Quỳnh Chi -
 
Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông dự kiến sẽ chính thức vận hành thương mại vào 30/4.

Sau khi vận hành thử dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (từ 12 đến 31/12/2020), Tổng thầu EPC Trung Quốc thực hiện đã vận hành hơn 5.700 chuyến tàu an toàn với tổng số trên 70.000km dưới sự giám sát của các đơn vị tư vấn giám sát, tư vấn độc lập ACT của Pháp, các cơ quan chức năng và Hội đồng nghiệm thu Nhà nước để kiểm tra, đánh giá các chỉ tiêu vận hành phục vụ công tác đánh giá an toàn, nghiệm thu kỹ thuật.

Đây cũng là thời gian để kiểm tra công tác đào tạo, đánh giá mức độ thành thục sẵn sàng thực hiện công việc của các nhân sự thuộc đơn vị vận hành của Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) cho giai đoạn vận hành thương mại sắp tới.

Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho biết, đến thời điểm này, các vướng mắc của dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông cơ bản được tháo gỡ. Hiện chứng chỉ an toàn hệ thống của dự án này đã hoàn thành và hiện đang làm thủ tục báo cáo Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đánh giá.

Liên quan đến quá trình vận hành thử tiến tới vận hành thương mại dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông, trước đó, Bộ Giao thông vận tải đã cùng UBND TP Hà Nội và các đơn vị liên quan tiến hành nghiệm thu có điều kiện và bàn giao cho Hà Nội.

Cat linh

 

Hiện phía UBND Tp. Hà Nội đã chuẩn bị sẵn sàng nhân sự, kỹ thuật, phương án khai thác để khi tiếp nhận lại dự án Cát Linh - Hà Đông có thể vận hành khai thác ngay, đảm bảo hiệu quả, liên thông với các phương tiện công cộng khác.

Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hà Nội Metro), đơn vị khai thác vận hành tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, cho biết sau khi tiếp nhận toàn bộ từ Bộ GTVT và đưa vào khai thác thương mại, hành khách sẽ được miễn phí trong 15 ngày đầu tiên để trải nghiệm.

Sau 15 ngày miễn phí, giá vé đi tàu Cát Linh - Hà Đông dự kiến ở mức 7.000 -15.000 đồng/vé/lượt. Mức giá này căn cứ theo quãng đường ngắn dài, trong đó nếu khách đi một số đoạn ga thì mức giá từ 8.000 đồng, còn nếu đi từ ga đầu đến hết tuyến là 15.000 đồng/lượt.

Giá vé được bán theo ngày, tháng, quý tùy theo nhu cầu của hành khách đi tàu. Cụ thể, Metro Hà Nội áp dụng mức giá 30.000 đồng/vé/ngày và 200.000 đồng/vé/tháng dành cho khách phổ thông.

Tại ga Cát Linh - ga trung tâm của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông những ngày gần đây sôi động hơn, các thiết bị phục vụ hành khách như hệ thống bán vé tự động, quầy soát thẻ khách lên tàu cùng hệ thống loa phát thanh hướng dẫn... đều trong trạng thái sẵn sàng hoạt động.

Nhà ga được thiết kế hai tầng riêng biệt. Để lên nhà ga, từ ngoài đường vào trong sảnh nhà ga, hành khách có thể dùng thang máy hoặc thang bộ lên tầng 1. Đây là khu vực khách mua vé tàu, đi qua cổng soát vé và có thể nghỉ ngơi, sử dụng khu vệ sinh dành cho hành khách, sau đó lên tầng 2 để đợi lên tàu.

Lối lên xuống giữa tầng mua vé và tầng đợi tàu cũng được bố trí thang máy cuốn và thang bộ rộng rãi, với biển chỉ dẫn bằng song ngữ Việt - Anh. Mặt bằng cả hai tầng nhà ga thông thoáng, sạch sẽ, có các dãy ghế ngồi cho hành khách, có nhân viên trực hướng dẫn khách hệ thống loa phát thanh hướng dẫn khách giống như âm thanh tại sân bay (có thang máy thẳng dành riêng, lối dẫn định hướng cho người khuyết tật).

Ngoài ga Cát Linh, tại các ga hiện đều bố trí song song quầy bán vé trực tiếp và máy bán vé tự động cho hành khách. Máy bán vé tự động được hiển thị bằng tiếng Việt và tiếng Anh, hành khách chỉ cần chọn ga đến và đưa tiền vào máy để nhận vé, biên lai, tiền thừa.

Theo Sở GTVT Hà Nội, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông được đưa vào khai thác thương mại sẽ hoạt động liên tục từ 5h-23h hàng ngày. Khung giờ cao điểm cứ 6 phút sẽ có một đoàn tàu cập ga với sức chở tối đa 960 người. Trong giờ bình thường tàu được khai thác 10 phút/chuyến.

Đoàn tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông chạy với tốc độ bình quân 35km/h. Khi vào ga, tàu sẽ dừng 25-35 giây để khách lên xuống. Thời gian tàu chạy toàn tuyến hết 25,5 phút (gồm cả thời gian dừng).

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có chiều dài 13,05 km gồm 12 ga và 1 khu Depot. Tổng mức đầu tư ban đầu 8.770 tỷ đồng (gần 553 triệu USD), sau đó điều chỉnh lên 18.002 tỷ đồng (hơn 868 triệu USD). Trong số này, vốn vay ODA Trung Quốc là 13.867 tỷ đồng, vốn đối ứng 4.134 tỷ.

Dự án bắt đầu được thực hiện từ tháng 10/2011, với tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng bằng vốn vay ODA của Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008 giữa Chính phủ hai nước Việt Nam - Trung Quốc.

Tổng thầu thực hiện dự án là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc, tư vấn giám sát thi công là Công ty TNHH giám sát xây dựng Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh.

                                                                                       

Bạn nghĩ sao?