Văn phòng Chính phủ vừa phát đi Thông báo số 332/TB-VPCP truyền đạt ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp Ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; trong đó yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung làm tốt công tác dự báo cung-cầu, không để xảy ra tình trạng “sốt” giá và “bong bóng” bất động sản trên cả nước.
Theo đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng thời gian qua, phát triển của thị trường bất động sản đã góp phần thu hút các nguồn lực, tạo ra các tài sản cố định lớn cho nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu về chỗ ở của nhân dân, đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa, phát triển dịch vụ, du lịch, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển đô thị, du lịch.
Thị trường bất động sản phát triển cũng đã kéo theo hàng loạt các thị trường về vốn, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, lao động tăng trưởng ổn định, góp phần quan trọng vào ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế-xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản cũng đã xuất hiện một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục như còn có sự mất cân đối trong quan hệ cung-cầu: Nguồn cung nhà ở trung, cao cấp đang dư thừa; trong khi nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp lại thiếu.
Công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ tại các đô thị lớn còn gặp khó khăn, bất cập, đặc biệt là vướng mắc về quy hoạch liên quan đến chỉ tiêu dân số và chiều cao công trình tại khu vực nội đô; tình hình phát triển nhà ở xã hội tại khu vực đô thị và khu công nghiệp chưa đạt chỉ tiêu đề ra.
Bên cạnh đó, nguồn lực tài chính cho đầu tư các dự án bất động sản chưa đa dạng và bền vững, chủ yếu vẫn phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng và tiền ứng trước của khách hàng; hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản vẫn chưa được tổng hợp, báo cáo đầy đủ và liên tục, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước cũng như doanh nghiệp, người dân khi tham gia thị trường.
Đặc biệt, hiện vẫn còn một số điểm mâu thuẫn, chưa phù hợp trong hệ thống pháp luật liên quan như Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Nhà ở trong việc thực hiện thủ tục quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư dự án có sử dụng đất thông qua đấu giá, đấu thầu đối với các dự án phát triển nhà ở...
Từ thực tiễn nêu trên, để tháo gỡ các khó khăn cho thị trường bất động sản trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục tổ chức triển khai, thực hiện nghiêm, có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản.
Cùng với đó, các Bộ, ngành, địa phương làm tốt công tác dự báo cung-cầu, trên cơ sở nghiên cứu quy hoạch, xây dựng kế hoạch phát triển cho từng sản phẩm, nắm chắc tình hình diễn biến của thị trường và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản.
Trong thời gian tới, các Bộ, ngành, địa phương cũng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, rà soát các dự án bất động sản bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật về sử dụng đất, đầu tư xây dựng, kinh doanh, quản lý vận hành, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật theo thẩm quyền.
Ngoài ra, các đơn vị có liên quan cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản để trình các cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành theo đúng chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội.
Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng báo cáo đánh giá toàn diện tình hình thị trường bất động sản giai đoạn 2016-2020; đôn đốc các địa phương sớm hoàn thiện và đưa vào vận hành hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chế độ sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất đối với một số loại hình bất động sản mới (căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú) trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối, bổ sung vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội và vốn để cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại do Ngân hang Nhà nước Việt Nam chỉ định để thực hiện hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu một số định chế tài chính để huy động các nguồn lực cho thị trường bất động sản, nhằm giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn vốn huy động từ các tổ chức tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo dõi chặt chẽ tình hình, tiếp tục điều hành các giải pháp chính sách tiền tệ linh hoạt, kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, kiểm soát chặt chẽ tín dụng lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Về phía địa phương, Ủy ban Nhân dân nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm trong thực hiện quy định về đầu tư kinh doanh bất động sản trên địa bàn; tập trung triển khai các chương trình nhà ở xã hội; bố trí đủ nguồn lực, kinh phí để hoàn thành việc xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản.
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- Trí tuệ nhân tạo “lột xác” ngành bất động sản: Những giải pháp đột phá từ Meey Group
- Chủ tịch Meey Group Hoàng Mai Chung: Dư địa phát triển của proptech còn rất nhiều!
- Khởi công 2 dự án thuộc Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
- T&T Group gia hạn thời gian tham gia cuộc thi sáng tạo ý tưởng, thiết kế ấn phẩm Xuân 2024
- Cư dân T&T DC Complex chính thức nhận bàn giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
- T&T Group hợp tác chiến lược với tập đoàn TOP 10 của Hàn Quốc