Quỳnh Chi -
 
Định hướng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tập trung phát triển Hội An trở thành đô thị tiêu biểu của du lịch cả nước, Cù Lao Chàm trở thành khu du lịch quốc gia.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam Lê Văn Dũng vừa ký Báo cáo số 92-BC/TU của Tỉnh ủy Quảng Nam gửi Ban Bí thư Trung ương Đảng về tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển du lịch Quảng Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, định hướng phát triển du lịch kết hợp phía Bắc, phía Tây, phía Nam của tỉnh Quảng Nam, liên kết phát triển du lịch với Đà Nẵng, khu vực Tây Nguyên và các tỉnh lân cận nhằm hình thành các tuyến/tour vòng tròn du lịch trong tỉnh và tỉnh Quảng Nam với các tỉnh, thành phố trong vùng liên kết.

Mục tiêu, đến năm 2025, Quảng Nam đón khoảng 12 triệu lượt khách. Trong đó, khách quốc tế chiếm 50%. Thu nhập xã hội từ du lịch đạt 26.000 tỷ đồng.

Đến năm 2030, tỉnh này dự kiến đón khoảng 18 triệu lượt khách. Trong đó, khách quốc tế chiếm 55% tổng lượng khách. Thu nhập xã hội từ du lịch tăng lên 45.000 tỷ đồng.

cu lao cham 2

Xây dựng Cù Lao Chàm trở thành khu du lịch quốc gia.

Về công tác quy hoạch, phía Bắc: tập trung phát triển Hội An trở thành đô thị du lịch tiêu biểu của cả nước; Cù Lao Chàm trở thành khu du lịch quốc gia. Hoàn thành khai thông, nạo vét sông Cổ Cò phục vụ phát triển tuyến du lịch Hội An – Đà Nẵng; thu hút đầu tư phát triển núi Bằng Am trở thành khu du lịch mới.

Phía Nam: phấn đấu đến năm 2025, hình thành được một số khu du lịch lớn tại vùng Đông Nam Thăng Bình, vùng Đông Tam Kỳ và huyện Núi Thành.

Phía Tây: tập trung bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số kết hợp với các di tích lịch sử, văn hóa, các giá trị đặc trưng của làng nghề truyền thống, khu bảo tồn thiên nhiên, lòng hồ thủy điện, du lịch sinh thái, thể thao mạo hiểm…

Nghiên cứu đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch mới dựa trên khai thác lợi thế so sánh về đa dạng sinh học, cảnh quan và văn hóa đặc sắc tại các huyện miền núi, phát triển loại hình du lịch chữa bệnh từ các nguồn dược liệu quý, đặc biệt là sâm Ngọc Linh.

Cù Lao Chàm có 8 đảo với tổng diện tích gần 40.000 ha xếp hàng thành một vòng cung được đặt tên hết sức dân dã: Hòn Lao, Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Khô mẹ, Hòn Khô con, Hòn Lá, Hòn Tai và Hòn Ông. Chỉ có một số hòn đảo có cư dân sinh sống với khoảng 3.000 người. Cù Lao Chàm có 1.549 ha rừng tự nhiên và 6.716 ha mặt nước với sự đa dạng sinh học vô cùng phong phú.

Các kết quả nghiên cứu đã công bố 947 loài sinh vật sống trên vùng nước quanh các đảo. Hệ thực vật ở đây khá phong phú, đặc biệt là hải sản như bào ngư, ốc vú nàng và tài nguyên yến sào. Các rạn san hô với khoảng 135 loài ở khu vực biển Cù Lao Chàm cũng là nơi các công ty du lịch đưa vào khai thác với dịch vụ lặn, thám hiểm được nhiều du khách ưa chuộng.

Đây sẽ là không gian ưu tiên tập trung thu hút đầu tư phát triển du lịch nhằm giảm tải cho khu vực di sản với định hướng phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, thủ công truyền thống gắn với du lịch tìm hiểu lịch sử văn hóa cách mạng, du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch công vụ MICE.

PGS-TS.Đặng Văn Bào – Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, Cù Lao Chàm cần phát triển du lịch dựa vào cộng đồng và lưu trú tại nhà dân. Mô hình kinh tế sinh thái quy mô hộ gia đình tại thung lũng Đồng Chùa với vườn sinh thái là một ý tưởng có thể nghiên cứu. Ngoài ra, cần tránh xây dựng các công trình lưu trú quy mô lớn trên bãi biển mà tận dụng các thềm biển để xây dựng nhà nghỉ cao cấp thấp tầng để xứng đáng là một điểm du lịch sinh thái hấp dẫn.

Cu lao Cham 1

Cù Lao Chàm có 8 đảo với tổng diện tích gần 40.000 ha

Theo ông Tống Quốc Hưng - Trưởng phòng VH-TT TP Hội An, ngoài việc củng cố, duy trì các sản phẩm du lịch cộng đồng, sinh thái, vui chơi giải trí hiện có, cần tổ chức triển khai sớm các sản phẩm du lịch đã có định hướng như mở tuyến tham quan quanh đảo bằng đường bộ, tham quan tìm hiểu hang yến…, lập dự án đầu tư các sản phẩm mới như chương trình khám phá hòn Dài, leo núi, khám phá rừng cũng như xây dựng, công bố bộ sản phẩm du lịch đặc trưng, chương trình tour tham quan du lịch Cù Lao Chàm một cách chính quy. 

Từ đó, nghiên cứu thu hút thị trường khách quốc tế thông qua loại hình du lịch tàu biển và Cảng hàng không Chu Lai; hình thành tuyến du lịch đường sông, đường biển kết nối các đảo Cù Lao Chàm, Hội An, Tam Hải, Núi Thành và các điểm du lịch ven biển kết nối phát triển và mở rộng tour đến đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi thông qua hệ thống cảng biển, bến sông; bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn Núi Thành để phát triển du lịch.

Tỉnh dự định đẩy mạnh công tác liên kết với Thái Lan và Lào để thu hút khách du lịch thông qua cửa khẩu quốc tế Nam Giang (Quảng Nam) – Đắc Tà Ọoc (Sê kông, Lào) và liên kết với các tỉnh Tây Nguyên để đón dòng khách từ những địa phương này.

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh tại buổi khảo sát thực tế đỉnh núi Bằng Am, huyện Đại Lộc

Lãnh đạo tỉnh yêu cầu thành lập Đoàn thanh tra liên ngành do Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì để thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đầu tư, tiến độ, việc xây dựng các công trình liên quan,….tại khu vực phát triển du lịch núi Bằng Am. Trên cơ sở đó, tham mưu UBND tỉnh quyết định theo thẩm quyền, không để kéo dài.

Đối với hạng mục đầu tư khu tâm linh tại đây chỉ được thực hiện cuối cùng sau khi tất cả các hạng mục khác trong quyết định chủ trương đầu tư và quy hoạch chi tiết đã phê duyệt được xây dựng đúng tiến độ, đúng quy định và phải báo cáo nội dung hoạt động với UBND tỉnh, được UBND tỉnh cho phép triển khai thực hiện.

Chủ tỉnh Quảng Nam giao UBND huyện Đại Lộc cùng với đơn vị tư vấn làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng nghiên cứu địa hình, địa chất, điều kiện tự nhiên khu vực đỉnh núi Bằng Am và khu vực lân cận để cập nhật vào hồ sơ Quy hoạch xây dựng vùng huyện Đại Lộc, đề xuất phương án quy hoạch theo hướng đầu tư phát triển du lịch thuần túy hay đầu tư phát triển thành khu đô thị dịch vụ du lịch.

Theo Cục Thông tin đối ngoại                                                                                       

Bạn nghĩ sao?