Quỳnh Chi - 09:34 - 01/06/2021
 
Bảo mật thông tin khách hàng trong hoạt động ngân hàng là một nguyên tắc quan trọng hàng đầu vì nó liên quan đến lợi ích của khách hàng, nghĩa vụ của các tổ chức tín dụng. Hành vi tiết lộ bí mật tài khoản của khách hàng là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm Luật các tổ chức tín dụng 2010.

Mới đây, thông tin tài khoản ngân hàng của ông Võ Nguyễn Hoài Linh (nghệ sĩ Hoài Linh) bị lộ gồm: Nội dung chuyển khoản, số tiền giao dịch và số tham chiếu có đề cập đến số tài khoản thuộc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB Bank).

Tối 27/5, Ngân hàng TMCP Quân đội đã thông tin việc sao kê tài khoản của nghệ sỹ Hoài Linh được đăng lên mạng xã hội. Theo đó, MB đã tìm được người gây sai phạm và tiến hành xử lý kỷ luật nghiêm, gửi hồ sơ sang cơ quan điều tra.

Cụ thể, Ngân hàng đã kiểm tra và xác minh sự việc trên, phát hiện một cá nhân làm việc tại ngân hàng để lộ lọt thông tin của khách hàng, cá nhân này đã vi phạm nghiêm trọng quy định của Ngân hàng.

Trên tinh thần thượng tôn pháp luật, MB cam kết sẽ có các biện pháp nghiêm khắc đảm bảo tuyệt đối tuân thủ các Quy định của pháp luật về bảo vệ thông tin của khách hàng; có biện pháp kỷ luật thỏa đáng cá nhân để lộ/lọt thông tin, không tuân thủ quy định đạo đức nghề nghiệp, không tuân thủ Quy định của Pháp luật, Quy định của ngân hàng.

MB lo thong tin (1)

thông tin tài khoản ngân hàng của ông Võ Nguyễn Hoài Linh (nghệ sĩ Hoài Linh) bị lộ

Đối với mỗi người, thông tin cá nhân là tài sản có giá trị trong nhiều hoạt động hiện nay. Đặc biệt thông tin tài khoản ngân hàng càng vô cùng quan trọng vì liên quan trực tiếp đến túi tiền của người dân. Chỉ cần lộ số tài khoản là có thể khách hàng đã bị nguy cơ mất tiền. Chưa kể các giao dịch, số dư trong tài khoản... càng thuộc bí mật cá nhân.

Tại các ngân hàng, có một số bộ phận, nhân viên được quyền truy cập vào tài khoản của khách hàng để kiểm tra, rà soát thông tin phục vụ cho hoạt động nghiệp vụ và công việc. Tuy nhiên, các nhân viên ngân hàng và chính ngân hàng có trách nhiệm phải giữ an toàn bảo mật thông tin của khách hàng.

Theo Nghị định 117/2018/NĐ-CP về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thì ngân hàng phải giữ bí mật về thông tin định danh khách hàng (bao gồm họ tên, mẫu chữ ký, tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi, thông tin về giao dịch của khách hàng...).

Ls truong thanh duc

Luật sư Trương Thanh Đức

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho biết theo quy định trong luật, ngân hàng chỉ được phép cung cấp thông tin trong ba trường hợp:

(1) Khách hàng yêu cầu, khách hàng đồng ý, khách hàng cho phép;

(2) Theo yêu cầu của cơ quan chức năng nhà nước, cơ quan pháp luật (toà án, công an, cơ quan thuế,...);

(3) Phục vụ cho hoạt động nội bộ.

Cá nhân nếu vi phạm nguyên tắc bí mật thông tin khách hàng bằng việc tiết lộ, công khai thông tin trái phép thì sẽ phải chịu các hình thức kỷ luật từ phía ngân hàng tùy theo mức độ vi phạm. Bên cạnh đó, tùy mức độ vi phạm, người thực hiện có thể bị xử phạt hành chính hoặc thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự.

"Tại điều 47, nghị định 88/2019/NĐ-CP về quy định xử phạt hành chính, quy định cá nhân làm lộ hoặc cung cấp thông tin khách hàng không đúng quy định thì có thể bị phạt tiền từ 30 – 40 triệu đồng. Vi phạm quy định về chế độ báo cáo, quản lý và cung cấp thông tin. Đối với tổ chức vi phạm thì phạt gấp 2 lần mức này", luật sư Đức nói.

Thông tin về tài khoản ngân hàng là những thông tin vô cùng quan trọng và phải tuyệt đối bí mật. Việc trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng không chỉ vi phạm nguyên tắc hoạt động ngành ngân hàng mà còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm về tài chính cho người bị mất thông tin.

Luật sư Trương Thanh Đức cũng cho biết, khách hàng được quyền yêu cầu chấm dứt vi phạm, yêu cầu đính chính, xin lỗi và bồi thường khi tổ chức tín dụng làm lộ thông tin cá nhân.

Trường hợp trao đổi, công khai trái phép thông tin tài khoản ngân hàng của nhiều người, hoặc thu lợi bất chính từ 20 triệu đồng trở lên, người thực hiện có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng quy định tại Điều 291 Bộ luật Hình sự 2015.

Điều 14 Luật các tổ chức tín dụng 2010 quy định Bảo mật thông tin như sau:

1. Nhân viên, người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được tiết lộ bí mật kinh doanh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

2. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải bảo đảm bí mật thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi và các giao dịch của khách hàng tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

3. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi, các giao dịch của khách hàng tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho tổ chức, cá nhân khác, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng.

                                                                                       

Bạn nghĩ sao?