Thùy Linh - 09:23 - 12/05/2021
 
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), thị trường lao động Việt Nam nhìn chung vẫn là một thị trường dư thừa lao động; chất lượng việc làm chưa cao; phát triển không đồng đều, mất cân đối nghiêm trọng về cung - cầu lao động giữa các vùng, khu vực, ngành nghề kinh tế.

Thị trường lao động Việt Nam còn nhiều bất cập

Thực tiễn những năm vừa qua cho thấy thị trường lao động Việt Nam đã có những cải thiện nhất định về hệ thống chính sách lao động, việc làm, tạo khung pháp lý để phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của nguồn nhân lực và giải quyết việc làm cho người lao động. Kết quả, giai đoạn vừa qua, thị trường lao động đã có nhiều dịch chuyển tích cực.

Lao động đã dịch chuyển từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ; từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức, từ những công việc không ổn định, bấp bênh (lao động tự làm, lao động gia đình không được hưởng lương) sang những công việc mang tính ổn định, bền vững và đảm bảo hơn; từ những ngành nghề đơn giản sang những ngành nghề đòi hỏi chuyên môn, kỹ thuật cao; từ khu vực có năng suất lao động thấp sang khu vực có năng suất lao động cao hơn.

Hội thảo “Phát triển thị trường lao động nhằm thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế ở Việt Nam” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức với sự hỗ trợ của Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform)

Hội thảo “Phát triển thị trường lao động nhằm thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế ở Việt Nam” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức với sự hỗ trợ của Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform)

Tuy nhiên, nghiên cứu của CIEM cũng cho thấy, thị trường lao động của Việt Nam vẫn bộc lộ không ít bất cập.

Lao động phi chính thức, lao động phổ thông vẫn chiếm chủ yếu; lao động đã qua đào tạo có chứng chỉ, bằng cấp còn thấp, mới đạt 24,5% năm 2020, cơ cấu lao động đã qua đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Các định chế trung gian, chính sách an sinh và bảo hiểm của thị trường lao động còn yếu, độ bao phủ thấp, chưa đạt hiệu quả cao.

Theo bà Lê Thị Xuân Quỳnh, Phó Trưởng ban Ban nghiên cứu kinh tế ngành và lĩnh vực (CIEM), chất lượng nguồn lao động của Việt Nam còn thấp, trong đào tạo còn thiếu gắn kết giữa đào tạo và thực hành. Vì thế, kỹ năng lao động của Việt Nam còn nhiều hạn chế, chỉ đạt 46/100 điểm (xếp thứ 103 trên thế giới), kém rất xa so với nhóm ASEAN-4, chỉ cao hơn Indonesia và Lào. 

Tỉ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi 15 - 45 thường xuyên ở mức cao. Năm 2019, lao động trong độ tuổi 15 – 45 thất nghiệp chiếm 6,51%, trong 38,7% tổng số người thất nghiệp. Lao động phân bổ không đều, còn bất hợp lý giữa các vùng: Các vùng đất rộng có tỷ trọng lao động thấp (vùng trung du miền núi phía Bắc chỉ chiếm 13,87% lực lượng lao động, Tây Nguyên chiếm 6,25% lực lượng lao động). Những số liệu này phản ánh phần nào về chất lượng đào tạo của Việt Nam. Sinh viên, học viên ra trường thiếu các kỹ năng, chuyên môn cần thiết đáp ứng được các yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Bên cạnh đó, lực lượng lao động tại Việt Nam ngày một già hóa với lao động cao tuổi tăng mạnh, lao động trẻ giảm và không đủ thay thế lực lượng lao động đang già hóa. Năm 2019 tuổi bình quân là 41 tuổi, tuổi trung vị là 40 tuổi.

Cũng theo bà Quỳnh, hệ thống thông tin về việc làm hiện nay còn rất nhiều hạn chế. Cơ sở dữ liệu việc làm của các trung tâm giới thiệu việc làm công lập ít, chủ yếu là về đối tượng bảo hiểm thất nghiệp. Các trung tâm này ít khi thực hiện thu thập và cập nhật thông tin về người tìm việc hay việc tìm người. Ngược lại, thông tin từ các công ty tư nhân lại thường không cho phép tiếp cận mở. Thực tế cho thấy, một nửa hoạt động tìm kiếm việc làm thực hiện qua những con đường phi chính thức, như bạn bè, người thân; chỉ có 2-3% tìm qua các trang web.

Cơ cấu đào tạo cũng thể hiện sự bất cân đối với nhu cầu trên thị trường lao động. Theo kết quả khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM vào tháng 12/2019 cho thấy, nhu cầu tuyển dụng nhân lực qua đào tạo chiếm 83,08%. Trong đó nhu cầu trình độ Trung cấp chiếm tỷ lệ cao nhất 27,62%, kế đến là Sơ cấp nghề chiếm 23,28%, trình độ Đại học trở lên chiếm 16,86%, Cao đẳng chiếm 15,32%.

Có thể thấy, thị trường lao động Việt Nam vẫn là một thị trường dư thừa lao động và phát triển không đồng đều. Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng của Việt Nam giai đoạn 2018 - 2019 dao động ở mức 4,0%. Đến năm 2020, tỷ lệ này đã tăng lên 5,02%. Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng là chỉ tiêu tổng hợp cho biết mức độ “lệch pha” giữa cung và cầu lao động trên thị trường, phản ánh tình trạng dư về cung lao động.

Việc thiếu các quy định quản lý loại hình lao động dẫn đến các khó khăn trong việc nắm bắt, quản lý và khớp nối cung cầu lao động trên thị trường, khó đảm bảo công tác an sinh xã hội đối với các đối tượng này. Điều này được bộc lộ rõ nét trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vừa qua.

Cải thiện và phát triển thị trường lao động, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu

Theo bà Lê Thị Xuân Quỳnh, nguyên nhân dẫn tới hạn chế thị trường lao động Việt Nam là sự thiếu đồng bộ, triển khai chậm: sắp xếp mạng lưới trường lớp chưa đi cùng với hoàn thiện quy hoạch tổng thể về phát triển trường lớp; xác định các ngành nghề trọng điểm nhưng chưa có chính sách gắn kết giữa cơ sở giáo dục với doanh nghiệp; Cơ chế tự chủ tài chính của các cơ sở giáo dục chưa đi cùng với tự chủ về con người, về chương trình đào tạo; thiếu nguồn lực để thực hiện.

Cơ cấu lao động của Việt Nam phát triển không đồng đều

Cơ cấu lao động của Việt Nam phát triển không đồng đều

Đáng chú ý, mức tiền lương tối thiểu vùng đối với khu vực tư nhân được xác định trên quan hệ 3 bên: Nhà nước, người sử dụng lao động (giới chủ) và người lao động (công đoàn), nhưng mức tiền lương tối thiểu chưa đảm bảo được cuộc sống; cơ chế phân phối tiền lương đổi mới chậm, thực chất mới điều chỉnh tăng lương cơ sở.

Trong giai đoạn tới, bối cảnh kinh tế quốc tế có nhiều thay đổi và biến động khó lường, sự phát triển mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn biến gay gắt của biến đổi khí hậu tiếp tục đặt ra yêu cầu về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, trọng tâm là cơ cấu lại các ngành sản xuất, dịch vụ phù hợp với các vùng, thúc đẩy cơ cấu lại và điều chỉnh chiến lược phát triển doanh nghiệp, tăng nhanh giá trị nội địa, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm, của doanh nghiệp và của cả nền kinh tế nhằm phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực cho phát triển đất nước.

TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng, Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, để phát triển thị trường lao động trong thời gian tới cần chú trọng hoàn thiện thể chế, chính sách về đào tạo nguồn nhân lực, về tạo dựng và giải quyết việc làm cho người lao động, về chính sách tiền lương cho người lao động và về phát triển các định chế trung gian, các cơ chế an sinh, bảo hiểm xã hội cho người lao động để thúc đẩy thị trường lao động phát triển theo hướng hiện đại, hiệu quả và hội nhập với thị trường lao động khu vực và thế giới, đáp ứng quá trình cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hiện đại, thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao.

Bên cạnh đó, cần sửa đổi Luật Việc làm phù hợp với các hình thái việc làm mới, quan hệ lao động mới theo định hướng phát triển và mở rộng qui mô việc làm thỏa đáng, bền vững; giảm qui mô việc làm phi chính thức với các quy định hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm, tránh sa thải lao động, bảo đảm quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người lao động. Nâng cao năng lực giám sát, đánh giá thị trường lao động của các cơ quan quản lý nhà nước. Khuyến khích việc chuyển đổi sang hình thức kinh doanh chính thức, tiến đến luật hóa các hoạt động kinh doanh. Tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin về chủ trương, đường lối, chính sách

Về chính sách tạo việc làm, TS. Bùi Sỹ Tuấn, Phó Chánh Văn phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, khi quy hoạch phát triển các tỉnh/vùng phải quan tâm đến phát triển các khu vực kinh tế trọng điểm, các KCN, CCN theo mô hình cụm liên kết ngành gắn với chuỗi giá trị để vừa khai thác và phát huy lao động tại chỗ, lao động giản đơn, vừa thu hút được lao động chất lượng cao và dần tạo tác động lan tỏa cải thiện mặt bằng chất lượng lao động; khuyến khích doanh nghiệp sử dụng lao động lớn tuổi; hỗ trợ tạo việc làm cho các đối tượng yếu thế, các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương do tác động của tái cấu trúc kinh tế, hội nhập, ứng dụng/chuyển giao công nghệ mới và tác động của dịnh bệnh; hoàn thiện hệ thống pháp luật về thanh kiểm tra, xử lý; đảm bảo người lao động tiếp cận được với các quy định, hỗ trợ của Nhà nước. Đặc biệt, sửa đổi chính sách tiền lương gắn với năng lực, hiệu quả lao động; đổi mới công tác đánh giá hiệu quả công việc của người lao động bằng cách xây dựng bộ tiêu chuẩn đánh giá thực hiện công việc (KPI) cho từng vị trí việc làm…

Bạn nghĩ sao?