Mai Tuyết -
 
Trước tình hình dịch COVID-19 ngày càng diễn biến phức tạp tại tỉnh Bắc Giang, trong khi mùa thu hoạch vải 2021 đang cận kề, Chính phủ đã có nhiều hỗ trợ cụ thể, kịp thời, vừa tạo thuận lợi nhất cho việc xuất khẩu, tiêu thụ trong nước vừa kiểm soát an toàn dịch bệnh.

Theo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Bắc Giang, vải thiều Bắc Giang chín sớm sẽ được tập trung thu hoạch từ 20/5 – 10/6. Vải chính vụ thu hoạch từ 10/6 đến 20/7.

Năm nay, diện tích trồng vải của tỉnh này khoảng 28.000 ha, sản lượng ước 180.000 tấn, tăng 15.000 tấn so với vụ vải 2020.

Để sản xuất, tiêu thụ vùng vải đặc sản lớn nhất nước hiện nay không đứt gãy, UBND tỉnh Bắc Giang ngày 17/5 đã ban hành kế hoạch tiêu thụ vải thiều, cùng nhiều giải pháp hỗ trợ việc mua/bán.

Trước thực tế đó, để giúp việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản của tỉnh Bắc Giang được thuận lợi, gỡ khó về đầu ra cho doanh nghiệp, Hợp tác xã và nông dân, Chính phủ đã có những hành động kịp thời chỉ đạo các Bộ, ngành trung ương hỗ trợ tỉnh Bắc Giang trong việc kết nối, thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông sản. Chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc tạo điều kiện thuận lợi cho phép các xe vận chuyển các sản phẩm nông sản của Bắc Giang được lưu thông, tiêu thụ trên địa bàn; giúp đỡ các thủ tục liên quan đến việc thông thương hàng hóa qua các cửa khẩu được thuận lợi và nhanh chóng.

Vai Bac Giang

 Diện tích trồng vải của tỉnh Bắc Giang khoảng 28.000 ha, sản lượng ước 180.000 tấn

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến việc tiêu thụ nông sản của tỉnh, đặc biệt là việc lưu thông, vận chuyển nông sản từ Bắc Giang sang các địa phương khác, cũng như xuất khẩu qua các cửa khẩu gặp khó khăn, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của nông dân. Theo đó, tỉnh Bắc Giang đã có văn bản đề nghị Chính phủ gỡ khó.

Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã làm việc với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính thành lập tổ công tác liên ngành giải quyết các vấn đề về tiêu thụ nông sản, đặc biệt ở các cửa khẩu biên giới. Có văn bản gửi tới Tổng cục Hải Quan Trung Quốc tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hàng hoá, không xảy ra tình trạng ứ đọng ở biên giới.

Xây dựng kịch bản huy động lực lượng cho công tác thu hoạch, tiêu thụ vải thiều trên địa bàn; triển khai việc thành lập các tổ liên kết giữa các hộ trồng vải với nhau theo khu vực, địa bàn để hỗ trợ trong thu hái, vận chuyển.

Kịch bản 1: Dịch bệnh được kiểm soát, vải thiều được tiêu thụ thuận lợi với sản lượng tiêu thụ 50% trong nước (khoảng 90.000 tấn), 50% xuất khẩu (khoảng 90.000 tấn). Với tình huống này, vải được tiêu thụ tại thị trường trong nước tập trung tại các chợ đầu mối; tập đoàn phân phối có hệ thống siêu thị; DN chế biến xuất khẩu, chợ truyền thống, sàn thương mại điện tử. Thị trường xuất khẩu gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, Thái Lan, Mỹ, EU…

Kịch bản 2: Dịch bệnh diễn biến phức tạp, tuy nhiên vẫn trong tầm kiểm soát, sản lượng vải thiều được tiêu thụ 70% trong nước (khoảng 130.000 tấn), 30% xuất khẩu (khoảng 50.000 tấn). Vải tiêu thụ trong nước tại các chợ đầu mối như: Thủ Đức, Bình Điền (TP HCM), Long Biên (Hà Nội), Hòa Cường (Đà Nẵng)… sản lượng khoảng 55.000 tấn; các tập đoàn phân phối lớn 20.000 tấn; sàn thương mại điện tử 2.000 tấn; chợ truyền thống 13.000 tấn và một phần vải dành để sấy khô.

Kịch bản 3: Dịch COVID-19 ảnh hưởng toàn diện, hoạt động xuất khẩu đóng băng, sản lượng vải thiều chủ yếu tiêu thụ nội địa. Theo đó, hỗ trợ tiêu thụ vải thiều cho bà con nông dân tại thị trường trong nước. Tiêu thụ tại các chợ đầu mối lớn 80.000 tấn; các tập đoàn phân phối có hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại khoảng 30.000 tấn; các DN chế biến xuất khẩu (gồm: Công ty cổ phần Thực phẩm Đồng Giao, Công ty TNHH MTV Dũng Sỹ, Công ty Thực phẩm Á Châu…) 30.000 tấn. Số còn lại tiêu thụ tại chợ truyền thống, sàn giao dịch thương mại; để sấy khô và chế biến khác.

Vai bac giang 2

Tỉnh Bắc Giang đã gửi công văn đề nghị Bộ Công Thương, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp, hỗ trợ xây dựng chương trình đẩy mạnh phân phối vải thiều Bắc Giang qua “Gian hàng Việt trực tuyến”

Để tiêu thụ vải thiều thuận lợi, UBND tỉnh Bắc Giang đã đề nghị huyện Lục Ngạn thành lập các tổ chốt, trạm tại các tuyến đường chính giáp ranh với các huyện Lục Nam, Sơn Động (Bắc Giang), Đình Lập, Hữu Lũng (Lạng Sơn) để kiểm soát công tác phòng, chống dịch COVID-19, bảo đảm an toàn vùng sản xuất vải thiều, thời hạn bắt đầu từ 20/5.

Đồng thời, ưu tiên tiêm vaccine COVID-19 cho người dân vùng có vải, vận động người trồng vải không đi khỏi địa bàn. Khuyến khích, thúc đẩy đầu tư các lò sấy vải thiều.

Xây dựng kịch bản huy động lực lượng cho công tác thu hoạch, tiêu thụ vải thiều trên địa bàn; triển khai việc thành lập các tổ liên kết giữa các hộ trồng vải với nhau theo khu vực, địa bàn để hỗ trợ trong thu hái, vận chuyển.

Huyện Lục Ngạn và Tân Yên rà soát, khẩn trương lập danh sách, khoanh vùng và lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 với toàn bộ công nhân trên địa bàn huyện đi làm tại các khu công nghiệp; tầm soát đối với các trường hợp là F1 đưa về khu cách ly tập trung của tỉnh.

Phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh xây dựng phương án thu hoạch, đóng gói vải thiều đáp ứng các điều kiện, yêu cầu để xuất khẩu và tiêu thụ trong nước; có thể truy xuất được nguồn gốc sản phẩm với các thông tin về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đảm bảo rõ ràng, an toàn dịch COVID-19.

Trong trường hợp cần thiết, báo cáo Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 1 cho phép lực lượng quân đội trên địa bàn tỉnh hỗ trợ người dân thu hoạch, đóng gói, vận chuyển vải thiều trên cơ sở kế hoạch hiệp đồng lực lượng về công tác phòng chống thiên tai.

Ngoài ra, UBND tỉnh Bắc Giang còn yêu cầu tập trung cao cho hình thức tiêu thụ, chào bán sản phẩm vải thiều trên các sàn thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng online như: tiki.vn, lazada.vn, sendo.vn, voso.vn...; bán hàng online trên các trang mạng xã hội zalo, facebook, youtube.

Bên cạnh đó, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia, thiết kế các gian hàng tiêu thụ trên Sàn thương mại điện tử uy tín như Alibaba, Amazon, Sendo, Voso, Shopee,... phối hợp với các sàn thương mại điện tử kết nối với các chuỗi cung ứng, đảm bảo hệ thống hậu cần như vận chuyển, kho lạnh, đóng gói để đưa sản phẩm vải thiều đảm bảo chất lượng đến tay người tiêu dùng.

Trước đó, tỉnh đã gửi công văn đề nghị Bộ Công Thương, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp, hỗ trợ xây dựng chương trình đẩy mạnh phân phối vải thiều Bắc Giang qua “Gian hàng Việt trực tuyến” và trên các sàn thương mại điện tử để đưa sản phẩm vải thiều hướng tới một kênh phân phối mới, hiện đại và bền vững trên nền tảng số.

                                                                                                

Bạn nghĩ sao?