Năm 2020 là một năm có nhiều biến động bất thường do thiên tai khốc liệt, dịch bệnh... đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, đại dịch toàn cầu Covid-19 đã làm đứt gãy kết nối thương mại nông sản giữa hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, với chiến lược “biến nguy thành cơ…”, nông nghiệp tiếp tục đạt được những kết quả tích cực trên cả lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu, mở ra nhiều kỳ vọng phát triển mới trong năm 2021.
Năm 2020, những biến động cực đoan về thời tiết, đã gây thiệt hại lớn về tài sản và ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, tác động nặng nề nhất lên ngành Nông nghiệp Việt Nam đó là ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19. Đại dịch đã làm đứt gãy kết nối thương mại nông sản của hầu hết các quốc gia trên thế giới, tác động mạnh mẽ đến thị trường nông sản của Việt Nam.
Khó khăn chồng chất khó khăn, tuy nhiên trong mỗi thời điểm gian nan, ngành Nông nghiệp lại tìm ra hướng thích nghi và vẫn có nhiều điểm sáng toàn diện. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết: “Để vượt qua thách thức kép là thiên tai và dịch bệnh, ngành Nông nghiệp đã phải có giải pháp kép, là tiếp tục tăng trưởng; bảo đảm mục tiêu xuất khẩu và an sinh xã hội”.
Bên cạnh đó, công nghiệp chế biến nông sản theo công nghệ cao được đẩy mạnh, đã thu hút mạnh mẽ đầu tư của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn. Đó chính là các giải pháp cơ cấu lại ngành, đổi mới mô hình tăng trưởng, khơi thông nguồn lực đầu tư của toàn xã hội. Nhờ đó, năm 2020 ngành Nông nghiệp vẫn duy trì được đà tăng trưởng khá cao, hoàn thành và vượt kế hoạch 4/5 chỉ tiêu. Đặc biệt xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt kết quả ngoạn mục, là bệ đỡ quan trọng phát triển nền kinh tế…
Đặc biệt sản xuất lúa cả nước đã có một năm vượt nhiều khó khăn và là một trong những điểm sáng trong lĩnh vực trồng trọt. Lúa gạo được mùa, được giá toàn diện trên cả nước Tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm 85%, đã nâng giá gạo xuất khẩu bình quân tăng từ 440 USD/tấn năm 2019 lên 496 USD/tấn năm 2020, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước, chế biến, sử dụng làm thức ăn chăn nuôi và xuất khẩu. Lúa gạo thực hiện được mục tiêu kép là an ninh lương thực và xuất khẩu.
Với lĩnh vực thủy sản, đứng trước khó khăn về sản xuất và xuất khẩu do tác động của đại dịch Covid-19 đứt gãy chuỗi tiêu thụ, giá cá tra giảm… ngành thủy sản phải tìm kiếm thị trường mới, hướng phát triển thị trường nội địa với ngành hàng tôm và cá tra bên cạnh xuất khẩu.
Điểm nhấn của hoạt động xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2020, phải kể đến việc các ngành hàng đã bước đầu tiếp cận hiệu quả thị trường châu Âu, nhờ vào những lợi thế khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020.
Bên cạnh đó, tranh thủ giá nhiên liệu giảm; các ưu đãi của Hiệp định CPTTP và EVFTA, mức thuế chống bán phá giá vào thị trường Hoa Kỳ giảm, kết quả công nhận tương đương về hệ thống quản lý, kiểm soát ATTP trên cá tra và các sản phẩm Silurifomes do Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ công bố để thúc đẩy phát triển thủy sản… Nhờ đó, tổng sản lượng thủy sản ước đạt trên 8,4 triệu tấn, tăng 1,9% so với năm 2019; trong đó khai thác ước đạt trên 3,84 triệu tấn, tăng 2,5%; nuôi trồng đạt khoảng 4,56 triệu tấn, tăng 1,4%.
Kết thúc năm 2020, kim ngạch thương mại hai chiều cả nước đạt khoảng 541 tỷ USD, ngành Nông nghiệp đóng góp xuất khẩu tới 41,2 tỷ USD và được đánh giá là 1 trong 5 quốc gia trên thế giới có dòng thương mại mạnh nhất.
Nhiều mặt hàng có giá trị tăng cao của Việt Nam như gạo, trái cây, thủy sản… đã đạt mức tăng trưởng khá. Trong các mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu thì vùng DTTS và miền núi góp phần không nhỏ vào thành quả xuất khẩu nông sản. Cụ thể, 5 mặt hàng xuất khẩu trên 3 tỷ USD chủ yếu được sản xuất trong vùng DTTS như gỗ, hạt điều, rau quả, tôm, gạo. Tăng trưởng ấn tượng nhất là lúa gạo, với sản lượng đạt 42,7 triệu tấn không chỉ bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, hỗ trợ các quốc gia khác mà còn vươn lên một tầm cao mới trong xuất khẩu.
Đặc biệt, lĩnh vực công nghiệp chế biến trong nông nghiệp cũng đạt kết quả. 5 năm qua, đã xây dựng được 68 nhà máy chế biến nông sản. Riêng năm 2020, xây dựng khoảng 20 nhà máy. Xây dựng Nông thôn mới vượt mục tiêu đề ra, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi, nhiều nơi xuất hiện “phố” trong làng; và quan trọng là đời sống Nhân dân được cải thiện rõ nét. Thu nhập của người dân nông thôn đạt 43 triệu đồng/người/năm.
Năm 2021 có ý nghĩa quan trọng, năm diễn ra Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngành Nông nghiệp Việt Nam đã đề ra mục tiêu năm 2021 với những chỉ tiêu cơ bản là: Tốc độ tăng trưởng GDP ngành đạt 2,7 - 3%; tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản trên 2,8 - 3,1%; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trên 42 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42% và nâng cao chất lượng rừng...
Tuy nhiên, thách thức về thiên tai, dịch bệnh vẫn luôn tiềm ẩn. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng của ngành Nông nghiệp vẫn còn hạn chế; môi trường nông thôn vẫn còn nhiều vấn đề. Công tác dự báo cung cầu thị trường các mặt hàng nông sản thiết yếu vẫn còn yếu…
Nhưng trong khó khăn thách thức, cũng có rất nhiều cơ hội. Đặc biệt thời cơ rất lớn, là thị trường được mở ra nếu như tận dụng được hiệu quả lợi thế của các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA, RCEP... Ngành Nông nghiệp phải biết biến nguy cơ thành thời cơ để tăng trưởng nông nghiệp, tiếp tục thực hiện mục tiêu kép.
Yêu cầu đặt ra đối với ngành Nông nghiệp là, cần chuẩn bị tốt nhất các điều kiện về sản xuất, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như hàng loạt các cam kết khác về lao động, môi trường, phát triển bền vững… để đưa xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trở thành lĩnh vực đem lại giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế, hiện thực hóa ước mơ đưa Việt Nam trở thành 1 trong 5 quốc gia xuất khẩu rau quả hàng đầu thế giới.
TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường và Thể chế nông nghiệp cho rằng, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới do dịch bệnh, không riêng doanh nghiệp Việt Nam, mà các doanh nghiệp trên thế giới đều đang điều chỉnh định hướng đầu tư của mình. Trong tương lai, đầu tư có xu hướng vào kinh tế xanh. Vì thế, nông nghiệp vẫn là định hướng, điểm đến của nhiều nhà đầu tư tương lai.
“Nông nghiệp Việt Nam phát triển trong những năm qua chủ yếu dựa vào đông đảo hộ gia đình, hộ nông dân nhỏ lẻ và số ít doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, kiểu tổ chức nhỏ, lẻ đó khó nâng tầm năng lực cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường quốc tế với yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm, sản xuất bền vững và thân thiện với môi trường” - TS. Đặng Kim Sơn nêu ý kiến.
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- Thông điệp gửi mẹ qua chiếc chong chóng tuổi thơ
- Tập đoàn Geleximco và những dự án nhà ở ghi dấu ấn
- Tập đoàn BRG lần thứ 3 liên tiếp được vinh danh tại giải thưởng BCI Asia Awards 2022
- Những “chuyến tàu trở về tuổi thơ” xuất phát tại công viên xanh lớn nhất miền Bắc
- Sổ tiết kiệm HDBank trị giá 300 triệu đồng đã tìm được chủ nhân
- Dịp nghỉ Lễ 30/4 - 1/5, giá vé tăng, hàng không và đường sắt dự kiến tăng chuyến