Quỳnh Chi - 15:45 - 05/05/2021
 
Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) tái khẳng định phương án đầu tư mới tuyến đường sắt với tốc độ 160-200km/h khai thác chung tàu hàng và tàu khách không có khả năng thu hút nhu cầu vận tải nên hiệu quả không cao.

So với các lĩnh vực giao thông khác, đường sắt đang bị bỏ lại phía sau bởi hạ tầng kỹ thuật lạc hậu, thị phần ngày càng giảm sút. Vì vậy, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam đang được hứa hẹn sẽ tạo ra cuộc cách mạng về hạ tầng giao thông trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, việc lựa chọn công nghệ nào, tốc độ chạy tàu bao nhiêu để đảm bảo hiệu quả đầu tư và phù hợp với tình hình kinh tế đất nước, thậm chí có đề xuất chỉ nên cải tạo nâng cấp hệ thống đường sắt hiện hữu đang là những vấn đề đang được bản thảo cân nhắc.

duong sat

Việc sớm triển khai tuyến đường sắt thứ hai trên trục Bắc - Nam sẽ giúp đường sắt Việt Nam nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh với các phương thức vận tải khác 

Trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Bộ Giao thông Vận tải phân tích, với đặc điểm địa hình của Việt Nam trải dài từ Bắc tới Nam, hình chữ S rộng ở hai đầu, đoạn ở giữa hẹp, tài nguyên đất đai hạn chế do phía Tây là dãy núi Trường Sơn giáp Lào.

Dải duyên hải ven biển có chỗ rất hẹp nên không thể phát triển nhiều trục đường bộ thay trục dọc. Vì vâỵ chỉ phù hợp cho phát triển loại hình giao thông khối lượng chuyên chở lớn, tốc độ cao và chiếm dụng ít tài nguyên đất như đường sắt tốc độ cao.

Mặt khác với vị thế địa lý, điều kiện tự nhiên, sự phân bố dân cư và tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam cho thấy, khu vực hai đầu đất nước tập trung 85% dân cư và tạo ra 90% tổng sản phẩm quốc nội nhưng lại cách nhau tới 1.500 km.

Do vậy, việc nối hai khu vực này bằng hệ thống giao thông vận tải tốc độ cao là cần thiết để đảm bảo vận chuyển, điều phối nguồn nhân lực giữa hai khu vực kinh tế lớn một cách nhanh nhất.

Bộ GTVT cho biết, dự báo đến năm 2030, nhu cầu hành khách trên hành lang vận tải Bắc - Nam sẽ là 534.000 hành khách/ngày, tương đương 195 triệu hành khách/năm (chỉ tính những chuyến đi liên tỉnh), tốc độ tăng trưởng bình quân năm đạt 6,59%.

Nếu không xây dựng đường sắt tốc độ cao thì tổng năng lực của các loại phương thức vận tải trên hành lang vận tải Bắc - Ṇam (đường bộ, hàng không và đường biển) đến năm 2030 chỉ đạt khoảng 138 triệu hành khách/năm.

Như vậy, nhu cầu vận tải hành khách trên hành lang Bắc - Nam đến năm 2030 sẽ vượt năng lực của các loại hình vận tải là 57 triệu hành khách/năm, tương đương 156.000 hành khách/ngày. Với ưu thế vượt trội về năng lực và tốc độ, đường sắt tốc độ cao sẽ giải quyết được bài toán trên.

Trong khi đó, theo dự thảo quy hoạch đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 của Bộ Giao thông Vận tải, ngành đường sắt hướng đến mục tiêu đáp ứng nhu cầu vận chuyển 16,5 triệu tấn hàng hóa, 30,9 triệu hành khách đến năm 2030 và đến năm 2050 sẽ vận chuyển 15% sản lượng hàng hóa, 19% về hành khách.

Mới đây, Bộ GTVT vừa gửi Bộ Kế hoạch và đầu tư kết quả nghiên cứu bổ sung phương án đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Bộ GTVT cho biết, tại Quyết định số 214/QĐ-TTg ngày 10/5/2012 và Quyết định số 1468/QĐ-TTg ngày 24/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Chiến lược, Quy hoạch phát triển GTVT đường sắt đã xác định đến năm 2030: Xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao (trước mắt khai thác tốc độ chạy tàu từ 160km/h đến dưới 200km/h), đường đôi khổ 1.435mm, điện khí hóa, hạ tầng tuyến có thể đáp ứng khai thác tốc độ cao tốc 350 km/h trong tương lai.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Khoản 10, Điều 3, Luật Đường sắt năm 2017 thì đường sắt tốc độ cao là một loại hình của đường sắt quốc gia có tốc độ thiết kế từ 200 km/h trở lên, có khổ đường 1.435 mm, đường đôi, điện khí hóa.

Đến nay, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng xác định triển khai xây dựng một số đoạn đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là một trong các nhiệm vụ về phát triển kết cấu hạ tầng nhằm tạo bước đột phá chiến lược trong giai đoạn đến năm 2030.

Như vậy, phương án đầu tư với dải tốc độ từ 160 đến 200km/h không phải là đường sắt tốc độ cao theo quy định của Luật Đường sắt và chưa phù hợp với Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Mặt khác, rà soát các nghiên cứu trước đây về Dự án, Bộ GTVT nhận thấy phương án đầu tư bổ sung như kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là một trong 4 phương án đã được Chính phủ trình Quốc hội vào năm 2010. Theo đó, Chính phủ xem xét, đánh giá: Phương án này có nhược điểm là việc nâng cấp đường sắt hiện tại sẽ thỏa mãn nhu cầu vận tải hành khách địa phương và vận tải hàng hóa; tuy nhiên, việc xây mới tuyến đường khổ 1.435mm không đạt được mục tiêu vận tải hành khách với tốc độ cao. Để đáp ứng nhu cầu vận tải nên Chính phủ đã xem xét, báo cáo Quốc hội phương án xây dựng đường sắt mới có tốc độ khai thác 300km/h (vận tốc thiết kế 350km/h) để phục vụ vận chuyển hành khách.

Được biết, 4 phương án từng được Chính phủ trình Quốc hội là mở rộng đường sắt hiện tại thành đường 1.435mm đồng thời làm thêm 1 đường khổ 1.435mm bên cạnh; nâng cấp đường sắt hiện tại thành đường đôi khổ 1.435mm để chạy với tốc độ 200km/h (chở khách, hàng hóa); nâng cấp tuyến đường sắt hiện tại để đáp ứng nhu cầu trước mắt, đồng thời xây dựng mới tuyến đường đôi, khổ 1.435mm để vừa chở hành khách và hàng hóa với tốc độ 200km/h (vì tốc độ lớn hơn thì không thể khai thác tàu hàng); nâng cấp đường sắt hiện tại để đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách địa phương, đồng thời xây dựng tuyến mới với tốc độ 300km/h để vận chuyển hành khách.

Liên quan đến ý kiến của Bộ Kế hoạch và đầu tư về việc nghiên cứu bổ sung phương án đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam vận tải hành khách, hàng hóa với dải tốc độ từ 160 đến dưới 200km/h, Bộ GTVT cho biết là đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án đường sắt, tư vấn rà soát nghiên cứu phương án bổ sung.

Kết quả nghiên cứu của Tư vấn cho thấy, phương án đầu tư mới tuyến đường sắt với tốc 160-200km/h khai thác chung tàu hàng và tàu khách sẽ có chi phí đầu tư và khai thác dự kiến lớn (khoảng 64,8 tỷ USD), không có khả năng thu hút nhu cầu vận tải nên hiệu quả không cao, khai thác tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn; bên cạnh đó việc nâng cấp lên tốc độ 350km/h trong tương lai sẽ gặp nhiều khó khăn về mặt kinh tế, kỹ thuật.

Tuyến đường sắt theo phương án này kết nối không hiệu quả với mạng đường sắt hiện tại để vận chuyển hàng hóa do khác biệt về khổ đường, chất lượng dịch vụ vận tải hành khách không cao (hạn chế tốc độ, tần suất), tính hấp dẫn về hành khách kém nên không đủ sức cạnh tranh với các phương thức vận tải khác. Do đó Tư vấn đã kiến nghị không đầu tư phương án nêu trên.

Theo Bộ GTVT, trên cơ sở Quyết định số 421/QĐ-HĐTĐNN ngày 19/3/2020 của Hội đồng thẩm định nhà nước về kế hoạch thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án, năm 2020 Bộ GTVT đã bố trí đủ 41,819 tỷ đồng phục vụ công tác thẩm tra, thẩm định theo dự toán được Hội đồng thẩm định nhà nước phê duyệt, số vốn còn lại đã được Bộ GTVT hoàn thiện các thủ tục kéo dài sang năm 2021 để phục vụ công tác thẩm tra.

"Bộ GTVT đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm triển khai thẩm định làm cơ sở để Bộ GTVT triển khai các thủ tục tiếp theo", công văn do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông ký nêu rõ.

Bạn nghĩ sao?