Khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Nguyễn Xuân Cường xin chia sẻ với đồng bào các tỉnh miền trung bị thiệt hại nặng nề do thiên tai gây ra trong thời gian qua. Từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 11-2020, chỉ hai tháng, miền trung phải hứng chịu thiên tai chưa từng thấy trong lịch sử. Có chín cơn bão, xen vào đó là hai đợt áp thấp. Đây là hiện tượng dị thường. Tại Quảng Trị lượng mưa đo được trong thời gian ngắn gần 4.000mm, đây là điều vô cùng bất thường của thời tiết.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, đợt bão lũ lịch sử vừa qua, ngành nông nghiệp bị thiệt hại lớn nhất, trọng tâm rơi vào 6 tỉnh miền Trung với tổng thiệt hại về kinh tế ước tính trên 30.000 tỷ đồng, hàng trăm người thương vong. Riêng lĩnh vực nông nghiệp bị thiệt hại 4.000 ha lúa, 7.600 ha hoa màu, 139.565 ha rừng, 12.672 ha nuôi thủy sản bị thiệt hại; 38.500 con gia súc, 3.214.000 con gia cầm bị chết, cuốn trôi; 165 km đê biển, cửa sông bị sự cố; 45,9 km kè bị hư hỏng; 88 điểm sạt lở bờ biển với tổng chiều dài là 141 km...
Trước tình trạng “bão chồng bão”, “lũ chồng lũ” liên tục trong 2 tháng qua, Bộ NN&PTNT đã huy động toàn bộ lực lượng đồng hành cùng các tỉnh miền Trung, vừa triển khai các giải pháp phòng chống thiên tai cũng như khôi phục sản xuất, sớm ổn định cuộc sống người dân.
Hiện nay, chính quyền các địa phương đang tập trung chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai, ưu tiên hỗ trợ người dân khôi phục trồng trọt và chăn nuôi với các loại cây, con ngắn ngày. Đồng thời, chủ động liên hệ, kết nối huy động các nguồn lực hỗ trợ người dân một số chủng loại giống cây trồng, vật nuôi nhằm kịp thời phục vụ dân sinh, sớm ổn định cuộc sống cho người dân bị thiệt hại sau bão lũ. Bộ NN&PTNT cũng đã phân bổ kịp thời giống cây trồng kịp thời để người dân triển khai vụ Đông muộn.
Là lãnh đạo một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho biết, trải qua các đợt bão lũ vừa qua, tỉnh Quảng Nam chịu thiệt hại lớn về người và tài sản, đặc biệt về trồng trọt, chăn nuôi, thủy lợi, giao thông... Tổng thiệt hại trên 10.000 tỷ đồng. Sau bão lũ, tỉnh đã và đang nỗ lực triển khai ổn định cuộc sống nhân dân thông qua các giải pháp như: Làm nhà tạm, quy hoạch lại khu dân cư, sớm hỗ trợ lương thực, cây con giống kịp thời cho người dân…
“Hiện nay, tỉnh đang tập trung chỉ đạo khắc phục và hỗ trợ người dân sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi lương thực ngắn ngày để phục vụ nhu cầu trước mắt và trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Trong đó, ưu tiên các giống rau màu, vật nuôi có thời gian sinh trưởng ngắn, có thể thu hoạch sớm”, ông Hồ Quang Bửu cho hay.
Để kịp thời tổ chức sản xuất vụ Đông Xuân 2020-2021, các tỉnh miền Trung cũng đã tổ chức huy động các lực lượng vũ trang, hội đoàn thể tổ chức các đợt ra quân vệ sinh, cải tạo đồng ruộng. Đồng thời, có phương án chuyển đổi sản xuất cơ cấu cây trồng phù hợp trên diện tích bị bồi lấp.
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị chia sẻ tỉnh đã huy động hàng nghìn ngày công của các lực lượng, phương tiện để ra quân xung kích triển khai san, gạt, cải tạo đồng ruộng và diện tích hoa màu bị vùi lấp, hàn gắn tạm thời các tuyến kênh mương bị hư hỏng, sẵn sàng triển khai vụ Đông Xuân 2020-2021 thắng lợi. Qua quá trình triển khai, tỉnh đã cải tạo ruộng đất được hơn 1.000 ha tại các huyện Triệu Phong, Vĩnh Linh và thị xã Quảng Trị.
“Tuy nhiên, do khối lượng diện tích lúa, hoa màu bị vùi lấp khá lớn nên công tác tác cải tạo, hoàn trả diện tích và hệ thống kênh mương nội đồng bị vùi lấp vẫn đang gặp nhiều khó khăn, cần phải huy động phương tiện cơ giới và lực lượng nhân công lớn trong thời gian dài mới có thể hoàn thành được”, ông Hà Sỹ Đồng nói.
Trong thời gian miền trung gánh chịu thiên tai dồn dập, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương tập trung công tác ứng phó, cứu hộ, cứu trợ nhân dân bị lũ lụt, bảo đảm tối đa an toàn tính mạng cho nhân dân cũng như lực lượng tham gia cứu hộ và không để người dân bị thiếu ăn trong lũ.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt công tác khắc phục hậu quả sau bão lũ. Thủ tướng đã thành lập đoàn chỉ đạo tiền phương ngay từ khi bão mới vào Biển Đông. Miền trung, nhất là sáu tỉnh bị thiệt hại nặng cùng Quân khu IV, Quân khu V tích cực ứng phó theo phương châm "4 tại chỗ" hiệu quả. Kết thúc từng cơn bão, áp thấp, mưa lớn, Thủ tướng đã chỉ đạo kịp thời đến các bộ, ngành, địa phương bằng các biện pháp cụ thể. Chính phủ đã quyết định hỗ trợ khẩn cấp 1.250 tỷ đồng cho các tỉnh bị thiệt hại kịp thời khôi phục đời sống, sản xuất ban đầu.
Tại hội nghị, Bộ NN và PTNT cho biết, biện pháp phục hồi sản xuất nông nghiệp trước mắt là bộ đã hỗ trợ giống rau, xây dựng các mô hình điểm tái thiết sản xuất, trong đó có các mô hình bưởi Thanh Trà ở Thừa Thiên Huế, hồ tiêu ở Quảng Trị. Đây là các mô hình tập trung cả kỹ thuật, khuyến nông với sự tham gia trực tiếp của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia… Với thủy sản, ưu tiên nuôi ba đối tượng tôm, gia cầm, cá; vì chỉ cần sau ba tháng nuôi là thu hoạch. Đề nghị các tỉnh tập trung vệ sinh chuồng trại, ao nuôi, lồng bè để thực hiện.
Các tỉnh bị hiệt hại có tổng chiều dài hơn 160km kè với 800 điểm sạt lở. Vì vậy cần có nghiên cứu chi tiết để khôi phục vì còn liên quan đến khu dân cư cần làm trọng điểm. Với an toàn hồ đập, có 1.200 hồ chứa, đập ở sáu tỉnh miền trung vừa bị bão lũ nên địa phương cần phối hợp với T.Ư để giải quyết. Về nhà tránh lũ, đầu tuần sau Bộ NN và PTNT có hội thảo với Bộ Xây dựng và một số địa phương để giải quyết nội dung này.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các địa phương không được chủ quan, tuyệt đối không để dân thiếu đói do thiên tai, lũ lụt. Vừa rồi hơn 16 nghìn tấn gạo, Chính phủ xuất cấp chưa giải quyết hết vấn đề, vì còn nhiều vùng chia cắt ở sườn tây, phía núi rừng Trường Sơn của các tỉnh trung bộ. Không chỉ có gạo, người dân còn cần lương thực, thực phẩm khác để sinh sống. Các tỉnh phải tiếp tục đẩy mạnh việc vệ sinh chuồng trại, ao nuôi. Dự báo năm nay mùa đông đến sớm, rét đậm, rét hại, mưa phùn, gió bấc nên các địa phương phải hết sức thận trọng.
Xác định kế hoạch trung hạn và dài hạn, Bộ trưởng cho biết, cần đánh giá lại toàn bộ mọi mặt của đợt thiên tai lịch sử vừa qua một cách khoa học nhất để đưa ra được đối tượng, quy trình sản xuất, giải pháp tổng thể phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan. Tiếp tục tái cơ cấu nông nghiệp, tái cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích cực, thích ứng với biến đổi khí hậu. Từ đó, chúng ta cần xác định sống chung với các hiện tượng lũ lụt, mưa bão, biến đổi khí hậu là bình thường.
Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng xin gửi lời cảm ơn đến nhân dân, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp đã chung tay với Bộ để vượt qua thời điểm khó khăn; cảm ơn các cơ quan truyền thông; nhất là đại diện các cơ quan truyền thông thường trú tại miền trung, có đồng chí đã hy sinh ở Rào Trăng để kịp thời có thông tin sớm nhất phục vụ cho việc phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai.
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- Thông điệp gửi mẹ qua chiếc chong chóng tuổi thơ
- Tập đoàn Geleximco và những dự án nhà ở ghi dấu ấn
- Tập đoàn BRG lần thứ 3 liên tiếp được vinh danh tại giải thưởng BCI Asia Awards 2022
- Những “chuyến tàu trở về tuổi thơ” xuất phát tại công viên xanh lớn nhất miền Bắc
- Sổ tiết kiệm HDBank trị giá 300 triệu đồng đã tìm được chủ nhân
- Dịp nghỉ Lễ 30/4 - 1/5, giá vé tăng, hàng không và đường sắt dự kiến tăng chuyến