, sơ mi nam, sơ mi nữ đã giảm xuống 70 - 80%. Đây là thách thức lớn đối với ngành dệt may Việt Nam, buộc doanh nghiệp phải thích ứng. Cùng với đó, các doanh nghiệp cần tìm hiểu tình hình thay đổi của thị trường trong nước và quốc tế để tìm giải pháp phù hợp, chủ động ứng phó trong năm 2021.

Để thực hiện giải pháp vượt qua thách thức của dịch COVID-19, Chủ tịch VITAS cho rằng, cần xây dựng liên kết chuỗi của ngành công nghiệp dệt may trong khu vực, đặc biệt là liên kết chuỗi với các nước trong khối cộng đồng những hiệp định thương mại mà nước ta mới ký với các nước; liên kết chuỗi nội khối trong Việt Nam và nội khối các nước ASEAN... Đây là vấn đề sống còn cho mục tiêu phát triển bền vững.

detmay2021-02

Nhiều doanh nghiệp dệt may đã chủ động chuyển đổi từ may mặc quần áo, veston cao cấp sang may đồ bảo hộ, khẩu trang xuất khẩu.

Đặc biệt, ngành dệt may Việt Nam cần đưa ra chiến lược phát triển bền vững. Đặc biệt, mô hình của các doanh nghiệp phải thay đổi, đáp ứng nhu cầu của nhãn hàng và người tiêu dùng toàn cầu. Doanh nghiệp dệt may phải chú trọng các tiêu chí, chứng nhận xuất xứ và chứng nhận về đảm bảo môi trường, vấn đề tiết kiệm năng lượng, tái tạo và đặc biệt là an toàn sản phẩm.

Nhằm thực hiện kế hoạch phát triển ổn định cho ngành dệt may trong giai đoạn tới, VITAS tiếp tục kiến nghị Bộ Công Thương, Chính phủ sớm ban hành chiến lược dệt may 2030 - 2040 để từ chiến lược này, định hướng được các khu công nghiệp lớn kêu gọi đầu tư vào nguồn cung thiếu hụt. Để chủ động nguồn cung, cộng đồng doanh nghiệp cần tiếp tục xây dựng giải pháp liên kết trong nội khối của ngành dệt may Việt Nam, đặc biệt chia sẻ thông tin, đơn hàng.

“Giải pháp quyết định đến thành công của ngành dệt may Việt Nam là cơ chế, chính sách phải thực sự thông thoáng, đặc biệt là ngành hải quan, vận tải logistics. Các chính sách phát triển của Chính phủ định hướng để ngành dệt may có đóng góp ổn định cho nền kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động với mục tiêu đặt ra, ngành dệt may sẽ xuất khẩu 38 - 39 tỷ USD vào năm 2021”, ông Vũ Đức Giang nhấn mạnh.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Tiến Trường kiến nghị Chính phủ tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tỷ giá, lãi suất…; có chính sách cụ thể cho công nghiệp hỗ trợ dệt may, kể cả không gian và các điều kiện kích thích phát triển. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do thông qua hướng dẫn các quy trình đáp ứng quy tắc xuất xứ…

Ông Trường cũng đề nghị các địa phương ủng hộ dệt may phát triển trên nguyên tắc bền vững, sản xuất sạch mà dệt may phải tuân thủ theo các quy ước toàn cầu của chuỗi cung ứng.

Bạn nghĩ sao?